Dân vận tốt, hiệu quả thiết thực
- Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 9:51:01 AM
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Thường vụ Thị ủy Nghĩa Lộ về "Tăng cường sự lãnh đạo xây dựng nhân rộng các mô hình dân vận khéo giai đoạn 2012 - 2015", Đảng bộ xã Nghĩa An xác định, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giải pháp chính để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Ngay từ khi có Nghị quyết, Đảng bộ xã tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi đua sôi nổi. Đảng ủy xác định mục tiêu của công tác dân vận là xây dựng khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế; xây dựng xã hội văn minh, trật tự; xây dựng môi trường tốt để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; vận động nhân dân tôn trọng pháp luật; xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa...
Ông Hà Đức Thuy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết: "Trong các phong trào, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn được đề cao. Song song, Đảng ủy xã lãnh đạo đổi mới về nội dung, hình thức công tác dân vận và mặt trận, lấy địa bàn dân cư triển khai chương trình hành động. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được đẩy mạnh cùng với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trên địa bàn. Địa phương chú trọng thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nên đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân".
Nghĩa An đã xây dựng nhiều dự án về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất... Các đoàn thể với sự giúp đỡ của Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã đã từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp. Năm 2013, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 1.806,37 tấn/năm, giá trị bình quân trên 1ha canh tác đạt 112 triệu đồng, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, Nghĩa An đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích các hộ làm nghề du lịch cộng đồng, cơ khí sửa chữa, buôn bán, kinh doanh, dịch vụ... mở rộng quy mô sản xuất, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động địa phương.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của gia đình anh Chu Văn Tường - thôn Đêu 3 có 5 công nhân. Anh Tường chia sẻ: "Trước kia chưa có dây chuyền sản xuất gạch này, gia đình tôi chỉ biết trông vào 700m2 ruộng, mùa thì được, mùa thì mất. Ngoài làm ruộng, tôi còn đi làm thuê nhưng thu nhập cũng không trang trải nổi mọi chi phí của cuộc sống. Được xã vận động tham gia mô hình khuyến công, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất gạch ba vanh không nung.
Hiện nay, mỗi ngày, dây chuyền cho ra 2.000 viên gạch, giá bán gần 2.000 đồng/viên, mỗi tháng gia đình bỏ túi 8 - 9 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Ngoài ra, dây chuyền tạo công việc thường xuyên cho 5 lao động, thu nhập 120.000 đồng/người/ngày".
Còn Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Nghĩa An - một địa chỉ uy tín về cung cấp dịch vụ, vật tư cho sản xuất nông nghiệp từ rất nhiều năm qua thì nay lại được biết đến là một cơ sở sản xuất phân viên nén dúi sâu phục vụ thâm canh lúa nước. Ông Hà Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết thêm: "Thời gian trước, Hợp tác xã chỉ nhập phân viên nén dúi sâu về cung ứng cho bà con. Nay được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 2 máy sản xuất phân viên nén, đơn vị đã trực tiếp sản xuất phân viên bán cho nông dân trong và ngoài xã".
Với ưu điểm sản xuất theo công nghệ mới, 2 máy này trung bình mỗi lần ép được 5 viên, nhanh và nhiều hơn so với công nghệ cũ. Mỗi máy trung bình sản xuất được 3 tấn/ngày, giá bán 13.000 đồng/kg. Qua đó đã tạo việc làm ổn định cho 6 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 120.000 đồng/người/ngày. Riêng trong vụ mùa vừa qua, Hợp tác xã đã sản xuất được trên 50 tấn phân viên nén dúi sâu cung cấp cho nông dân.
Nghĩa An cũng luôn quan tâm, chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường ở các khu dân cư. Kinh tế phát triển, nhân dân địa phương tích cực tham gia các cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và các hoạt động xã hội khác như: giúp đỡ các gia đình khó khăn, xây dựng quỹ khuyến học, quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ "Vì người nghèo"... Những đổi thay và phát triển của Nghĩa An hôm nay có sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân địa phương.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Hoạt động của Thư viện thị trấn Yên Thế bước đầu đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.
Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi, lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với các công nhân bị mắc kẹt trong đường hầm. Sức khỏe của họ hiện vẫn ổn định.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 555 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cho 18 tỉnh thực hiện 48 dự án ổn định dân di cư tự do cấp bách.
YBĐT - Sáng ngày 16/12, tại tỉnh Yên Bái, Tiểu ban Lý luận về trật tự an toàn xã hội thuộc Hội đồng Lý luận Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở trong đảm bảo ANTT”.