Khỏe mạnh nhờ Dự án

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2015 | 1:58:59 PM

YBĐT - Tháp Cái II là thôn đặc biệt khó khăn của xã Viễn Sơn (Văn Yên), nhận thức của đồng bào về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế bởi trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu… Tuy nhiên, qua gần 5 năm Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” triển khai, nhận thức của cấp ủy, chính quyền được nâng lên, rõ nhất là công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em đã được quan tâm đúng mức.

Trẻ em cần được quan tâm đầu tư để phát triển toàn diện.
Trẻ em cần được quan tâm đầu tư để phát triển toàn diện.

Nhiều năm trở về trước, ở thôn Tháp Cái II, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc bà mẹ, trẻ em của người dân rất ít. Hơn thế, nhận thức, tư tưởng, tập quán lạc hậu, nhiều phụ nữ có thai vẫn lao động nặng nhọc, sinh tại nhà và trẻ em ít được quan tâm về dinh dưỡng... Năm 2011, Dự án được triển khai trên địa bàn với nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội thi văn nghệ; vận động toàn dân chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe trong các buổi họp thôn, sinh hoạt Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên; cộng tác viên y tế đến thăm và tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình...

Nhờ đó, trẻ em dưới 5 tuổi trong thôn bị suy dinh dưỡng đã giảm hẳn; phụ nữ có thai đã không phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, khi mang thai đến trạm y tế khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván theo quy định và nhận viên sắt về uống. Đối với người chồng cũng như các thành viên trong gia đình như: bố, mẹ, anh, chị, em đã biết chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho bà mẹ mang thai có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Đó là hiệu quả rất lớn và có ý nghĩa thiết thực từ Dự án.

Chị T.T.S trong thời kỳ thai nghén, bị đau bụng không rõ nguyên nhân nhưng người thân, đặc biệt là chồng không cho đến Trạm Y tế xã khám mà chỉ uống thuốc của thầy lang nên đau vẫn không khỏi. Sau đó, được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế và bà con hàng xóm, chồng chị S đã nhận thức được lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ ngay từ khi mang thai nên chị đã được đưa đến Trạm Y tế xã điều trị kịp thời, đến giờ mẹ con đều khỏe mạnh.

Chị S xúc động: “Trước hết, gia đình tôi cảm ơn cán bộ Trạm Y tế xã, bà con hàng xóm đã tuyên truyền và can thiệp kịp thời để có “mẹ tròn, con vuông”. Hơn thế, trong thời gian tôi mang thai cũng như sau khi sinh con, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và chồng đều rất quan tâm chăm sóc sức khỏe. Chồng đi làm nương rẫy và làm những công việc nặng, còn việc nhẹ nhàng thì tôi làm, chế độ ăn uống cũng bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, hai mẹ con đều khỏe mạnh”. Chị T.T.D thì hiện đã có hai cô con gái nhưng chồng bắt phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường. Ban đầu, cán bộ y tế thôn bản đến vận động, tuyên truyền nhưng chồng chị không đồng ý và phản ứng gay gắt.

Với sự nhiệt tình của cán bộ y tế thôn bản, gia đình chị đã hiểu và nhận thức được đẻ nhiều con dễ dẫn tới đói nghèo, con không được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, vi phạm Pháp lệnh Dân số, ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và trẻ... Từ việc hiểu và nhận thức đúng đắn vấn đề, gia đình nhà chồng mà đặc biệt là chồng chị đã bỏ ý định sinh con thứ ba.

Đánh giá khái quát sau 5 năm thực hiện Dự án, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đỗ Như Việt cho biết: “Dự án thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt là có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền. Dự án cải thiện rất lớn chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Từ đó, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Còn nhớ, nhiều năm trước, phụ nữ mang thai vẫn phải lao động nặng nhọc, không đến cơ sở y tế tiêm phòng uốn ván, khi chuyển dạ sinh tại nhà và con ốm không đến cơ sở y tế... Nay phần lớn phụ nữ mang thai đã đi khám thai tại Trạm Y tế xã, sinh tại trạm hoặc tại nhà có sự trợ giúp của cán bộ y tế và khi ốm đã đến cơ sở y tế. Hầu hết các cặp vợ chồng trong thôn chỉ sinh từ 1 đến 2 con và thời gian sinh cách nhau 3 - 5 năm nên nhiều gia đình vừa có thời gian chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, bảo đảm chiều cao, cân nặng của trẻ lại vừa có thời gian làm kinh tế. Số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong thôn năm nay đã giảm so với năm trước”.

Đến thời điểm này, thôn Tháp Cái II thực sự là điểm sáng của xã Viễn Sơn về cải thiện sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, để duy trì các hoạt động này cần phải có thời gian và sự nỗ lực, phối hợp của các cấp chính quyền cũng như các ban, ngành hữu quan.

Trần Minh

Các tin khác
Tòa án nhân dân huyện Văn Chấn xét xử lưu động một vụ án hình sự tại xã Gia Hội.

YBĐT - Năm 2014, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã đưa 26 vụ án hình sự xét xử lưu động tại các địa phương. Đây là năm hoạt động xét xử lưu động của đơn vị đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay...

Gia cầm mang vi rút nhưng không có dấu hiệu mắc bệnh là một trong những khó khăn trong công tác phòng chống cúm A/H7N9.

YBĐT - Bệnh cúm A/H7N9 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, đặc biệt tại các tỉnh biên giới giáp Việt Nam.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhi. (Ảnh TTXVN)

Ngày 11/2, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay tình hình bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2015 đến nay cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh thành phố, trong đó có 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.

YBĐT - Nhân dịp đầu năm mới và chuẩn bị đón Xuân Ất Mùi 2015, ngày 11/2, Văn phòng UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, cán bộ công chức, viên chức công tác tại Văn phòng qua các thời kỳ đã nghỉ hưu hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục