Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/11/2014 | 9:03:38 AM

YBĐT - 55 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã góp phần cơ bản vào nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí, tăng cường nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo cán bộ nguồn và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Cô và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú Mù Cang Chải trong giờ Tin học. (Ảnh: Thanh Miền)
Cô và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú Mù Cang Chải trong giờ Tin học. (Ảnh: Thanh Miền)

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực của sự phát triển. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển; coi sự nghiệp “trồng người” là nhiệm vụ cơ bản của ngành giáo dục và đào tạo. Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, của tất cả các lực lượng xã hội và của mọi gia đình.

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái và là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước. Với trên 91% dân số là đồng bào dân tộc Mông, từ những ngày đầu thành lập năm 1957 với 100% dân số mù chữ, cuộc sống đói nghèo, tập quán lạc hậu, kinh tế - xã hội chậm phát triển thì đến nay, với sự cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và có những chuyển biến rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, an ninh chính trị và an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định. Năm 2000, huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới".

Góp phần vào sự phát triển chung của huyện là đóng góp to lớn của ngành giáo dục và đào tạo. Năm 1959, ngành giáo dục và đào tạo huyện được thành lập với mục tiêu chủ yếu là thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ chủ chốt. Qua 55 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục và đào tạo Mù Cang Chải không ngừng được củng cố và phát triển. Quy mô mạng lưới trường lớp được mở rộng, trường học đã được mở ra ở 14 xã, thị trấn với các cấp học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đến trung học phổ thông (THPT).

Tính đến năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 38 trường và 01 trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên, trong đó: mầm non 13 trường, tiểu học 09 trường, THCS 09 trường (01 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS), tiểu học và THCS 06 trường, THPT 01 trường, hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) được quan tâm và ngày càng mở rộng, đến nay đã có 14 trường. Từ 300 học sinh vỡ lòng và 350 học viên bổ túc, đến nay, huyện có 17.049 học sinh, học viên, trong đó: 4.071 học sinh mầm non, 7.778 học sinh tiểu học, 3.879 học sinh THCS, 849 học sinh THPT, 245 học viên bổ túc từ lớp 6 đến lớp 12 và 227 học viên xóa mù chữ. Có 12 đơn vị xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 14/14 đơn vị được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, trong đó 11 đơn vị được công nhận phổ cập đúng độ tuổi. Phấn đấu cuối năm 2014 công nhận mới 02 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT); nâng lên tổng số 13/14 đơn vị đạt chuẩn PCGDTHĐĐT và huyện đạt chuẩn PCGDTHĐĐT năm 2014. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 là 72,64%.

Năm 2007, Mù Cang Chải đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tính đến năm 2014, có 13/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, 03 đơn vị trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh ra lớp ngày một tăng, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp hàng năm đạt từ 98% trở lên.

Trong 55 năm qua, đã có rất nhiều tập thể và cá nhân trong ngành giáo dục và đào tạo được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu thi đua. Tiêu biểu như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; Trường Tiểu học Kim Đồng, Trường Tiểu học La Pán Tẩn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen... Về cá nhân, có 02 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 01 nhà giáo được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 05 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen; 01 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia... Có trên 770 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp; trên 1.000 lượt giáo viên dạy giỏi cấp huyện; trên 30 lượt giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và trên 8.000 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến; hơn 40 lượt học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh... Chất lượng giáo dục được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương hết sức quan tâm và là mục tiêu hàng đầu của ngành nhằm xóa dần khoảng cách về mọi mặt giữa vùng sâu, vùng xa với vùng đồng bằng.

Có thể nói, trong 55 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải đã góp phần cơ bản vào nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí, tăng cường nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo cán bộ nguồn và góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển, đổi mới toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo thì ngành giáo dục và đào tạo Mù Cang Chải vẫn còn những hạn chế. Đó là giáo dục và đào tạo trên địa bàn phát triển chưa vững chắc; nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học đã được đổi mới song chất lượng, hiệu quả chưa cao; tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều, nhất là cấp THCS; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, không đồng bộ; đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu, chất lượng một bộ phận giáo viên và năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học còn hạn chế; đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ thật sự chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra mục tiêu về giáo dục và đào tạo là "Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức". Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã có Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tỉnh ủy Yên Bái đã xây dựng Chương trình số 70/CTr/TU, ngày 20/01/2014 trong đó mục tiêu tổng quát là "Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đưa giáo dục - đào tạo Yên Bái ổn định về quy mô và nâng cao về chất lượng. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Yên Bái có nguồn nhân lực phát triển với trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo và thực hành đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước...".

 

Đồng chí Giàng A Tông - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải tặng giấy khen cho các thầy, cô giáo Trường THCS Dế Xu Phình nhân khai giảng năm học 2014 - 2015.

Với quan điểm, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của Đảng và Nhà nước, xuất phát từ điều kiện thực tế của huyện, Mù Cang Chải tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được sau 55 năm xây dựng và trưởng thành của ngành giáo dục và đào tạo. Huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, tạo sự chuyển biến đồng bộ, vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền giáo dục "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa", tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước đưa Mù Cang Chải thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, rút dần khoảng cách so với các huyện, thị vùng thấp trong tỉnh. Trong những năm tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan đơn vị, các trường học cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện các quan điểm, mục tiêu giáo dục của Đảng; đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quần chúng trong việc thực hiện đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo hướng bền vững; nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của giáo dục, tăng cường đầu tư cả về nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục và đào tạo; tăng cường chỉ đạo các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân cùng chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để con em các dân tộc trong huyện được đến trường tham gia học tập và phát triển một cách toàn diện, làm cho từng gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội nhận thức rõ trách nhiệm đối với giáo dục; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách, nguồn huy động đóng góp đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt chính sách về giáo dục và đào tạo.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo; tổ chức tốt các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ về mọi mặt cho học sinh; tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên đã công tác lâu năm ở những xã, thôn bản khó khăn về những nơi có điều kiện thuận lợi hơn và ngược lại, bảo đảm công bằng trong giáo dục và đào tạo; chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài.

Chú trọng phát triển nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong trường học; tăng cường công tác phát triển Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục đạo đức và nhân cách trong đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; quan tâm, có định hướng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, trong đó cần chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng và năng lực cho học sinh; cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở phải có trách nhiệm cao trong việc vận động học sinh trong các độ tuổi đến lớp, có giải pháp cụ thể giúp đỡ học sinh con em người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Đồng thời đổi mới, nâng cao công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Kịp thời khuyến khích, khen thưởng, động viên học sinh, giáo viên có thành tích cao trong học tập và giảng dạy; sàng lọc, đưa ra khỏi ngành những giáo viên, cán bộ quản lý thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và mắc các tệ nạn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học, nhất là người dân tộc thiểu số, đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vùng cao; đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", thực hiện tốt quy chế dân chủ trong trường học.

Mặt khác quan tâm xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập"; đẩy mạnh phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp một cách hợp lý, vừa bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến năm 2020; thực hiện duy trì và tiếp tục phát triển có hiệu quả mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1, mức độ 2, nâng cao chất lượng phổ cập trung học cơ sở; chống tái mù chữ theo hướng bền vững.

Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chính là nền tảng vững chắc, là động lực cho sự phát triển chung của huyện trong hiện tại và tương lai. Trước mắt, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo còn hết sức nặng nề và không ít khó khăn, thách thức. Song dưới ánh sáng nghị quyết đại hội Đảng các cấp và với quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như với trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Mù Cang Chải sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng hơn nữa yêu cầu "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài", ươm trồng những thế hệ tương lai, chủ nhân của đất nước là những con người có phẩm chất đạo đức tốt, sống có lý tưởng, có hoài bão, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn miền núi và vì mục tiêu dân giàu, huyện mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Giàng A Tông (Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải)

Các tin khác
Nhiều chị em ở La Pán Tẩn bồng con đến lớp học xóa mù chữ.

YBĐT - Năm 2013, La Pán Tẩn đã mở 5 lớp xóa mù chữ với 159 học viên, trong đó có 112 học viên nữ, các lớp thực hiện tại 5 điểm trường. Kết quả 159/159 học viên được công nhận biết chữ. Năm 2014, tiếp tục mở 2 lớp với tổng số 60 học viên, số học viên nữ là 39 người, hiện đang duy trì tốt.

Ảnh minh họa.

Đó là thông tin được được đưa ra trong buổi hội thảo do Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Dự án Ung thư nhi Việt Nam-Lund của Thụy Điển tổ chức chiều 13/11 tại Hà Nội.

Nhiều điểm cấp đổi giấy phép lái xe xảy ra tình trạng quá tải.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết kéo dài thời hạn đổi giấy phép lái xe ôtô bằng bìa giấy sang giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET thêm một năm, đến ngày 31/12/2015.

Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bức cờ thêu cho Đại hội.

YBĐT - Trong hai ngày 12 - 13/11, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái đã tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Luật gia lần thứ III nhiệm kỳ 2014 - 2019. Dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Chiến Thắng - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện Hội Luật gia các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang và 105 hội viên đại diện cho trên 870 hội viên Hội Luật gia tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục