Nâng cao chất lượng truyền thông dân số
- Cập nhật: Thứ sáu, 6/3/2015 | 3:01:29 PM
YBĐT - Với đặc thù là một huyện vùng cao, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều xã xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận các dịch vụ về CSSKSS còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vẫn còn hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên...
Giảm tỷ lệ sinh là điều kiện để trẻ em Mù Cang Chải được quan tâm, chăm sóc tốt hơn.
(Ảnh: Thanh Miền)
|
Những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do phong tục tập quán, tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn khá nặng nề nên số cặp vợ chồng sinh con quá quy định, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải vẫn còn xảy ra.
Năm 2014, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã thực hiện nhiều giải pháp truyền thông, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Huyện đã đẩy mạnh công tác truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời huy động đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số địa phương cùng với đội ngũ cộng tác viên dân số ở các thôn, bản phối hợp tổ chức các đợt chiến dịch truyền thông, tuyên truyền nhóm nhằm đưa thông tin tới mọi đối tượng, đặc biệt, những cặp vợ chồng đã có hai con trở lên, sinh con một bề chưa thực hiện các biện pháp KHHGĐ; thành lập đội dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) - KHHGĐ lưu động, vận chuyển vật tư, thuốc dụng cụ đến các xã đặc khó khăn có mức sinh cao như: Nậm Có, Cao Phạ, Hồ Bốn và Chế Tạo. Trung tâm đã chú trọng và tập trung vào các gói dịch vụ khám và chuẩn đoán viêm đường sinh sản, phục vụ miễn phí cho tất cả các đối tượng tự nguyện tham gia. Nhờ đó, hiểu biết của các tầng lớp nhân dân về DS-KHHGĐ nâng lên rõ rệt.
Thông qua chiến dịch, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp nhiều kiến thức về CSSKSS, tư vấn về các biện pháp tránh thai an toàn, về cách thức chăm sóc bà mẹ và thai nhi và nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng giống nòi, về hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích việc sàng lọc trước khi sinh và sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Chiến dịch còn là dịp để phụ nữ vùng khó khăn được tiếp cận các biện pháp KHHGĐ.
Năm qua, Trung tâm đã tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông tại 14 xã, thị trấn; phối hợp có hiệu quả với các xã, ngành, đoàn thể trong huyện tăng cường truyền thông, vận động giáo dục về công tác DS-KHHGĐ; tổ chức 215 buổi truyền thông lồng ghép tại các hội nghị, cuộc họp bản, tổ dân phố thu hút trên 4.500 lượt người tham gia; tư vấn cho trên 2.850 lượt người; tổ chức các hoạt động truyền thông, mô hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 4 xã với 114 buổi truyền thông cộng đồng tại thôn, bản cho 1.440 lượt người tham gia; 4 buổi truyền thông nhóm cho vị thành niên thanh niên trong các trường học về tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, kiến thức CSSKSS - KHHGĐ cho 180 đối tượng vị thành niên; xây dựng 2 chương trình phát thanh chuyên đề về công tác dân số, KHHGĐ, viết được 6 bài, 23 tin về các hoạt động dân số, cắt 87 băng rôn truyền thông về dân số tại các xã, thị trấn và khu trung tâm huyện; vận động được trên 3.000 cặp vợ chồng tham gia sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Tuy nhiên, với đặc thù là một huyện vùng cao, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều xã xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc tiếp cận các dịch vụ về CSSKSS còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vẫn còn hiện tượng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2014, toàn huyện có 1.400 trẻ sinh ra, trong đó, có 318 trẻ là con thứ 3 trở lên.
Để sớm giải quyết vấn đề trên, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, dành sự quan tâm đúng mức và thực hiện có hiệu quả đối với công tác dân số; tất cả các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai đồng bộ, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện; nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục chất lượng dịch vụ CSSKSS; biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tiên tiến, đi đôi với việc sử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhất là cán bộ, đảng viên, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức hành động của người dân để trở thành cuộc cách mạng về công tác DS-KHHGĐ.
Hồng Mỷ
Các tin khác
YBĐT - Là những người đã từng tham gia trong quân ngũ trở về địa phương, những năm qua, hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tô Mậu, huyện Lục Yên đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người CCB nơi đây vẫn luôn giữ vững phẩm chất "bộ đội Cụ Hồ".
Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cao người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cúm mùa.
YBĐT – Ngày 6/3, Ban chấp hành Công đoàn Báo Yên Bái đã tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề “Những người đàn ông vào bếp”. Đây là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
YBĐT - Thực hiện chương trình cải cách hành chính Nhà nước, từ năm 2012, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Yên Bái được chọn làm điểm cải cách hành chính trong lĩnh vực giải quyết đất đai, ứng dụng phần mềm điện tử "một cửa". Đặc biệt, từ năm 2013, UBND thành phố đã áp dụng phần mềm "một cửa" mới với tốc độ tra cứu nhanh hơn, chính xác hơn, hạn chế được những lỗi sai của phần mềm cũ. Ngay sau khi áp dụng, hồ sơ được giải quyết nhanh, gọn, bảo đảm tiến độ theo quy định.