Trả lại tên cho anh
- Cập nhật: Thứ sáu, 19/12/2014 | 2:50:39 PM
YBĐT - Gần 40 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và cả một thời gian dài sưu tìm hồ sơ, tài liệu, giấy tờ để xác minh nhân thân, ngày 3/12/2014, căn cứ vào xác nhận của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã ra Quyết định số 2181/QĐ-SLĐTBXH công nhận và trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày tại nhà tù Phú Quốc cho ông Lê Xuân Uông, một người lính từng chiến đấu ở miền Đông Nam bộ.
Sau gần 40 năm, ông Lê Xuân Uông (người cầm hoa) đã được công nhận là người tham gia kháng chiến, bị địch bắt, tù đầy.
|
Hơn 40 năm về trước, khi đế quốc Mỹ điên cuồng ném bom, bắn phá miền Bắc, anh thanh niên quê lúa Thái Bình, Lê Xuân Uông lúc đó chưa đầy 18 tuổi, đã viết đơn xung phong vào bộ đội. Tháng 4/1965, Lê Xuân Uông lên đường nhập ngũ. Sau hơn 5 tháng huấn luyện, anh cùng đơn vị D15 pháo cao xạ hành quân vào chiến trường miền Nam và biên chế vào C15 thông tin thuộc đoàn Pháo binh 75 Biên Hòa (Quân khu miền Đông Nam bộ).
Tháng 4/1969, trên đường làm nhiệm vụ, tổ công tác do anh phụ trách bị máy bay địch phát hiện, đổ quân bao vây. Với tinh thần quả cảm, các anh đã chiến đấu hết sức ngoan cường, tiêu diệt nhiều tên địch. Song do lực lượng quá ít, địch lại đông gấp nhiều lần nên sau khi bắn hết đạn, anh lệnh cho anh em trong tổ tiêu hủy tài liệu, vũ khí, không để lọt vào tay giặc. Anh cùng một số đồng chí trong tổ công tác bị địch bắt, giam giữ ở nhà tù Phú Quốc. Trong tù, tuy bị địch tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn luôn luôn giữ vững phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ", không tiết lộ bí mật của đơn vị.
Ông Trần Ngọc Hậu - Cấp ủy trong nhà tù Phú Quốc, hiện nay là Trưởng ban Liên lạc cựu tù binh Việt Nam tại Thái Bình cho biết: "Năm 1971, lãnh đạo nhà tù bố trí cho một số đồng chí vượt ngục nhưng không thành. Địch điên cuồng khủng bố, tra tấn tù nhân để tìm người lãnh đạo. Lê Xuân Uông bị đánh đập, tra tấn rất dã man vì chúng nghi anh cầm đầu. Song anh vẫn cương quyết không nói một lời nào, có lúc, địch mang anh ra tra tấn dưới cái nắng như thiêu như đốt đến chết ngất trên sân rồi bỏ đi, anh em tù binh mang anh vào, cho uống nước, một lúc lâu sau, anh mới tỉnh lại".
Lê Xuân Uông là một trong số những tù binh địch có ý định thủ tiêu nhưng nhờ có sự đấu tranh của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc đàm phán bốn bên tại Hội nghị Pa-ri, ngày 19/3/1973, địch phải trao trả anh cùng với các đồng chí khác tại Lộc Ninh. Sau 1.440 ngày đêm bị giam giữ, anh Lê Xuân Uông trở lại đơn vị cũ là C19, Đoàn Pháo binh Biên Hòa.
Tháng 10/1976, chiến sỹ Lê Xuân Uông được đơn vị giải quyết chế độ phục viên, trở về quê hương nhưng bố, mẹ, anh em đều đã đi khai hoang ở tỉnh Hoàng Liên Sơn. Anh quyết định lên đường tìm gặp gia đình ở huyện Lục Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hơn 11 năm chiến đấu gian khổ ở rừng, anh lại khoác ba lô lên rừng lập nghiệp.
Thật không may! Toàn bộ lý lịch quân nhân, giấy tờ, Quyết định phục viên, giấy chứng nhận huân chương, bằng khen anh nộp cho Huyện đội Lục Yên (của anh và nhiều người khác) đều bị cháy hết sau một trận hỏa hoạn. Vì thế, gần 40 năm qua, ông Lê Xuân Uông vẫn chưa được xét giải quyết chế độ người có công. Đồng đội trong Ban Liên lạc cựu bộ đội miền Đông Nam bộ, và nhà tù Phú Quốc ở Thái Bình đã liên hệ nhiều nơi để tìm lại giấy tờ xác nhận cho ông Uông.
Với sự giúp đỡ của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng, ông Lê Xuân Uông đã có những xác nhận đầy đủ về quá trình tham gia kháng chiến, thời gian, địa điểm, bị địch bắt, giam giữ. Nhờ đó, ông đã được công nhận là người tham gia kháng chiến, bị địch bắt, tù đày và được giải quyết trợ cấp hàng tháng theo chế độ chính sách đối với người có công từ ngày 1/12/2014. Niềm vui quá lớn đến với người cựu chiến binh khi tuổi đời đã gần 70, chịu đựng không ít những nghi ngại, dò xét trong thời gian qua.
Nhìn ông Lê Xuân Uông rưng rưng nước mắt nhận bó hoa do đồng chí Lê Hùng Vinh - Phó chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế trao tặng và những lời chúc mừng của đồng chí, đồng đội, chúng tôi càng biết ơn Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam đã không bao giờ quên những người từng tham gia kháng chiến, hy sinh xương máu, giành lại hòa bình, độc lập cho đất nước.
Nguyễn Xuân Đoán
Các tin khác
YBĐT - Tối ngày 18/12, Nhà Thiếu nhi tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt kỷ niệm 20 thành lập (1994 – 2014).
Những học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi quốc gia đều được cộng điểm khuyến khích…
YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân, chiều 18/12, cán bộ, giáo viên Nhóm trẻ cộng đồng – Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ, Tỉnh hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái phối hợp với Tiểu đoàn Căn cứ Sân bay Yên Bái tổ chức chương trình dã ngoại thăm quan doanh trại quân đội Căn cứ Sân bay Yên Bái.