Đề xuất hỗ trợ các trường đại học tổ chức kỳ THPT quốc gia
- Cập nhật: Thứ tư, 11/3/2015 | 2:15:35 PM
Bộ Giáo dục-Đào tao (GD&ĐT) dự định đề xuất một số thay đổi liên quan đến chế độ thu, chi tài chính trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Để kịp thời áp dụng cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD&ĐT kiến nghị rút ngắn quy trình ban hành Thông tư liên tịch với Bộ Tài chính về phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh), có hiệu lực ngay ở thời điểm ban hành.
Hiện, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về phí dự thi, dự tuyển cho kỳ thi quốc gia theo hướng tổ chức thi hiệu quả thiết thực trên tinh thần giữ ổn định mức thu đối với thí sinh, không thay đổi ngân sách giáo dục của địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng khẳng định năm nay mức thu lệ phí thi, dự tuyển không thay đổi.
Theo Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh), công bố ngày 13/2, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học sẽ nộp phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh. Thí sinh nộp phí dự tuyển vào các trường 30.000 đồng/hồ sơ.
Riêng thí sinh đăng ký vào các trường khối quốc phòng, an ninh phải nộp thêm phí sơ tuyển 50.000 đồng/hồ sơ khi đăng ký dự thi.
Đối với các trường tuyển sinh theo phương thức dự tuyển, thí sinh nộp phí dự tuyển 30.000 đồng/hồ sơ.
Đối với các môn văn hóa chuyên ngành, phí dự thi là 35.000 đồng/môn thi/thí sinh; đối với các môn năng khiếu, nộp phí dự thi 300.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn năng khiếu).
Theo tính toán sơ bộ của Bộ GD&ĐT, với việc chỉ tổ chức 1 kỳ thi duy nhất thay vì 4 kỳ thi như mọi năm (1 kỳ thi tốt nghiệp THPT, 2 kỳ thi ĐH, 1 kỳ thi CĐ), tổng chi phí xã hội (của các trường, địa phương, gia đình thí sinh) sẽ giảm rất nhiều so với những năm trước, mà theo một số chuyên gia ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Nhưng đối với các trường ĐH tham gia tổ chức các cụm thi liên tỉnh lại tăng thêm khoản chi cho việc đi lại, sinh hoạt của giáo viên làm nhiệm vụ ở tỉnh xa. Do đó, kinh phí tổ chức thi của các trường CĐ, ĐH chỉ thu từ nguồn lệ phí của thí sinh là không đủ chi. Vì vậy, bên cạnh việc yêu cầu các trường chủ động tự cân đối, Bộ GD&ĐT dự định kiến nghị hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ. Từ năm 2016 kinh phí cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ được cân đối ngay từ khi giao ngân sách năm nên không cần bổ sung kinh phí hỗ trợ.
Còn tại các cụm tỉnh chỉ dành cho thí sinh xét tốt nghiệp, các địa phương vẫn sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách hàng năm của địa phương.
Theo ước tính của Bộ, sẽ có khoảng 20% thí sinh chỉ đăng ký tham dự thi để xét tốt nghiệp tại các cụm thi tỉnh, như vậy chi phí của địa phương năm nay dành cho kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm nhiều.
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Đến hẹn lại lên, học sinh lớp 12 đang chạy nước rút chuẩn bị bước vào chặng đường thử thách, kết thúc 12 năm đèn sách. Năm nay, có nhiều điểm mới trong thi cử và chỉ còn duy nhất một kỳ thi quốc gia cho hai mục đích xét tuyển tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Ngày 10/3, Công an thành phố Hà Nội tổ chức triển khai các phương án bảo vệ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU 132) diễn ra tại Hà Nội.
YBĐT - Ngày 10/3, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua – khen thưởng năm 2014, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. (ảnh)
YBĐT - Phòng Tư pháp huyện Trấn Yên đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các xã, thị trấn đối với công tác này, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương, tạo sự chuyển biến về chấp hành pháp luật trong nhân dân.