Lên vùng cao, nghe chuyện ăn chung một tết

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2014 | 3:27:43 PM

YBĐT - Những ngày này, đồng bào Mông huyện Văn Chấn tranh thủ thời gian nhàn rỗi cày ải đất ruộng, gieo trồng và chăm sóc những luống rau cải, làm cỏ chè, tập trung che chắn chuồng trại và chuẩn bị sẵn thức ăn cho trâu, bò để tránh đói rét, yên tâm chuẩn bị đón tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam.

Ngọn Lành - bản duy nhất có 100% đồng bào Mông sinh sống của xã Nậm Lành. Đây cũng là bản người Mông cuối cùng được huyện Văn Chấn vận động thực hiện ăn chung một tết Nguyên đán. Dẫn chúng tôi lên Ngọn Lành trong một ngày mưa giữa tháng 12, Phó chủ tịch UBND xã Bàn Thị Náy không khỏi băn khoăn vì sợ trời mưa đường trơn trượt, lầy lội. Đến chân dốc dẫn vào thôn Tà Lành, đường quá trơn nên chúng tôi đành gửi xe máy lại và tiếp tục đi bộ hơn 1 cây số.

Câu chuyện của Phó chủ tịch UBND xã về việc chuyển đổi nhận thức của người Mông Ngọn Lành đã làm chúng tôi quên đi cái rét thấu xương của ngày đông mưa phùn. Cách đây gần 3 năm, xã đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy vận động đồng bào Mông nơi đây cùng ăn chung một tết Nguyên đán. Ban đầu, phần lớn bà con vẫn còn nghi hoặc vì việc thay đổi này nhưng lác đác vài hộ đồng ý rồi cả thôn đồng ý làm theo. Thế là đã thành công khi toàn xã đều cùng nhau chờ đợi một cái tết, cùng vui chơi và đón tết Nguyên đán vào tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Trưởng bản Mùa A Sử năm nay đã 75 tuổi là trưởng dòng họ Mùa ở Ngọn Lành, người có thâm niên lâu nhất với 23 năm làm Trưởng bản ở xã Nậm Lành phấn khởi nói: "Cái tết đầu tiên người Mông Ngọn Lành đón tết chung cùng nhân dân trong huyện, trong xã là vào năm 2012. Mình đã được gặp và nói chuyện với Giàng A Tếnh - Phó ban Dân vận Huyện ủy là người Mông của Suối Giàng - cùng quê với con dâu mình. Mình vận động nhân dân cùng đón tết Nguyên đán rất thuận lợi bởi các gia đình đều ủng hộ và hưởng ứng ngay". "Cũng phải thôi..." - ông Sử nói thêm - "Nhà con dâu mình làm được từ hơn chục năm nay rồi thì nay nhà mình cũng phải học theo thôi.

Để con cháu cùng tập trung vào một tết cho đông đủ hơn, vui hơn mà còn chơi tết chứ". Với suy nghĩ đó, ông Sử đã cùng với ông Mùa A Di - người có uy tín trong cộng đồng người Mông tích cực đi vận động, vượt qua những con đường đầy đất đá để chỉ cho đồng bào thấy được lợi ích của việc thay đổi thời gian ăn tết mà vẫn giữ được tập quán đón tết của ông bà tổ tiên, vẫn được nghỉ ngơi, vẫn đi chơi xuân, vẫn thăm thú bạn bè mà lại không ảnh hưởng đến lao động, sản xuất và việc học tập của con cháu. Rồi ông lại cùng cán bộ thú y, khuyến nông viên cơ sở chỉ tận tay cho nhân dân cách làm đất, trồng sắn, trồng ngô, chăm sóc đàn trâu, bò để tránh tổn thất trong mùa đông giá rét và cách gieo trồng lúa nước để tăng năng suất, tăng số lượng thóc gạo cho chính gia đình.

Tuy chỉ có 35 hộ dân sinh sống với tổng số hơn 175 nhân khẩu nhưng Ngọn Lành vẫn còn đến 23 hộ nghèo, đời sống chủ yếu trông chờ vào 5ha ruộng nước, gần 13ha ngô, sắn và chăm sóc, tận thu, khai thác nhỏ lẻ từ diện tích hơn 100ha rừng cộng đồng. Chuyển từ xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu về định cư ổn định ở đây từ năm 1984, vài năm trở lại đây, người Mông Ngọn Lành đã chú trọng phát triển đàn trâu, bò, nuôi thêm đàn ngựa, con lợn, con gà để kiếm đồng ra đồng vào cho con đi học, có thêm tiền mua sắm đồ dùng, trang phục cho con cháu diện trong dịp lễ, tết đi chơi cùng bạn bè.

Cô giáo Hoàng Thị Huyền, người hơn 10 năm gắn bó với điểm Trường Tiểu học Ngọn Lành phấn khởi cho biết: “Điểm trường có hai lớp với gần 30 học sinh dân tộc Dao và Mông. Về đây công tác đã lâu nhưng từ năm học 2011 - 2012 đến nay, học sinh người Mông mới không nghỉ vài ba ngày để ăn tết riêng nữa. Trời mưa gió như thế này nhưng các em vẫn đi học đầy đủ và rất biết nghe lời, chịu khó hỏi thêm bài vở nếu chưa hiểu bài trong giờ học".

Chuyển biến trong thời gian ăn tết không chỉ thể hiện sự đồng lòng của đồng bào Mông Ngọn Lành nói riêng mà còn thể hiện sự đổi mới, thay đổi trong tư duy, nhận thức và hành động của đồng bào Mông toàn huyện Văn Chấn. Là một trong những người tiên phong chuyển đổi suy nghĩ, ông Giàng A Tếnh - Phó ban Dân vận Huyện ủy còn là người đi đầu, tham mưu, đề xuất với Huyện ủy vận động đồng bào Mông cùng ăn chung một tết, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

"Bởi vì thấy bà con quá khổ khi phải nghỉ dài ngày ăn tết; thấy các gia đình quá tốn kém, nợ nần khi phải vay mượn nhiều mỗi khi tết đến hay có cưới xin, ma chay... nên ngay từ những năm còn làm Bí thư Đảng ủy xã Suối Giàng, tôi đã phải vượt qua định kiến, phong tục để vận động nhân dân thay đổi nhận thức. Đầu tiên là vận động nhân dân dịch chuyển thời gian ăn tết Mông sang ăn tết Nguyên đán từ năm 1995. Sau này, khi chuyển về Ban Dân vận Huyện ủy, tôi lại tiếp tục vận động đồng bào Mông Suối Giàng tiên phong thực hiện nếp sống văn minh. Tôi rất vui mừng vì đã đóng góp một phần công sức để người Mông bây giờ thay đổi về nhận thức, về điều kiện cuộc sống của mỗi gia đình", ông chi sẻ.

Suối Giàng trong những ngày mù sương giá lạnh, khi đã đưa con đến trường học tập trong những phòng học kín gió ấm áp thì những ông bố, bà mẹ lại cùng nhau chăm sóc, gieo trồng thêm những luống rau cải địa phương - một loại rau đặc sản cho thu hoạch trong suốt mùa thu đông đến cuối mùa xuân và lại giúp nhau làm cỏ chè, che chắn chuồng trại cho đàn gia súc.

"Mình phải làm thì mới có đủ cái ăn, cái mặc chứ và để còn đủ sức lo cho con đi học cái chữ, để làm cán bộ sau này"- chị Giàng Thị Dê - thôn Cang Kỷ chia sẻ. Mà cũng thật lạ, vất vả luôn tay như vậy nhưng lúc nào phụ nữ Mông cũng không quên mang theo chiếc kim, sợi chỉ bên người để tranh thủ thêu. "Bao giờ chị mới thêu xong?" - tôi tò mò hỏi chị Dê. "Chắc còn hơn tháng nữa là xong. Sắp tết rồi còn gì, phải may thật nhanh để còn cho con mình mặc áo mới nữa chứ" - chị cười vui.

Chia tay Suối Giàng trong màn sương mờ của buổi chiều muộn, chúng tôi như thấy vui chung với niềm hạnh phúc giản đơn của những người phụ nữ Mông khi được toàn tâm toàn ý chăm lo cho cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Chúng tôi mong muốn một năm mới sẽ đến trong thời tiết thuận hòa để người Mông Suối Giàng, Ngọn Lành, Sùng Đô... và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn cùng ăn chung một tết, yên tâm lao động, sản xuất để đời sống ngày một khấm khá hơn.

Thanh Huyền

Các tin khác

Sáng 29-12, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam được khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, thủ đô Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày hôm nay (28/12), tại các tỉnh Bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội, mưa phùn rả rích cả ngày cộng với gió lạnh khiến rét càng trở nên sâu hơn.

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT – Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề thi năm 2015, đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng chắc sẽ không có gì bất ngờ đối với thí sinh vì đã có quá trình học tập bình thường trong năm học”.

YBĐT - Công an tỉnh Yên Bái vừa tiến hành tiêu hủy gần 100kg pháo là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển pháo nổ trái phép bị lực lượng Công an tỉnh Yên Bái thu giữ trong thời gian vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục