Kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2015)

Xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/2/2015 | 2:52:04 PM

YBĐT - Sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành y tế được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Người đã gửi tới cán bộ, nhân viên ngành y lời dạy cao quý và đầy trách nhiệm: "Thầy thuốc phải như mẹ hiền".

Bác sĩ chuyên khoa II Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế (trái) vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng, tháng 2/2014.
Bác sĩ chuyên khoa II Lường Văn Hom - Giám đốc Sở Y tế (trái) vinh dự nhận danh hiệu Thầy thuốc nhân dân do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng, tháng 2/2014.

Hầu như mỗi lần có dịp tiếp cận ngành y, điều đầu tiên Bác nhắc tới vẫn là: "Thầy thuốc phải như mẹ hiền". Đây chính là yêu cầu Bác Hồ đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của cán bộ, nhân viên ngành y đối với người bệnh.

60 năm qua, làm theo lời dạy của Bác, trong suốt quá trình phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhiều cán bộ ưu tú của ngành y tế mang trong tim mình hình ảnh, những lời giáo huấn về y đức vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nguyện đi theo con đường vì nước, vì dân mà Người đã vạch ra như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, giáo sư Tôn Thất Tùng, giáo sư Đặng Văn Ngữ, Anh hùng liệt sĩ - bác sỹ Đặng Thùy Trâm và lớp lớp các thế hệ cán bộ y tế trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành y. Ngành y tế tỉnh Yên Bái đã phát triển cùng ngành y tế cả nước qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, chi viện sức người, đào tạo cán bộ y tế cho tiền tuyến.

Khi hòa bình lập lại, thống nhất đất nước, đội ngũ cán bộ y tế đã cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng lại quê hương. Mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí hy sinh cả xương máu để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân mà Đảng và Bác Hồ đã giao phó, các thế hệ thầy thuốc vẫn không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện, trau dồi y đức và y thuật để trở thành những người thầy thuốc "vừa hồng vừa chuyên"; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ăn, ở hợp vệ sinh, phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế cùng sự ủng hộ của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, bạn bè quốc tế và sự đồng lòng của nhân dân, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã không ngừng phát triển về mọi mặt. Mạng lưới y tế không ngừng được củng cố, hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện nay, hệ thống y tế công lập do ngành quản lý gồm tổng số 28 đầu mối trực thuộc, trong đó tuyến tỉnh có 16 đơn vị (2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa, 5 đơn vị y tế dự phòng và một số đơn vị trung tâm, chi cục khác); tuyến huyện có 9 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra còn có 9 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh; 9 phòng y tế trực thuộc UBND huyện, thị, thành phố và 180 trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Lực lượng cán bộ y tế không ngừng được bổ sung, chất lượng được nâng lên. Tính đến thời điểm 31/12/2014, toàn ngành có 3.255 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: bác sỹ 610 người, đạt tỷ lệ 7,78 bác sĩ/1 vạn dân; dược sỹ đại học 66 người, đạt tỷ lệ 0,84 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 111 xã có bác sỹ, đạt tỷ lệ 61,67%; bình quân cán bộ y tế/trạm là 5,5 cán bộ; tổng số có 1.941 nhân viên y tế thôn bản, đạt 99,43%. Thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển nhân lực ngành y tế, đã cử trên 200 cán bộ đi học và từ năm 2010 đến năm 2014, đã có 177 bác sỹ về tỉnh công tác.

Hệ thống y tế dự phòng được quan tâm, chú trọng, không ngừng phát triển. Năm 2011, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh là 1 trong 3 trung tâm đạt chuẩn quốc gia y tế dự phòng đầu tiên trong cả nước; đạt ISO/IEC 17025:2005 về lĩnh vực xét nghiệm nước và thực phẩm năm 2012; là đơn vị có kỹ thuật đứng đầu khu vực Tây Bắc triển khai được nhiều kỹ thuật cao như: xét nghiệm sinh học phân tử (CPR), xét nghiệm Elisa...; chủ động trong việc giám sát, phát hiện, phòng chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra và các dịch bệnh phát sinh được phát hiện sớm, khống chế kịp thời, không để lây lan rộng.

Đồng chí Lường Văn Hom (thứ 2, phải sang) - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái giám sát dịch tay - chân - miệng tại huyện Văn Chấn.

Các chương trình y tế được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trên địa bàn, thực hiện chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt > 98%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 19,6%; chương trình phòng chống sốt rét đạt cả 3 tiêu chí: giảm chết, giảm dịch và giảm mắc; tỷ lệ bướu cổ/dân số giảm xuống còn 6%; công tác phòng chống HIV/AIDS từng bước được kìm chế, đẩy lùi; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm, chú trọng; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình duy trì được giảm sinh bền vững, trung bình giảm 0,3%0/1 năm, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ giới tính khi sinh được khống chế năm 2014 là 111/100 và chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Hệ thống khám, chữa bệnh được đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Đặc biệt là đầu tư xây mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh 500 giường bằng nguồn vốn vay của Hàn Quốc, dự kiến quý III năm 2015 sẽ nghiệm thu và đưa vào hoạt động. Đến nay, các bệnh viện đều có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị được bổ sung đồng bộ, hiện đại đã phát huy hiệu quả các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh. Bộ mặt các bệnh viện có sự thay đổi đáng kể, quy trình khám chữa bệnh được cải tiến, giảm thủ tục phiền hà, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chất lượng các dịch vụ từng bước được nâng lên, nhiều kỹ thuật mới được triển khai, áp dụng. Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai được 212 kỹ thuật vượt tuyến; Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã triển khai được các kỹ thuật cao như mổ sọ não, mổ nội soi, tán sỏi bằng laser...

Công suất sử dụng giường bệnh các tuyến đều đạt và vượt trên 100%, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền cũng được quan tâm, Bệnh viện Y học cổ truyền và các khoa đông y ở bệnh viện huyện được củng cố và phát triển. Việc kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại ngày một mở rộng và có hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế theo đúng qui định của Luật Bảo hiểm.

Đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế đã và đang được triển khai đạt hiệu quả.

Về triển khai Qui tắc ứng xử và thực hiện y đức; ngành y tế luôn dành sự quan tâm đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay do tác động của cơ chế thị trường nên có lúc, có nơi còn thực hiện chưa tốt về tinh thần thái độ phục vụ. Do đó, ngành luôn chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng của đội ngũ cán bộ và xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục; hàng năm đều thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các quy định về y đức, quy tắc ứng xử đến tất cả các đơn vị trong ngành, phát động các phong trào thi đua... Qua đó, tinh thần sẵn lòng cứu giúp, tận tụy với người bệnh, gương mẫu trước bệnh nhân, tập thể và cộng đồng của đội ngũ cán bộ được nâng lên. 

Công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế được thực hiện tốt: đến hết năm 2011, có 156/180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010, đạt tỷ lệ 86,67%. Từ năm 2012 đến nay, thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, đến hết năm 2014, có 45 xã, phường, thị trấn (vượt 3 xã so với kế hoạch) được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, đạt tỷ lệ 25%.

Hàng năm, ngành bảo đảm công tác cung ứng, sử dụng thuốc cho phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích và khám chữa bệnh, bình ổn được giá thuốc trên địa bàn. Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái đạt tiêu chuẩn GMP-WHO năm 2010, thuốc sản xuất bảo đảm chất lượng, có uy tín trên thị trường. Đặc biệt, năm 2014, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm tỉnh đạt ISO 17025:2005 về thí nghiệm và hiệu chuẩn trong lĩnh vực dược.

Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ tại các đơn vị. Sở Y tế tỉnh duy trì thực hiện tốt phần mềm quản lý điều hành với sự tham gia của 100% đơn vị trong ngành. Ngành y tế đã xây dựng trang web riêng với địa chỉ truy cập: Soyte.yenbai.gov.vn.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, đã làm tốt công tác vận động thu hút đầu tư các dự án ODA, NGO. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2014, đã vận động được 16 dự án với tổng kinh phí ước trên 560 tỷ đồng, góp phần rất lớn vào việc xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực cán bộ các tuyến.

Ghi nhận những đóng góp của ngành trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 Huân chương lao động hạng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng ba cho các tập thể và 7 cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng Ba; 1 cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 1 cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 60 Thầy thuốc ưu tú và nhiều cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh...

Phát huy thành tựu 60 năm qua, trong thời gian tới, ngành y tế Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện “Di chúc” thiêng liêng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu phục vụ mục tiêu: củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong; nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh đó, ưu tiên phát triển kỹ thuật ở tất cả các tuyến để mọi người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, mọi người được sống trong một cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, từng bước thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe là mọi người có bệnh như nhau thì được chăm sóc y tế như nhau. Đồng thời không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế về y tế, đón đầu những thành tựu về khoa học công nghệ của thế kỷ XXI, phấn đấu tiến kịp nền y tế của thời đại, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Nhân dân Lường Văn Hom - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

YBĐT - Là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh với quy mô 500 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã và đang khẳng định vị thế của mình bằng việc không ngừng đầu tư nâng cấp trang thiết bị hiện đại, cải cách thủ tục hành chính tạo sự hài lòng cho người bệnh, trong đó đặc biệt tập trung phát triển nhiều kỹ thuật cao nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

Các chợ họp sớm phục vụ nhu cầu thực phẩm tươi sống cho người dân sau tết.

YBĐT - Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết và tiết kiệm. Ngoài các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, tết năm nay không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, giá cả không biến động và đặc biệt, không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trước và trong tết.

Phụ huynh và thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2014 tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM.

Đó là mức lệ phí dự kiến sẽ được áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với những thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Báo cáo từ hệ thống trực ATTP của 63 tỉnh, thành phố và các bệnh viện khu vực cho thấy, từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến mùng 3 Tết Ất Mùi, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục