Mù Cang Chải đã khống chế hoàn toàn dịch tiêu chảy
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2015 | 10:27:28 AM
YênBái - YBĐT - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, khởi nguồn của dịch tiêu chảy ngày 17/6/2015 ở bản Tà Chơ, xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) tại một gia đình tổ chức đám ma từ ngày 17 - 19/6.
Trong thời gian ba ngày tổ chức tang lễ, gia đình này có tổ chức ăn uống cho khoảng 200 người, trong đó có trường hợp anh Lù A Sinh là bệnh nhân đầu tiên khởi phát triệu chứng đầu tiên (ngày 18/6) với biểu hiện sốt, sôi bụng, đi ngoài phân lỏng khoảng 8 - 10 lần/ngày, gây mệt mỏi, khát nước, mức độ đau quặn ngày càng tăng…
Anh Sinh đã được phát hiện và điều trị tại điểm khám lưu động cộng đồng (điểm trường Tà Chơ). Đến ngày 21/6 có thêm 45 người mắc với các biểu hiện đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài nhiều lần, phân lẫn máu mùi tanh, đi ngoài từ 10 - 15 lần/ngày. Ngoài ra, có 79 bệnh nhân bị đau bụng ít hoặc sôi bụng đi ngoài từ 3 - 4 lần/ngày thuộc 5 xã : Kim Nọi (bản Tà Chơ 76 trường hợp), Mồ Dề (Mảng Mủ B, Háng Sung 26 trường hợp ); xã La Pán Tẩn (bản Trống Tông 6 trường hợp ); xã Dế Xu Phình (bản Ma Lừ Thàng 3 trường hợp); xã Chế Cu Nha (bản Thào Chua Chải 14 trường hợp). Được biết, tất cả các trường hợp mắc bệnh được phát hiện đều là những người tham gia ăn uống tại đám ma ở bản Tà Chơ, xã Kim Nọi.
Trước đó, ngày 28/4/2015, trên địa bàn huyện ghi nhận vụ dịch lỵ trực trùng Shigella flexneri với 112 ca mắc, trong đó, tại bản Tà Chơ 84 ca - đây là nơi phát dịch đầu tiên trên địa bàn huyện.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra dịch bệnh này. Trước hết, Tà Chơ là bản vùng xa của xã Kim Nọi, 100% đồng bào Mông sinh sống, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế, hầu hết các gia đình không có hố xí hợp vệ sinh, không có thói quen dùng hố xí để đi vệ sinh nên phóng uế trực tiếp ra môi trường xung quanh; người dân tổ chức đám ma trong nhiều ngày cũng gây mất vệ sinh nên thói quen sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, đặc biệt trong vệ sinh cá nhân, nguồn nước sinh hoạt... cùng với thời tiết nắng nóng khiến vi khuẩn phát triển mạnh và gây bệnh dịch.
Bà Lương Thị Xuyến - Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh huyện Mù Cang Chải cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ đến bản điều tra, xác minh vụ dịch; phân bổ thuốc, vật tư, khám phân loại và điều trị tại chỗ; thành lập điểm thu dung và điều trị tại chỗ tại điểm trường Tà Chơ; cử cán bộ trực 24/24 giờ; tổ chức điều tra, lập danh sách các bệnh nhân mắc để quản lý và điều trị; giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, xã lân cận. Ngoài ra, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch theo quy định, đẩy mạnh tuyên truyền về bệnh tiêu chảy, cách phòng tránh, vận động người dân thu gom, xử lý phân, không phóng uế bừa bãi”.
Để giảm thiểu sự bùng phát, lây lan dịch bệnh trên diện rộng, theo Thạc sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời gian vừa qua, đơn vị đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng dịch, điều tra, giám sát phát hiện các ca bệnh để cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế, lấy mẫu xét nghiệm; thường xuyên cập nhật diễn biến dịch để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn phù hợp; cử đoàn công tác cùng thuốc, hóa chất, vật tư hỗ trợ chống dịch tại bản Tà Chơ vào ngày 21/6. Ngoài ra, Trung tâm đã tham mưu với Sở Y tế, UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng chống dịch; phát huy vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề để dịch bệnh xảy ra do thói quen ăn uống, sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh của người dân địa phương.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành với nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và nhận thức đại đa số người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh đã có những chuyển biến tích cực, đến thời điểm cuối tháng 6, dịch bệnh tiêu chảy trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã được khống chế hoàn toàn, không có ca nhiễm mới, tạo tâm lý ổn định, không gây hoang mang để người dân yên tâm, tiếp tục tập trung sản xuất.
Đề phòng dịch tiêu chảy có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, phối hợp với chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, cách ly và điều trị kịp thời người nhiễm bệnh. Chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến, nhất là tuyến huyện, xã cử cán bộ thường trực giám sát 24/24 giờ tại các thôn bản có dịch; điều tra xác minh ổ dịch, lập danh sách những người mắc, khám phân loại và điều trị tại chỗ; tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến, không để dịch tiêu chảy tiếp tục xâm nhập, lây lan trên diện rộng. Đặc biệt chú ý các ổ dịch cũ và những điểm có nhiều nguy cơ bùng phát dịch; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm ăn uống đông người, nơi tổ chức đám ma, đám cưới, nhất là ở các xã vùng cao tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. |
Minh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Đồng chí Bạch Xuân Thủy - Bí thư Đảng bộ Trung tâm Y tế (TTYT) Trấn Yên cho biết: “Trước hết, Đảng bộ coi chất lượng đội ngũ đảng viên là yếu tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”.
Hội nghị khai mạc sáng 2/7 với sự tham dự của đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban Kỹ thuật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN). Xuyên suốt phiên làm việc là tinh thần thẳng thắn, cầu thị vì người lao động và sự phát triển của tổ chức công đoàn.
Từ ngày 1/7/2015, giấy phép nhập khẩu các trang thiết bị y tế sẽ được cấp qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong mấy ngày qua, một số điểm tại Hà Nội được ghi nhận có nền nhiệt cao là Hà Đông 40 độ C, Ba Vì 39,9 độ C, Sơn Tây 40,1 độ C, Láng 40,1 độ C. Đợt nắng nóng này diễn ra đến hết ngày 4-7.