Đường về của Tào Ngọc Thủy
- Cập nhật: Thứ ba, 16/6/2015 | 9:24:08 AM
YênBái - YBĐT - 20 năm tuổi trẻ mê muội, đắm chìm trong làn khói của "nàng tiên nâu" và "cái chết trắng", sức khỏe sa sút, kinh tế gia đình kiệt quệ tưởng chừng như không thể đứng lên tìm cho mình một con đường sáng nhưng với ý chí quyết tâm, lòng tự trọng, anh Tào Ngọc Thủy ở thôn 9, xã An Lạc, huyện Lục Yên đã làm lại cuộc đời, nuôi dạy con cái ăn học, phát triển kinh tế, hiện đã có cả tỷ đồng trong tay.
![]() |
Anh Tào Ngọc Thủy và xưởng gỗ của gia đình.
|
Ngồi đối diện với chúng tôi là người đàn ông trung tuổi, vui vẻ, thẳng thắn, cởi mở, đưa chúng tôi đến thăm xưởng xẻ và xưởng bóc gỗ. Đó chính ông chủ xưởng gỗ Tào Ngọc Thủy. Thủy vui mừng cho biết: "Hiện nay, tôi có 2 xưởng bóc, 1 xưởng xẻ, 2 xe tải, 1 xe ô tô con để thuận tiện cho việc giao dịch làm ăn với hơn 20 công nhân, chủ yếu là người dân địa phương, thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Tới đây, tôi cũng sẽ xây một ngôi nhà mới để thuận tiện cho sinh hoạt gia đình". Đó là tất cả những gì Thủy có được sau gần 10 năm thoát khỏi con đường nghiện ngập.
20 năm sống trong nghiện ngập
Tào Ngọc Thủy sinh năm 1968 ở Vũ Linh, Yên Bình. Năm 1971, do điều kiện công tác nên cả gia đình chuyển lên Lục Yên sinh sống. Lúc bấy giờ, Tào Ngọc Thủy mới 16 tuổi nhưng đã biết bươn trải với đủ thứ nghề, từ buôn củ măng, tàu lá dong đến việc mua bán đá quý kiếm tiền. Với sự nông nổi của tuổi trẻ, mải chơi theo đám bạn bè xấu, chàng trai mới lớn bập vào thuốc phiện lúc nào không hay. Bao nhiêu tiền của từ việc vất vả bán sức lao động đều bay theo làn khói. Lấy vợ rồi, anh càng dấn sâu vào con đường nghiện ngập do những chuyến làm ăn xa nhà. Tuy vậy, chị Hoàng Thị Yến - vợ của anh vẫn luôn bên cạnh động viên, khuyên anh trở về vì chị tin trong anh luôn có tình yêu đối với gia đình, vợ con.
Anh Thủy kể: "Thời gian nghiện ngập là quãng thời gian khốn khổ của cuộc đời mình. Lúc nào, mình cũng thấy tự ti, không dám giao lưu, quen biết với những người bạn tốt nên cứ tiếp tục lấn sâu. Những lúc lên cơn vật thuốc đau đớn như có muôn vàn mũi dao chích vào da thịt. Vợ con, bố mẹ buồn về mình lắm, đi đâu cùng theo dõi, giám sát nhưng làm sao mà theo dõi được". Khi chứng kiến cảnh vợ con đói khổ, nheo nhóc, năm 1997, anh quyết định đi cai nghiện. Nhưng được một thời gian ngắn, anh lại như "con thiêu thân" lao vào "cái chết trắng".
Thức tỉnh không bao giờ là quá muộn
Thế rồi tai họa ập đến, năm 2004, trong một lần đun nước tắm cho chồng, chị Yến bất cẩn bị cả chậu nước sôi đổ lên người, bỏng hơn 40%, chị được đưa đi cấp cứu tại Hà Nội. Tất cả anh em, người thân phải góp tiền điều trị cho chị bởi lúc đó, trong nhà không có gì đáng giá. Biết vợ điều trị ở Hà Nội nhưng anh chẳng dám xuống thăm vì không có tiền đi lại và xấu hổ với gia đình nhà ngoại. Những ngày nằm ở nhà một mình, nghĩ đến người vợ suốt đời yêu thương mình, cũng vì bản thân mình mà bị tai nạn, anh Thủy rất ân hận. Sau mấy đêm dài không ngủ, anh quyết tâm một lần nữa đi cai nghiện. Ngày vợ anh xuất viện với đầy sẹo bỏng khắp cơ thể cũng chính là ngày anh Thủy đi cai nghiện.
Cuối năm 2005, Thủy trở về địa phương. Với tình yêu thương của gia đình, sự động viên, thăm hỏi thường xuyên của các ban ngành, đoàn thể, sự giúp đỡ của Công an huyện Lục Yên, anh Thủy đã cai nghiện thành công. Để tránh "ngựa quen đường cũ", anh cắt đứt mọi liên lạc với đám bạn bè xấu. Hai vợ chồng anh quyết định mở một quán cháo nhỏ ven quốc lộ 70. Mọi sự cố gắng, nỗ lực của hai vợ chồng cuối cùng đã được đền đáp. Quán cháo ngày càng đông khách. Có lẽ, hơn ai hết, chị Yến là người vui mừng và phấn khởi nhất: "Quãng thời gian chồng mới cai nghiện thành công, đi đâu bạn bè cũng hỏi thăm, lúc đó, tôi mới thật sự cảm thấy thoải mái trước mặt bạn bè, không còn xấu hổ, tủi thân nữa, cảm giác như mình được sống lại lần thứ hai vậy, hạnh phúc, vui mừng lắm!".
Thay đổi cuộc đời
Sau 3 năm chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng tích cóp được ít vốn liếng, vay mượn thêm mua một chiếc xe tải, thu mua gỗ rừng trồng ở địa phương rồi chuyển sang làm xưởng ván bóc. Công việc đã giúp Thủy trở thành một con người năng động, nhiệt tình và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Ông Lương Văn Ngụy - Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: "Gia đình anh Thủy là một trong những hộ phát triển kinh tế điển hình trên địa bàn và luôn chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, gia đình anh còn đóng góp tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới ở địa phương như: tiền mặt, chở vật liệu... để làm đường giao thông. Đây là tấm gương cho mọi người học tập".
Trong cuộc sống, ai cũng từng sai lầm dù lớn hay nhỏ nhưng điều quan trọng là biết nhận ra lỗi và sửa sai. Trường hợp của anh Tào Ngọc Thủy cũng vậy, từng lãng phí 20 năm tuổi trẻ sống trong mê muội nhưng anh đã tỉnh ngộ và đứng lên ở cái tuổi 36. Điều thành công nhất đối với Thủy giờ đây không phải là tiền bạc, vật chất mà là chiến thắng chính bản thân mình.
Duy Khánh
Các tin khác

YBĐT - Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Quân sự thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đề ra.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp đánh giá tình hình triển khai các hoạt động sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh MERS-CoV ngày 15/6.

Chương trình đào tạo và sát hạch lái xe sẽ được tách riêng từ tháng 9 tới đây để phục vụ việc cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho những người có nhu cầu lái xe ô tô số tự động.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), hôm qua - 15-6 là hạn cuối cùng các đơn vị phải hoàn thành việc trả giấy báo dự thi THPT quốc gia năm 2015 cho các thí sinh (TS). TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại đâu thì nhận giấy báo dự thi tại đó.