Tân Phượng - vùng rừng hoang vắng
- Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2015 | 1:06:36 PM
YênBái - YBĐT - Tân Phượng - xã vùng cao của huyện Lục Yên (Yên Bái), là nơi cư trú của gần hai ngàn người dân tộc Dao đỏ. Cuộc sống khép kín của người Dao cùng với những phong tục tập quán vô cùng đặc sắc của họ dường như chưa thể bị phá vỡ trước những biến động rất mạnh của xã hội...
Rừng Tân Phượng còn nhiều cây gỗ quý.
|
Xã Tân Phượng nằm dọc hai triền núi đá dài và hẹp. Cách đây mấy năm, khi chưa có đường ô tô mở vào Tân Phượng, nơi đây giống như ốc đảo giữa rừng xanh bạt ngàn. Rừng Tân Phượng là một trong ba khu rừng nguyên sinh đa dạng sinh học quý hiếm còn sót lại của tỉnh Yên Bái. Do nằm ở vùng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, chỉ một con đường độc đạo nên ít bị tác động của con người. Năm 2010-2011, Chi cục Kiểm lâm Yên Bái đã phối hợp với một nhóm các nhà khoa học ở Trường Đại học Lâm nghiệp đã tiến hành khảo sát khu rừng này. Rừng Tân Phượng có diện tích trên 5.200ha, nằm trên địa bàn các xã Tân Phượng, Lâm Thượng và Minh Chuẩn, vùng lõi nằm chủ yếu trên đất xã Tân Phượng với diện tích trên 3.000ha. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là khu vực có các hệ sinh thái rừng tự nhiên mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Lọt thỏm giữa một vùng rừng xanh ngằn ngặt, chuyện xưa kể rằng khi những người đầu tiên đến đây lập cư, người ta thấy trên đỉnh Mu Đoỏng cao 1.035m chiều chiều có đôi chim phượng hoàng về đậu trên ngọn cây cổ thụ cao nhất. Sải cánh của nó rộng như lá chuối rừng. Khi bay, gió từ hai cánh nó làm rạp cỏ cây. Tiếng kêu của đôi phượng hoàng vang từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia. Có lẽ thế nên người ta đặt tên cho mảnh đất này là Tân Phượng để nhắc nhở cháu con về một vùng đất của loài chim thần thoại?
Ông Bàn Phúc Châu ở thôn Bó Mi, năm nay đã hơn 60 tuổi kể rằng: “Cha ông tôi đến định cư ở Tân Phượng tới đời tôi chừng bảy đời. Theo lời các cụ xưa kể lại, người Dao đỏ cũng một thời du canh du cư, sau đó định cư ở đất Lục Yên. Khi đến đây, ngoài áo quần và dụng cụ sản xuất, họ mang theo những quyển sách cúng viết bằng mực Tàu trên giấy bản, đến đời tôi thì chỉ một số người đọc và viết được loại chữ nho đó...”. Nói rồi ông chỉ cho tôi hai câu đối dán trên bàn thờ do ông viết. Ý nghĩa của hai câu đối đó là kính trọng tổ tiên, cầu mong sức khoẻ và cuộc sống no đủ.
Tôi chỉ dãy núi xanh đen trước cửa nhà ông hỏi: “Đất rừng rộng bao la thế kia, sao lo thiếu ăn được?”. Ông Châu trầm ngâm một lúc mới bảo: “Cách nay hai chục năm, kể từ năm 1993 tôi không nhớ rõ, rừng quanh đây bạt ngàn. Suốt dọc con đường vào đất Tân Phượng này cây cối ken dày, nhiều cây to ba bốn người ôm mới kín gốc. Người dân tha hồ phá rừng làm nương rẫy, đất mùn ngập tới đầu gối, chỉ cần làm một vụ là đủ ăn cả năm. Sau ba, bốn mùa nương, đất xấu, họ bỏ đi phát đám rừng khác. Rừng cứ thế mất dần, nhiều cây to không chặt được phải dùng củi đốt, gần một tháng trời cây mới chịu đổ...”.
Tôi hỏi ông về những loài thú rừng mà ông đã săn được. Hớp một ngụm rượu, ông Châu chợt như bừng tỉnh quá khứ huy hoàng của người săn bắn cừ khôi của đất Tân Phượng: “Hây dà! Bố tôi kể rằng, đời bố và ông tôi thấy trên đất này còn nhiều hươu, nai lắm. Chiều chiều hươu, nai về quanh bản gặm cỏ vàng cả chân núi, thích con nào thì bắn con đó. Đời tôi thấy ít dần. Tôi biết đi săn từ năm 20 tuổi, săn được nhiều nhất từ năm 25 đến 30 tuổi, trên 30 tuổi thì chẳng bắn được mấy. Do mình không còn nhanh nhẹn hay không còn gặp may nữa. Tôi chưa bắn được con nai nào nhưng lợn rừng thì bắn được khoảng 10 con, con to nhất nặng hơn một tạ, răng nanh dài gần gang tay. Cuộc đời đi săn của tôi ám ảnh nhất là bắn những con vượn đen. Con to khoảng hai chục cân, chúng đi thành bầy vài chục con trong những khu rừng rậm. Tiếng Dao gọi là “Tuồi đao”, chúng khá tinh khôn. Tôi nhớ lần ấy, buổi chiều tôi nấp sau gốc cây trên đường chúng kiếm ăn trở về, khi tôi bắn một con từ trên cây cao rụng xuống, mắt nó cứ mở trừng trừng nhìn tôi nửa căm hờn, nửa oán trách. Tôi phải lấy cái mũ vải đội đầu úp vào đôi mắt của nó mới dám bỏ vào gùi địu về nhà...”.
