Không còn "sống chết" vào đại học
- Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2015 | 9:43:55 AM
YBĐT - Đã qua rồi cái thời học trò tốt nghiệp lớp 12 "sống chết" để giành một tấm vé vào trường đại học (ĐH) hoặc cao đẳng (CĐ). Và phụ huynh cũng không còn quá áp lực với con cái trong câu chuyện "phải đỗ ĐH". Đó là một sự thay đổi rất lớn trong tâm lý chung của phụ huynh và các sĩ tử năm nay.
Học nghề là lựa chọn của nhiều em để thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình.
Ảnh: Một giờ học của lớp điện dân dụng, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
|
Nói về sự thay đổi này, cô giáo Nguyễn Hoài Liêm - giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái cho biết: “Phải nói rằng, sự thay đổi này là điều rất đáng mừng. Chưa năm nào tôi thấy học sinh tự tin nói em chọn học nghề này, nghề kia như năm nay. Học sinh giờ thông minh, nắm bắt thời cuộc, tìm hiểu thông tin và đặc biệt là các em biết tự đánh giá năng lực của bản thân để có thể đưa ra sự lựa chọn vào ĐH hay học nghề”.
Khi tình trạng “thừa thầy thiếu thợ" đang diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay thì sự thay đổi này là hết sức tích cực và hợp thời. Có nhiều em đã thể hiện rõ quan điểm trước ngưỡng cửa lựa chọn tương lai. Em Dương Ngọc Anh, lớp 12A5, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ học nghề làm tóc. Em không thi ĐH vì em biết khả năng của mình. Bố mẹ em đã biết sự lựa chọn của em và đều ủng hộ. Theo em, để thực hiện ước mơ nghề nghiệp không nhất thiết phải vào được ĐH. Em yêu thích làm đẹp cho các bạn gái nên em sẽ thi trường ĐH, CĐ nào để thực hiện ước mơ đó ngoài việc học nghề”. Đúng vậy, học ĐH cũng chỉ là con đường để thực hiện ước mơ nghề nghiệp. Vì vậy, ĐH chỉ là nơi tích lũy kiến thức để thực hiện ước mơ, hoài bão cuộc đời.
Ngọc Anh chia sẻ thêm: “Em biết có một chị giờ đang làm chủ một tiệm áo cưới, trang điểm cô dâu có tiếng của thành phố mình từng tốt nghiệp ĐH sư phạm đàng hoàng. Chị ấy yêu thích trang điểm cô dâu nên sau khi học xong ĐH chị ấy nhất quyết mở một tiệm áo cưới và trang điểm cô dâu để được làm công việc yêu thích và mơ ước. Như vậy là quãng thời gian 4 năm học ĐH của chị ấy thật lãng phí”. Đúng là lãng phí khi những gì chúng ta học lại không phục vụ cho việc thực hiện ước mơ của mình. Nếu khoảng chục năm trước, ước mơ của học sinh lớp 12 là bước chân vào cổng trường ĐH, dù có thể không hiểu rõ học để ra làm gì thì giờ đây các em cụ thể hơn ước muốn được làm gì, thực hiện ước mơ đó bằng cách nào và đặc biệt, không còn “sống chết” với tấm vé ĐH nữa.
Em Nguyễn Thị Thúy Phương, lớp 12 A8, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Em thích được làm việc trong nhà máy với những dây chuyền hiện đại, cùng làm ra những sản phẩm hiện đại. Em đang tìm hiểu, nghiên cứu học nghề để có thể được làm việc trong các khu công nghiệp lớn. Bố mẹ em rất ủng hộ sự lựa chọn của em”.
Sự thay đổi trong việc định hình nghề nghiệp của các em có sự tác động rất lớn của thông tin việc làm, sự định hướng của thầy cô. Nhưng việc thay đổi tâm lý nặng nề bấy lâu nay là “con cái phải học ĐH” của các phụ huynh thì không phải đơn giản. Nhưng có lẽ chính những thực tế trong cuộc sống đã làm cho phụ huynh giảm được tâm lý này.
Chị Nguyễn Thị Thắng ở thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) chia sẻ: “Trước đây, con trai tôi nói không thi ĐH, muốn trở thành một người trồng cây giống ông nội, tôi đã quát thằng bé rằng phải thi ĐH, nếu thích làm vườn thì thi ĐH Nông nghiệp. Tôi đã không cần biết lực học thằng bé thế nào mà cứ bắt con thi. Áp lực, tốn kém tiền của rồi nó cũng không đỗ. Giờ nó ở nhà trồng cây cảnh với bố chồng tôi. Nó học nhanh và rất sáng tạo, bố chồng tôi khen lắm, nhiều mẫu cây của nó khách rất thích”.
Nói về cách nhìn nhận của phụ huynh đối với việc học của con nói chung, việc giành cho được "tấm vé" ĐH nói riêng, cô giáo Nguyễn Thị Hường - chủ nhiệm lớp 12A8, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: “Phụ huynh rất quan tâm tới việc học của con nói chung, nhất là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Họ liên hệ thường xuyên với giáo viên chủ để nhận sự tư vấn của giáo viên, cùng định hướng nghề nghiệp cho con cái. Nhìn chung, các em không thi ĐH mà lựa chọn học nghề đều nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình”.
Cho dù đi bằng con đường nào, ĐH hay học nghề, chỉ cần thực hiện được ước mơ của mình, đó mới là điều quan trọng, điều đáng quý. “ĐH không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công” là câu nói trước thường được dùng để giảm áp lực phải thi đỗ ĐH nhưng giờ là "kim chỉ nam" cho những người thực tế, tìm cách thực hiện ước mơ của mình bằng cách phù hợp nhất với bản thân.
Thanh Ba
Các tin khác
Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc lần thứ XI - 2015 có chủ đề “Học sinh tích cực, học tập tốt, rèn luyện tốt”. Hội thi được tổ chức trong khoảng thời gian từ 11 - 18/7/2015.
Hưởng ứng sự kiện “Giờ Trái đất 2015” tại Việt Nam với chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 16-3, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động tiết kiệm điện hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2015 và Khánh thành mô hình Phòng học xanh”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ các đối tượng có nghề lao động đặc thù như làm việc theo ca, làm việc không bố trí nghỉ được vào ngày lễ, ngày nghỉ và các cơ sở y tế có chuyên ngành bị quá tải.
YBĐT - Yên Bái hiện có trên 40.000 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), trong đó có trên 7.000 CNLĐ ngoài Nhà nước. Cùng với khó khăn chung của cả nước, năm 2014, một bộ phận không nhỏ CNLĐ trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiếu việc làm.