Đổi thay Pang Cáng
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 9:04:35 AM
YBĐT - Pang Cáng là thôn đông dân nhất của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 132 hộ, 648 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhận thức của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao.
Đồng bào Mông thôn Pang Cáng thu hái chè.
(Ảnh : Đức Hồng)
|
Những năm trước đây, nhiều hủ tục lạc hậu như người chết không cho vào quan tài, thách cưới cao, ăn tết hai lần và kéo dài nhiều ngày gây tốn kém và ảnh hưởng đến đời sống của bà con, làm cho người dân đã nghèo lại càng nghèo hơn. Năm 2012, thôn Pang Cáng được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong việc thực hiện Đề án “Vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” của Huyện ủy Văn Chấn với nội dung chủ yếu là vận động đồng bào Mông cho người mất vào áo quan, không tổ chức tang lễ kéo dài quá 36 tiếng và không bắn súng, không giết mổ nhiều trâu, bò trong đám tang, đám cưới…
Thực hiện chủ trương này, Chi bộ thôn đã xây dựng nghị quyết và xác định rõ việc cần phải làm ngay là tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, trong đó các đảng viên là người tiên phong thực hiện trước, làm gương cho bà con noi theo.
Bí thư Chi bộ thôn Pang Cáng - Sùng A Thào Giàng cho biết: “Chi bộ đã tổ chức họp thôn để tuyên truyền, lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Đề án. Bà con trong thôn đã thảo luận, bàn bạc dân chủ, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ. Qua tuyên truyền, toàn thể nhân dân đều nhận thức rõ việc thay đổi các thủ tục rườm rà trong việc cưới, việc tang là đổi mới theo nếp sống văn minh. Nhân dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ, nhiệt tình ký cam kết thực hiện đúng các nội dung của Đề án”.
Tháng 11/2012, tại thôn có 1 trường hợp qua đời được Chi bộ chỉ đạo tổ chức tang lễ theo nội dung của dự thảo Đề án. Đây là đám tang đầu tiên tổ chức theo nếp sống văn minh được nhân dân xã Suối Giàng và thôn Pang Cáng học tập làm theo. Tiếp đó, tất cả các đám tang tại thôn và các thôn, bản khác trong xã đều thực hiện đúng nội dung của Đề án.
Nhờ được tuyên truyền, vận động, đến nay, Pang Cáng đã không còn tục cướp dâu, không còn thách cưới cao, không hôn nhân cận huyết thống, không tảo hôn, đám cưới tổ chức chỉ trong 1 ngày. Chi phí tốn kém cho việc cưới, việc tang không còn đè nặng lên người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Mông nơi đây. Đã có 13 lễ cưới trong thôn được bà con tự giác tổ chức lành mạnh, văn minh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc.
Sau gần ba năm triển khai Đề án đã phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, người cao tuổi, người có uy tín trong dòng họ và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào; đổi mới một bước về tổ chức việc tang, việc cưới, giảm bớt các thủ tục rườm rà, tránh lãng phí và tốn kém tiền của, thời gian cũng như không ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Đề án đã được đồng bào Mông đồng tình ủng hộ, chung tay xây dựng nếp sống văn minh. Không chỉ tự giác thực hiện những nội dung vận động mà đầu năm 2014, Pang Cáng đã vận động được 5 hộ hiến 1,5ha đất để quy hoạch nghĩa trang nhân dân.
Ông Sùng A Vàng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Suối Giàng khẳng định: “Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân đã nhận thức rõ về việc thực hiện Đề án là đổi mới việc cưới, việc tang, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Mông. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi xác định, đây là cuộc vận động lớn và là việc làm thường xuyên, lâu dài để nhân dân tự giác thực hiện, xây dựng đời sống ngày càng văn minh”.
Quỳnh Nga
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, phòng giáo dục và đào tạo huyện Văn Yên đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ở tất cả các mặt như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp quản lý, dạy học…. Mỗi đơn vị trường trên địa bàn huyện đã thực hiện các nội dung phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.
Sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được nhận mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở.
Chế độ bảo hiểm hiện nay chưa hướng mạnh đến phòng ngừa rủi ro cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động.
YBĐT - Từ cán bộ, chiến sỹ đến người dân vùng cao Mù Cang Chải đều yêu mến Thượng úy Nguyễn Văn Liêm - Trợ lý tác chiến Ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện, một tấm gương điển hình trong phong trào thi đua quyết thắng, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực giúp dân khi gặp thiên tai, hoạn nạn.