Còn cây săn trẻ Triệu Tiến Tiên, hiện đang giữ chức Chủ tịch xã Tân Phượng thành thật kể: “Trước đây, chưa cấm săn bắn như bây giờ, hồi ấy tôi mới hơn hai mươi tuổi, leo núi vượt rừng nhanh như sóc. Đời tôi đã bắn được 3 con lợn rừng, mỗi con nặng 60-70kg, còn khỉ lông vàng thì không nhớ nổi, chừng 20- 30 con, vượn đen chỉ bắn được 4 con thôi. Như chú Châu đã kể, vượn đi ăn theo đàn, chúng đi theo hướng nhất định, buổi chiều trên đường trở về chúng hú, nhất là khi chập tối chúng hú nhiều trước khi ngủ. Phải mất gần một tháng trong rừng theo dõi, tôi mới tìm ra được đường và hướng di chuyển của chúng.
Kết quả điều tra, nghiên cứu ban đầu cho thấy, rừng Tân Phượng không chỉ đa dạng sinh học về thảm thực vật, động vật mà còn là mẫu rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới. Các nhà khoa học thống kê được 867 loài thực vật bậc cao, thuộc 569 chi của 177 họ, trong đó 6 ngành thực vật và 177 loài động vật có xương sống thuộc 62 họ và 19 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái. Trong số đó có 47 loài thực vật và 37 loài động vật thuộc diện quý hiếm, nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, đó là: voọc mũi hếch, gấu ngựa, gấu chó, báo hoa mai, cầy vằn bắc, gà lôi trắng, kỳ đà hoa, rùa đất lớn... Các loài thực vật có: chò đãi, trầm, lý, dổi găng, sến, sồi… Hệ thực vật ở đây khá đa dạng và phong phú, ngoài những loài cây quý hiếm điển hình cho kiểu rừng á nhiệt đới núi thấp còn tìm thấy một số loài có nguồn gốc á nhiệt đới thuộc dãy Hymalaya. |
Im lặng một lát, Triệu Tiến Tiên lắc đầu: “Người ta săn bắn nhiều quá nên đàn vượn bỏ chạy hết vào trong rừng sâu, bây giờ tôi đoán chỉ còn khoảng dăm sáu con. Đã lâu rồi tôi không còn được nghe tiếng hú của đàn vượn nữa. Tuy vậy, thú rừng Tân Phượng vẫn còn nhiều. Người dân vẫn nhìn thấy gấu ra nương. Cách đây ít lâu ông già ở cạnh nhà tôi bảo: “Có một con gấu hay ra nương nhà tao, tao phải làm bẫy bắt con gấu đó mới được”. Ông ta ra chợ mua bẫy, tôi bảo: “Nhà nước cấm săn bắn thú rừng, ông bẫy gấu chẳng may người sa chân vào bẫy của ông thì sao? Không được đâu, ông không được bẫy đâu nhá, vi phạm pháp luật đấy...”.
Cuộc sống của người Dao Tân Phượng trước năm 1993 chủ yếu dựa vào rừng, từ việc phát rừng làm nương đến việc săn bắn thú rừng làm thức ăn, bán xương, da để chi tiêu, mua sắm mọi vật dụng, đồ dùng trong gia đình. Nay cấm phá rừng, cấm săn bắn, cuộc sống người dân trở nên khó khăn. Trước đây, Tân Phượng thuộc xã đặc biệt khó khăn, tự dưng năm 2006 được rút ra khỏi danh sách xã nghèo mà chẳng có quyết định. Toàn xã chỉ có 54ha ruộng, 140ha nương rẫy thì làm sao nuôi nổi gần 2.000 con người? Bởi thế, diện đói nghèo của Tân Phượng hiện nay rất cao. Với mức khoán bảo vệ rừng 90.000đ/ha/năm thì khó mà bảo vệ được rừng. Mặc dù Hạt Kiểm lâm Lục Yên đã tăng cường thêm 4 cán bộ kiểm lâm cho Tân Phượng nhưng tình trạng khai thác lâm sản và săn bắt thú rừng trái phép vẫn diễn ra. Bởi rừng Tân Phượng giống như chiếc bánh đặt trước mặt những người dân nghèo, lại giáp ranh với hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai, nếu không có sự tham gia bảo vệ của người dân thì chẳng mấy nỗi rừng Tân Phượng sẽ tan hoang.
Thái Sinh
Các tin khác
100.000 người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; 1.000 người cao tuổi được mổ mắt miễn phí, 100 trẻ em được phẫu thuật dị tật bẩm sinh… Đó là kế hoạch thực hiện trong Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
Cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893 (122 tuổi), đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới chính thức trao bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới”.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với một số Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính.
YBĐT – Sáng ngày 14/5, tại Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Yên Bái, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ chủ chốt các cấp trong quá trình tham gia quản lý Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội về chính sách, pháp luật liên quan tới phụ nữ và bình đẳng giới” cho 40 học viên là cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành và hội phụ nữ các cấp trong tỉnh.