Xuân chiến khu
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/2/2015 | 8:45:38 AM
YBĐT - Ngược dốc, xuyên qua làn mây mỏng li ti là tới đỉnh dốc Đa. Từ đây nhìn xuống, đất Chiến khu Việt Hồng như bừng dậy trong sắc xuân. Đào phai, mận trắng nhẹ nhàng ẩn mình trong màu xanh của rừng trên núi Nả, núi Giằng và hòa trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc trước mỗi ngôi nhà sàn, tạo nét chấm phá cho bức tranh làng Vần vốn thanh bình, êm ả.
Cụ Phạm Văn Bính (người đeo kính) cùng những người cao niên ở bản Quán vui xuân cùng con cháu trong mùa xuân thứ 70 đất nước giành độc lập.
|
Trung tâm xã, quanh gốc vải đình Chung ghi dấu nơi làm lễ tế cờ ra trận của đội du kích năm xưa Tết nay rợp cờ Tổ quốc. Ngôi nhà của Chánh tổng Trần Đình Khánh trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Đình làng Dọc từng ghi nhớ biết bao câu chuyện thăng trầm lịch sử giờ đã vững chãi hơn, làm dày thêm vốn văn hóa của đồng bào chiến khu. Mới vậy mà đã 70 năm chiến khu đón tết độc lập.
Theo thời gian, tết ngày càng đầy đủ, càng vui và thêm ý nghĩa hơn đối với người dân chiến khu. Không nhiều người còn có thể nhớ nổi những cái tết Nguyên đán cách đây ngót hai phần ba thế kỷ ấy.
"Ăn còn chẳng đủ, chạy Tây trốn cả lên rừng, làm gì có tết" - cụ Phạm Văn Bính, một cán bộ tiền khởi nghĩa hiện sống ở bản Quán, làng Dọc nói vậy. Tết này đã bước sang tuổi 92 nhưng cụ vẫn chắp nối được nhiều sự kiện của làng quê thời tăm tối. Ngày xưa, cả làng có bốn mươi nóc nhà. Tây đóng đồn ở Chấn Thịnh, Thượng Bằng La kéo ra càn quét. Dân chạy hết lên núi. Ở rừng đói, về lấy gạo thì nhà đã bị đốt, có người còn bị Tây bắn chết.
"Chúng tôi theo Việt Minh, vào đội du kích huấn luyện ở gò Trò làng Vần, đến tháng bảy năm bốn lăm tổ chức tế cờ và chia làm 3 mũi quân chiến đấu giải phóng một số địa bàn giành chính quyền. Sau ngày độc lập tháng 9/1945, mọi người lại tập trung và khai phá làm ruộng, lo cái ăn và dành dụm thóc gạo cho kháng chiến. Nhà có bát gạo ăn cùng củ mài, củ nâu độn vào thì lấy đâu ra gạo mà gói bánh chưng. Chẳng ai nghĩ đến tết cả, thoát khỏi giặc là sung sướng lắm rồi! Tết bây giờ sướng quá rồi!" - cụ Bính tỏ ra vui lắm.
Cụ Bính vui chung với niềm vui của làng, của bản. Vui bởi những đóng góp của các con cháu cụ cùng với bà con dân bản làm cho cuộc sống sung túc hơn. Ngay ở bản Quán nơi cụ đang ở, những ngôi nhà xây vững chãi tiếp tục mọc lên. Nhà nào cũng có xe máy, có máy thu hình và được dùng điện lưới quốc gia, đường đi lối lại thuận tiện hơn trước, con cháu được đến trường học tập.
Thực hiện các chương trình kinh tế, dân bản tập trung thâm canh lúa, đẩy mạnh trồng rừng, phát triển đàn gia súc nên trong số 91 hộ chỉ còn 23 hộ nghèo. Ngày giáp tết, lúa xuân ở bản Quán như đã lại cây chuyển màu xanh thẫm, làm nổi bật con đường bê tông chạy giữa cánh đồng nối vào bản Chao. Nhà ở gần giữa bản, gia đình bà Nguyễn Thị Long gieo cấy 7 sào ruộng và có hơn 1ha rừng trồng bồ đề, trồng quế nhưng bà cũng đã xây được nhà.
"Cuộc sống đỡ khổ rồi nhà báo ạ! Chỉ cần lên rừng chặt quế là có tiền tiêu ngay. Bây giờ, ngày nào chả là tết. Chúng tôi chỉ nghèo so với ở phố thôi chứ còn hơn nhiều nơi lắm!" - bà Long xởi lởi chia sẻ rồi chỉ lên ngôi đình làng Dọc giới thiệu: "Mồng ba, mồng bốn tết, nhà báo vào đây mà xem bà con chúng tôi vui thế nào! Bản Din, bản Phạ, bản Chao về đây cả. Rồi ở dưới Vần cũng lên hết, hội đình đấy, đông vui lắm!".
Chẳng phải bà Long mà gặp ai ở làng Dọc, làng Vần cũng đều có thể nghe những câu chuyện như vậy. Ngày nào muốn ăn bánh chưng, muốn ăn thịt mỡ, dưa hành là có ngay. Điều đó đang diễn ra ở đất chiến khu! Ngày nào chẳng là tết. Nói vậy thôi, tết cũng khác chứ. Cả năm được mươi ngày nghỉ, ba ngày tết cũng phải lo cho tươm tất, phải đủ, phải vui. Phải chia sẻ niềm vui của mình với cả làng, cả bản và phải đến hội đình để thắp hương những người có công với dân, với nước chứ.
Còn nhớ trong câu chuyện với con trai cụ Bính, người đang giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã Việt Hồng là ông Phạm Xuân Cánh được biết, năm 2014, xã Việt Hồng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%, các chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ đề ra đều đã hoàn thành; thu nhập bình quân đạt 11 triệu 500 ngàn đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 35% xuống còn 29,2%, vượt nghị quyết đề ra.
Đáng mừng hơn là khi ngày tết cận kề, xã Việt Hồng có ba quần chúng ưu tú vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 121 đồng chí. Điều đặc biệt, lễ kết nạp đảng viên mới được tổ chức trang trọng tại Di tích nhà ông Trần Đình Khánh vào đúng dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cùng trong lễ kết nạp còn có 24 đảng viên mới được Đảng bộ huyện Trấn Yên chỉ đạo tổ chức kết nạp trên đất chiến khu. Những "hạt giống đỏ" này sẽ nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước của ông cha, góp phần mang luồng sinh khí mới cho Đảng bộ trước kỳ đại hội Đảng các cấp tới đây.
Như thế, tết này hẳn phải vui hơn những tết trước rồi! Tết vui tươi. Vui trong mỗi gia đình, vui cả làng, cả bản như đã thành nét đẹp của người dân chiến khu. Vì thế mà để có được không khí vui chung ấy, xã Việt Hồng đều có kế hoạch chu đáo để bà con cùng vui tết đón xuân. Tùy thời vụ lúa xuân mà đồng bào khẩn trương gieo cấy, làm sao để đến chừng hai lăm, hai sáu tháng Chạp là bà con tạm gác việc đồng áng để dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, treo cờ Tổ quốc.
Người dân ở cả 7 bản trong xã cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, các di tích và đình làng Dọc. Lãnh đạo địa phương đến từng bản tặng quà, động viên, thăm hỏi các gia đình chính sách. Là xã đặc biệt khó khăn nhưng điều đáng mừng là nhiều năm gần đây, ở Việt Hồng không còn gia đình nào thiếu đến mức không có tết.
Ở bản Bến có 128 hộ, 80% là người Tày, còn 44 hộ nghèo nhưng một nửa bản mổ lợn ăn tết. Cứ 2 - 3 hộ chung nhau một con lợn to, thịt ngon xẻ ra chia nhau, quây quần bên nồi bánh chưng ấm áp. Trưởng bản Khổng Văn Võ là người vui nhất bản không phải bởi anh được tiếng là người có nhiều rừng mà bởi số hộ nghèo của bản đã giảm, an ninh trật tự của bản được giữ vững.
Trưởng bản Võ giãi bày: "Từ 25 tết, chúng tôi đã chỉ đạo Tổ an ninh bản tổ chức tuần tra thường xuyên. Đêm ba mươi, anh em trực bảo đảm an ninh cho bà con đón năm mới. Sau giao thừa, chúng tôi có lời chúc tết đồng bào trên hệ thống truyền thanh, mang khí thế vui vẻ, phấn khởi đến cho bà con ngay từ những giờ phút đầu năm". Niềm vui ở bản Bến sẽ lan tỏa để cùng trong tối ba mươi, ở bản lại tổ chức giao lưu văn nghệ đến tận giao thừa. Bà con tập trung tiễn năm cũ, đón năm mới, cùng vui quanh đống lửa và trở về gia đình mang theo đuốc lửa cùng khí thiêng đất trời với mong muốn gặp nhiều may mắn trong năm mới Ất Mùi.
Giao thừa, tiếng trống từ đình làng Dọc gióng lên báo hiệu mùa xuân mới bắt đầu với bao thách thức và những mục tiêu lớn lao. Chắc hẳn không chỉ với cụ Phạm Văn Bính mà sẽ có nhiều người dân tin tưởng, cùng nhau phấn đấu giành nhiều thắng lợi mới. Và mùa xuân sẽ luôn bất tận ở Chiến khu Việt Hồng hôm nay…
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chủ trương về việc vui chung một Tết Nguyên đán của tỉnh Yên Bái, năm nay đồng bào Mông huyện Trạm Tấu tiếp tục đón cái tết chung thứ 3 trong niềm hân hoan. Đón tết chung không chỉ làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp, mà những phong tục truyền thống của người Mông vẫn được phát huy, tết chung vui và đậm chất cổ truyền.
YBĐT - Khi những đóa tớ dày, mận, đào bắt đầu xòe vạt áo hoa, ấy là một mùa xuân mới đang về trên đại ngàn Chế Tạo - nơi xa nhất của huyện xa nhất Mù Cang Chải. Khắp các bản làng từ Tà Dông, Pú Vá đến Nả Háng, Kể Cả, Háng Tày... đều rộn tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn chơi xuân…
YBĐT - Thời khắc chuyển giao năm cũ và đón chào năm mới Xuân Ất Mùi năm 2015, cùng với cả nước, người dân Yên Bái rất phấn khởi, tự hào và hân hoan chào đón một mùa xuân mới với biết bao niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, may mắn và thành công trong cuộc sống. Ghi nhận của phóng viên YBĐT.
YBĐT – Nhân dịp đón Tết cổ truyền Ất Mùi 2015, tối ngày 18/2, tức 30 tết, tại Quảng trường 19/8 thành phố Yên Bái, Ban Tổ chức những ngày lễ lớn tỉnh Yên Bái tổ chức Chương trình lễ hội “Yên Bái chào Xuân Ất Mùi – 2015”.