Cam kết chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền sẽ làm công tác dân số hiệu quả hơn
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2015 | 9:51:26 AM
YênBái - YBĐT - "Cam kết chính trị của các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện với chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sẽ được tăng cường hơn và cũng sẽ hiệu quả hơn".
Cán bộ chuyên trách dân số xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại hội gia đình. (Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Ông Lương Kim Đức - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã cho biết như vậy khi nói về sự thay đổi của mô hình tổ chức dân số trên địa bàn và trao đổi với phóng viên YBĐT về kết quả công tác DS-KHHGĐ giai đoạn vừa qua.
PV: Năm 2015 kết thúc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015. Xin ông cho biết những kết quả cơ bản của Yên Bái trong thực hiện chương trình này?
Ông Lương Kim Đức: Trong 5 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua thực hiện Chương trình, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về chính sách DS-KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực. Số cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ tăng hàng năm trên 2%. Quy mô gia đình có 2 con được chấp nhận ngày càng rộng rãi.
Yên Bái duy trì mức giảm sinh 0,3%o hàng năm và vùng thấp của tỉnh đã tiệm cận mức sinh thay thế từ năm 2012 (số con trung bình của một bà mẹ là 2,08 con). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 19,6% năm 2009 xuống 10,09% năm 2014, 6 tháng đầu năm 2015 còn 9,31%. Tỷ số giới tính khi sinh được khống chế ở mức 111,4 bé trai/100 bé gái. Chất lượng cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) từng bước được nâng lên, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số về thể chất, tinh thần từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 68,7 năm 2009 lên 72,8 tuổi năm 2014.
PV: Nhiệm vụ công tác dân số của Yên Bái trong giai đoạn tiếp theo và ý nghĩa kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 đối với nhiệm vụ đó, thưa ông?
Ông Lương Kim Đức: Giai đoạn tiếp theo, công tác DS-KHHGĐ tập trung vào những nhiệm vụ cơ bản sau:
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 47-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; cụ thể hóa chỉ thị và Nghị quyết thành những chương trình hành động, đề án, dự án thật cụ thể để triển khai ở cơ sở; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ, tiếp tục đưa các mục tiêu, nhiệm vụ về DS-KHHGĐ vào nghị quyết, chiến lược, chính sách phát triển của các địa phương. Nhanh chóng kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Trung ương, bảo đảm đủ mạnh để thực hiện công tác DS-KHHGĐ; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ dân số, đặc biệt là cán bộ cơ sở, để có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ; sớm tuyển dụng đội ngũ cán bộ chuyên trách trở thành viên chức cấp xã.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành ở các cấp để tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đến mọi tầng lớp nhân dân, quan tâm đúng mức đến nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên trẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS - KHHGĐ. Triển khai có hiệu quả các mô hình về nâng cao chất lượng dân số. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS, huy động đầu tư kinh phí từ nhiều nguồn, có chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi chủ trương, chính sách dân số; động viên khen thưởng, khuyến khích và xử lý kịp thời.
Kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác dân số giai đoạn tiếp theo. Kết quả đó là tiền đề giúp cho các cấp, các ngành nhận rõ bức tranh thực trạng dân số của tỉnh, nhằm đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể để triển khai thành công công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái phát tờ rơi tuyên truyền Pháp lệnh Dân số trong chiến dịch truyền thông đầu năm 2015. (Ảnh: Linh Chi)
PV: Được biết, mô hình tổ chức dân số trên địa bàn tỉnh vừa có sự thay đổi lớn. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Từ năm 2008, sau khi giải thể Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, thực hiện Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14/8/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương, tỉnh Yên Bái đã thành lập Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế; các huyện, thị, thành phố thành lập trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Sau khi được thành lập, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tỉnh nhanh chóng được ổn định từ tỉnh đến thôn, bản.
Chi cục và các trung tâm DS-KHHGĐ đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp, tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ trên địa bàn toàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả như đã nói. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức trên tất cả các phương diện: quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư và chất lượng dân số. Ngày 1/6/2015, UBND Yên Bái đã ra Quyết định số 873/QĐ-UBND về việc chuyển giao nguyên trạng trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, Sở Y tế về UBND cấp huyện quản lý. Việc bàn giao đã được tiến hành khẩn trương, thuận lợi trong thời gian qua, đến nay đã hoàn tất.
PV: Theo ông, sự thay đổi này tác động như thế nào tới hoạt động của ngành tới đây?
Ông Lương Kim Đức: Sự thay đổi về tổ chức thực chất chỉ thay đổi chủ thể quản lý còn các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động của các trung tâm DS-KHHGĐ không có gì thay đổi. Chuyển trung tâm DS-KHHGĐ về huyện quản lý càng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ.
Việc triển khai các hoạt động của chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị ở địa phương, được lồng ghép trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai các hoạt động sẽ được cải thiện hơn từ nguồn lực đầu tư của UBND huyện. Từ đó, cam kết chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền tuyến huyện với chương trình DS-KHHGĐ sẽ được tăng cường hơn và công tác DS- KHHGĐ sẽ có hiệu quả hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hạnh (Thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Trên hồ thủy điện Thác Bà có một trung tâm cai nghiện tồn tại hơn hai thập kỷ nay. Trung tâm nằm tách biệt với đất liền, cách duy nhất để tới đây là đi bằng thuyền qua mặt hồ rộng lớn.
YBĐT - Bằng những đóng góp của mình, lực lượng an ninh Công an tỉnh Yên Bái đã có hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sỹ vinh dự được Chính phủ, Nhà nước và UBND tỉnh tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý.
Ngày 9-7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1148/QĐ-BTTTT về việc đình bản tạm thời 2 ấn phẩm của Báo Đời sống và Pháp luật.
YBĐT - Ngày 9/7, Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 8 – khóa XIII (mở rộng) thông qua Tờ trình xin ý kiến vào Dự thảo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đoàn tỉnh Yên Bái lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2012 - 2017; triển khai nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng cuối năm 2015; tổng kết công tác thi đua - khen thưởng giai đoạn 2010-2015.