Mở ra một trang mới trong đăng ký hộ tịch
- Cập nhật: Thứ hai, 22/12/2014 | 8:32:17 AM
Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung. Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong Chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 21/12.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
|
Thưa Bộ trưởng, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trong những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó có việc thông tin hộ tịch cá nhân chưa chính xác, thống nhất, có trường hợp lợi dụng đăng ký hộ tịch để trục lợi hoặc trốn tránh pháp luật. Vậy, Luật Hộ tịch mới ra đời có những quy định gì khắc phục được tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Kể từ đầu 2006 cho đến nay, tức là khi Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ có hiệc lực thi hành thì công tác quản lý hộ tịch của Nhà nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh những chuyển biến đó, còn nhiều hạn chế.
Việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.
Thứ nhất, Luật quy định rõ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Ví dụ, tới đây khi đăng ký khai sinh, ngoài việc được cấp giấy khai sinh, đồng thời cũng được cấp số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này là duy nhất và không lặp lại cho người khác. Một mặt bảo đảm độ chính xác trong tất cả giấy tờ thống kê liên quan đến con người, đồng thời giảm thiểu nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
Thứ hai, Luật cũng cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như đã thực hiện từ trước đến nay. Đồng thời quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 đã được Chính phủ thông qua. Từ đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác liên quan đến dân cư ở nước ta.
Cuối cùng, Luật bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ. Những quy định cải cách như vậy sẽ mở ra một trang mới trong việc đăng ký hộ tịch.
Như Bộ trưởng vừa cho biết thì đây quả thực là một cuộc “cách mạng”. Vậy khi nào cuộc “cách mạng” này thực sự diễn ra?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Luật quy định cho Chính phủ hơn 1 năm chuẩn bị và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi đó trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân. Nói đầy đủ ra Luật cũng cho phép đến hết năm 2019, phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu hộ tịch về điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành năm 2020. Khi đó chúng ta sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong giấy tờ công dân.
Một số người dân băn khoăn về những trường hợp những giấy tờ hộ tịch đã được cấp trước ngày Luật có hiệu lực. Khi đó những giấy tờ này còn giá trị sử dụng nữa không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi chia sẻ với băn khoăn này của người dân. Chính phủ đã trình với Quốc hội thông qua việc bảo toàn nguyên giá trị những giấy tờ đã cấp trước ngày 1/1/2016. Như vậy, sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn có giá trị để người dân có thể tra cứu, cấp bản sao và giấy tờ không phải làm lại, có giá trị suốt cuộc đời.
Luật Hộ tịch đã được thông qua, nhưng tính cách mạng, hay nói cách khác là tính hiệu quả khi triển khai Luật sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Xin chuyển tới Bộ trưởng băn khoăn của rất nhiều người: “Bộ trưởng có thể cho biết, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch hiện nay liệu có khả năng bảo đảm được yêu cầu công việc khi Luật có hiệu lực hay không, nhất là ở cấp xã, phường”?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Nói thực là cho đến hôm nay, khoảng trên 30% người làm công tác tư pháp hộ tịch ở cấp xã chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ. Lần này, Luật quy định lại những tiêu chuẩn đó và yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch, cần phải thường xuyên được cập nhật về kiến thức, nghiệp vụ. Đối với việc ứng dụng CNTT, Luật quy định bổ sung 1 tiêu chuẩn mới là phải có trình độ tin học phù hợp. Tới đây Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch rà soát tại tất cả địa phương.
Dự kiến từ nay tới 1/1/2016, những ai đạt chuẩn rồi thì giữ lại làm công tác hộ tịch, ai chưa đạt chuẩn cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Từ 1/1/2016 - 31/12/2019, phải tổ chức đào tạo lại để bước sang thời kỳ mới, khi cơ sở quốc gia về hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành phải bảo đảm chuẩn mực. Việc này sẽ phục vụ đắc lực hơn cho người dân và cả công tác quản lý của Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
Trời tiếp tục rét buốt về đêm và sáng, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to…
Ngày 21-12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết, trong tuần lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, có hàng ngàn cựu chiến binh, đồng bào cả nước về viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp như lời tri ân sâu sắc đến Đại tướng đã có công lớn với đất nước, dân tộc.
Các tỉnh Bắc Bộ trời tiếp tục rét buốt về đêm và sáng, vùng núi cao có nguy cơ xảy ra băng giá và sương muối.
YBĐT - Ngày 20/12, Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện tại Hội trường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái.