Nhà nông đổi mới tư duy

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/1/2025 | 1:20:31 PM

YênBái - Thời gian qua, Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp giúp gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; trong đó, liên kết sản xuất gắn theo chuỗi giá trị bền vững là một trong những giải pháp hàng đầu được tỉnh quan tâm triển khai. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Khu vực sản xuất, chế biến măng tre xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành Yên Bái.
Khu vực sản xuất, chế biến măng tre xuất khẩu của Công ty cổ phần Yên Thành Yên Bái.

Mới thành lập chưa đầy 1 năm, nhưng Hợp tác xã (HTX) Trồng dâu nuôi tằm Quyết Hùng xã Xuân Ái, huyện Văn Yên đã phát huy hiệu quả bước đầu là cầu nối đem lại giá trị bền vững cho nông dân và doanh nghiệp. Anh Triệu Xuân Hùng - Giám đốc HTX cho biết: "Dưới sự hướng dẫn, kết nối của chính quyền địa phương, nông dân chúng tôi tập hợp nhau lại thành lập HTX. HTX đã đại diện cho 10 thành viên là nông dân để thương lượng, ký kết, thực hiện hợp đồng liên kết với doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức, quản lý điều hành, quản lý thành viên sản xuất theo đúng cam kết đã ký với doanh nghiệp. Nhờ đó, năm qua, các thành viên tham gia HTX không phải lo về giá thành, đầu ra cho sản phẩm. Hơn nữa, thành lập HTX chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ tiền để mở rộng sản xuất, được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật nuôi tằm bảo đảm chất lượng kén sản xuất ra đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”. 

Cũng như HTX Trồng dâu nuôi tằm Quyết Hùng xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, HTX Nông lâm nghiệp Đát Quang xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là điển hình nằm trong dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm của Yên Bái. HTX đã trở thành cầu nối cho 47 thành viên với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm chè xanh, măng tre Bát độ cho nông dân. 

Anh Vũ Văn Đình - Giám đốc HTX chia sẻ: "Trước kia, các thành viên trong HTX chúng tôi đã trồng chè nhưng là giống chè trung du giá thành thấp. Tham gia HTX và chuỗi liên kết, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ giống, doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang trồng chè Bát tiên với giá thành thu mua cao hơn. Diện tích 60 ha chè của các thành viên trong HTX được HTX Chè Khe Năm xã Hưng Khánh ký kết bao tiêu thu mua toàn bộ. Còn 36 ha tre măng Bát độ được Công ty cổ phần Yên Thành ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua trong vòng 2 năm. Việc có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân chúng tôi không lo bị thương lái ép giá, có nguồn thu nhập ổn định; vì vậy, ai cũng phấn khởi, yên tâm sản xuất”.

Cùng với nông dân, HTX, trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp để tạo thành chuỗi cung ứng khép kín. Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái là một ví dụ điển hình khi ký kết hợp đồng thu mua kén tằm cho nông dân từ các HTX dâu tằm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. 

Anh Vũ Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết: "Năm 2024, Công ty chúng tôi đã thu mua 130 tấn kén tằm cho nông dân Yên Bái. Tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, Công ty chúng tôi được nhiều lợi ích và lợi ích trước tiên là giảm chi phí nhân công đi thu mua khi có đầu mối là HTX. Thuận tiện nữa là, thông qua HTX, Công ty dễ dàng hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân để sản phẩm sản xuất ra ổn định đáp ứng chất lượng phục vụ cho sản xuất, bảo đảm yêu cầu thị trường”. 

Như vậy, có thể thấy, việc tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đã mang lại lợi ích kép cho cả nông dân và doanh nghiệp. Hơn thế, qua đây người nông dân Yên Bái đã nhìn nhận được lợi ích của việc liên kết chặt chẽ với các đối tác trong chuỗi cung ứng. Đi đôi với việc giảm thiểu được rủi ro trong tiêu thụ sản phẩm, người nông dân còn nhận được sự hỗ trợ về giống cây trồng, kỹ thuật canh tác cũng như điều kiện tiếp cận với các thị trường lớn. Sự thay đổi này là nỗ lực của tỉnh trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển HTX, xây dựng sản xuất tập trung. 

Hiện, toàn tỉnh có có trên 820 HTX, với trên 33.600 thành viên; trong đó, có 460 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 7.400 thành viên, chiếm 55,8%; doanh thu bình quân của các HTX nông nghiệp đạt 1,7 tỷ đồng, lãi bình quân 400 triệu đồng. Đặc biệt, đã triển khai hỗ trợ thực hiện trên 20 dự án liên kết chuỗi giá trị; trong đó, hỗ trợ chăn nuôi cho gần 130 cơ sở với tổng vốn hỗ trợ trên 24 tỷ đồng.

Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã góp phần giúp các sản phẩm nông nghiệp của nông dân Yên Bái từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Với những bước đi vững chắc, Yên Bái đang mở ra một hướng đi mới giúp nông dân thay đổi cả về tư duy và phương thức sản xuất, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ chính là chìa khóa để Yên Bái xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, mạnh mẽ trong tương lai.

Lê Thương

Tags Yên Bái nông nghiệp chuỗi giá trị hợp tác xã

Các tin khác
Dây chuyền sản xuất may mặc tại Công ty TNHH Unico Globa Yên Bái.

Mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơn bão Yagi đã gây tổn thất nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và doanh nghiệp nhưng kết thúc năm 2024, tỉnh Yên Bái vẫn duy trì được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng, cơ cấu sản xuất ổn định, nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động hiệu quả.

Ông Giàng A Phử, thôn Sài Lương 3 trao đổi với các hộ trong thôn về kỹ thuật khai thác vỏ quế.

Là xã vùng sâu của huyện Văn Chấn, An Lương có 9 thôn với 970 hộ; trong đó, đồng bào Mông, Dao chiếm trên 60%, còn lại là đồng bào Tày và các dân tộc khác. Do đặc thù địa hình núi cao, khe suối cắt xẻ, xa thị xã Nghĩa Lộ và trung tâm huyện, nên việc đi lại, giao thương của nhân dân nhiều năm về trước gặp không ít khó khăn.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các địa phương.

Khép lại năm 2024, ngành nông nghiệp Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn do thiên tai, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi). Đón xuân mới, đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã chia sẻ với phóng viên (PV) Báo Yên Bái về kết quả nổi bật trong năm qua cũng như những định hướng và giải pháp để phát triển trong tương lai.

Quang cảnh Dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái

Mùa xuân mới đang về! Những công trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang dần được hoàn thiện sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021- 2025, đặc biệt đây là những công trình, dự án có ý nghĩa thiết thực chào mừng đại hội Đảng các cấp trong năm 2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục