Bài 1: Rau - mối lo của người tiêu dùng
- Cập nhật: Thứ năm, 30/4/2015 | 8:58:48 AM
YênBái - YBĐT - Lâu nay, thông tin về các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhâp lậu kém chất lượng, thực phẩm có hóa chất độc hại... đã khiến những người tiêu dùng trong nước nói chung, các bà nội trợ trên địa bàn tỉnh Yên Bái nói riêng không khỏi băn khoăn, lo lắng khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn gia đình.
Đặc biệt, rau, thịt là 2 loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì thế, Tháng hành động Vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015, Bộ Y tế đã đưa ra chủ đề rất cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày, đó là “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” với mục tiêu nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng như người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, mong muốn một cuộc sống chất lượng hơn.
Rau an toàn hay còn gọi là "rau sạch" hiện là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người khi mà trên thị trường, người tiêu dùng luôn phải đối mặt với các loại rau, củ, quả có sử dụng dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hóa chất dễ gây bệnh và có thể gây ngộ độc… Ngày nay, rau là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của mỗi gia đình thì việc lựa chọn rau an toàn càng trở nên quan trọng và cần thiết với các bà nội trợ. Tuy nhiên, làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được đâu là rau an toàn, đâu là rau không an toàn thì quả thật vô cùng khó khăn.
Lựa chọn rau theo kiểu... may, rủi!
Vùng rau Tuy Lộc, thành phố Yên Bái những ngày này mênh mông là rau các loại. Với kinh nghiệm trồng rau cả chục năm nay của bà con nông dân Tuy Lộc cùng với diện tích trên 130 ha trồng rau thì đây là địa phương cung cấp lượng lớn rau cho khu vực thành phố Yên Bái. Rau ở đây được trồng theo mùa vụ, mùa nào thức ấy. Trong vụ xuân hè này chủ yếu là rau muống, rau dền, mùng tơi, rau đay, cà dừa, su su, mướp... và rau luôn là cây chủ lực mang lại thu nhập cao cho nông dân Tuy Lộc.
Chị Vũ Thị Sâm, thôn Hợp Thành, xã Tuy Lộc có 7 sào trồng các loại rau. Hàng ngày chị chăm sóc, tưới nước và phân bón để rau tươi tốt. Lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng cùng khí hậu thuận lợi nên rau của gia đình chị cũng như của tất cả các hộ trồng rau khác cứ mơn mởn. Mỗi ngày gia đình thu hái và giao cho các tiểu thương gần 1 tạ rau.
Theo chị Sâm và những người dân ở đây thì do rau trồng đúng mùa vụ, được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng và phát triển rất tốt nhưng khi mang ra thị trường thì hầu như không nhận được sự tin tưởng! Đơn giản chỉ vì người mua thấy rau non xanh mướt lại đâm nghi ngại!
Bởi rất khó có thể phân biệt được bằng mắt thường khi đứng giữa bạt ngàn rau nên họ chỉ còn một cách đó là lựa chọn rau theo kiểu... may rủi hoặc tự trấn an tâm lý bằng cách tìm đến những hàng mua quen.
Muôn cách để có rau an toàn
Trước sự báo động về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì mỗi người tiêu dùng đã ngày càng chủ động hơn trong việc tìm kiếm các biện pháp để bảo vệ sức khỏe cho gia đình. Và việc tự trồng rau sạch như thế này đã trở thành lựa chọn tối ưu cho những người muốn tự cung, tự cấp rau sạch cho bữa ăn gia đình.
Với mong muốn mang đến thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, tháng 12/2013, cửa hàng bao tiêu thực phẩm an toàn thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã được khai trương. Nguồn gốc của thực phẩm mà cửa hàng nhập là do các hội viên Hội Phụ nữ Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) trồng đảm bảo quy trình kỹ thuật áp dụng sản xuất rau an toàn được Hội Phụ nữ tỉnh tập huấn. Rau được nhặt sạch, bọc trong túi nilon bảo quản sạch sẽ cũng đã phần nào mang đến sự tin tưởng về chất lượng cho người tiêu dùng. Đây là cửa hàng bán rau an toàn duy nhất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm nghiệm chất lượng rau an toàn tại đây nên rau có thực sự an toàn hay không thì chỉ phụ thuộc vào lương tâm của người trồng rau.
Bài toán "mang rau an toàn đến với người tiêu dùng" sẽ mãi không có được lời giải khi mà người nông dân và người tiêu thụ sản phẩm chưa tìm được tiếng nói chung về chất lượng cũng như giá cả sản phẩm. Để rau an toàn có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành có liên quan trong việc hỗ trợ người nông dân trồng rau an toàn. Cùng với đó, rất cần đến ý thức, trách nhiệm của các cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến và sự thông thái của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm rau an toàn.
Bài 2: Bao giờ “thịt sạch”?
Thanh Chi - Đức Toàn
Các tin khác
Chiều 29-4, theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, ngay sau khi được tin nhóm 5 công dân gồm:
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, trong tháng 5 và 6, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập 2 đoàn thanh kiểm tra trên diện rộng về hoạt động kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến và dụng cụ - vật liệu đóng gói thực phẩm.
Ngày 28-4, ngay sau khi ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm cúm A/H5N6 tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Hà Nam yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
YBĐT - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), chiều 27/4, đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã đi thăm, tặng quà các cựu chiến binh tiêu biểu trên địa bàn huyện Văn Chấn.