Truyền thông phòng chống tảo hôn: Mỗi vùng cần một cách thức riêng
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/7/2015 | 2:35:09 PM
YênBái - YBĐT - Truyền thông là giải pháp tối ưu hiện nay, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Yên Bái. Song, tuyên truyền như thế nào thì mới là bài toán cần được sự vào cuộc của toàn thể xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền, sự nhiệt tình của cán bộ dân số, cộng tác viên dân số cơ sở.
Truyền thông tảo hôn khu vực vùng thị xã, thành phố, thị trấn cần tập trung vào giáo dục giới tính và tình dục an toàn.
|
Ước tính ở Việt Nam cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 19 thì có đến 46 người sinh con. Con số này ở Myanmar chỉ là 17,4; Singapore là 5,2. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, tỷ lệ sinh con ở độ tuổi vị thành niên của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khu vực châu Á. Con số này cũng cao hơn ở nhóm dân số có trình độ thấp, nhóm dân cư sinh sống tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Yên Bái cũng là địa phương trong nhóm có tỷ lệ sinh con ở độ tuổi vị thành niên cao. Nguyên nhân của tình trạng này thì rất nhiều, do tập tục, nhận thức, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục trước hôn nhân... Do vậy, tuyên truyền phòng chống tảo hôn (PCTH) phải phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng đối tượng mới cho kết quả tốt.
Những nguyên nhân do tảo hôn
Ở Yên Bái, việc tảo hôn diễn ra phần nhiều ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - những nơi mà tập tục còn lạc hậu. Tuy vậy, ở vùng thấp như thị xã, thành phố vẫn xuất hiện tình trạng tảo hôn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở mỗi vùng, mỗi địa phương có khác nhau và đôi khi ngay người này với người kia trong cùng một bản cũng đã khác. Những cuộc hôn nhân sắp đặt vẫn còn tồn tại khá dai dẳng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người, chỉ cần hễ thấy con mình “to xác” là nghĩ đã có thể dựng vợ gả chồng cho chúng. Họ không biết con trai con gái phải đến bao nhiêu tuổi thì mới được kết hôn. Hoặc chỉ suy nghĩ “lấy về cho thêm người lao động”, “con gái nhà ấy đã ưng rồi, hỏi sớm đi không nhà khác hỏi mất”... nên có những bà mẹ trẻ đến mức không biết chăm sóc cho con. Vậy mới có chuyện, những thiếu nữ 18 đôi mươi lại được coi là gái ế ở bản, còn bé 15 tuổi mang bầu e thẹn đến trạm y tế khám thai. Đó là câu chuyện đã xảy ra ở nhiều xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.
Còn với người Mông ở xã Sùng Đô (huyện Văn Chấn) lại luôn có một "bài" cúng trong đám ma là dặn dò người ở lại rằng, hãy xây dựng gia đình cho con, cháu sớm để cháu chắt không bị mồ côi ông bà, cha mẹ. Một nguyên do khác khá phổ biến: “Chúng em yêu nhau rồi cưới nhau” chẳng cần biết đến mình đã đủ lớn là chuyện đã xảy ra ở nhiều xã, phường của huyện Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ...
Mục đích của PCTH là nâng cao chất lượng dân số, tránh làm suy thoái giống nòi khi những đứa trẻ được sinh ra từ những cặp bố mẹ chưa phát triển đầy đủ về thể chất. Mục tiêu này đã được đưa vào Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó định nghĩa tảo hôn đó là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy, nam, nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì một trong các điều kiện kết hôn đó là, nam phải từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên. Luật quy định độ tuổi kết hôn như trên là có cơ sở khoa học, dựa trên các nghiên cứu về sự phát triển của con người, vì ở độ tuổi này nam, nữ mới thực sự phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, mới có thể thực sự trở thành những ông bố, bà mẹ, những người chủ gia đình. Đã được đưa vào luật, nhưng hầu hết những trường hợp tảo hôn ở vùng cao, kể cả vùng thấp được phát hiện khi “gạo đã nấu thành cơm”, chẳng cần đăng ký kết hôn ở xã, phường mà chỉ cần họ hàng hai bên, bà con trong bản chứng kiến bằng vài mâm cỗ, hoặc chỉ làm cái thủ túc cúng tổ tiên rồi hai đứa trẻ về ở với nhau.
Hậu quả tảo hôn
Tảo hôn không chỉ là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, mà còn là rào cản đối với tương lai của các cặp vợ chồng trẻ con như học hành dở dang, không nghề nghiệp và nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi phải làm chồng, làm vợ trong lúc cơ thể còn chưa phát triển hoàn thiện. Những nghiên cứu đã cho thấy, tảo hôn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự suy giảm của chất lượng dân số và cả tính mạng của trẻ sơ sinh, khi tỷ lệ các đối tượng tảo hôn sinh con nhẹ cân (dưới 2,5kg) chiếm đến 33,44%. Việc sinh con ở tuổi vị thành niên còn gặp một số rủi ro như nguy cơ sinh non, sinh nhẹ cân, thai chết lưu, chết sơ sinh cao hơn. Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ tuổi vị thành niên, có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bà mẹ trên 20 tuổi.
Đáng quan ngại hơn, những đứa trẻ có cha mẹ tảo hôn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn, do cha mẹ tuổi vị thành niên cơ thể chưa phát triển đầy đủ nên sinh con không đạt tiêu chuẩn về nhiều hệ số đo cơ thể và về não bộ... Điều này sẽ làm suy thoái giống nòi là điều chắc chắn. Bên cạnh đó, nếu so với các bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi, thì nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi từ 15 - 19 cao gấp 2 lần và cao gấp 4 lần đối với các em gái sinh con dưới 15 tuổi. Các bà mẹ vị thành niên có nguy cơ thiếu máu cao gấp 3 lần so với các nhóm khác. Đó là những hậu quả tảo hôn trên thể chất của người mẹ tảo hôn, đó là chưa kể đến những hậu quả xã hội khác mà tảo hôn mang lại.
Bên cạnh việc các em gái phải chịu áp lực trong sinh nở, chăm sóc con cái và gia đình khi các em chưa đủ tuổi trưởng thành sẽ làm hạn chế khả năng ra quyết định và hạn chế sự lựa chọn trong cuộc sống, dẫn đến mất cơ hội học tập, thiếu hụt kiến thức xã hội, thiếu kinh nghiệm làm chủ cuộc sống, gặp khó khăn về kinh tế. Cùng với đó, trẻ sinh ra bởi các cặp tảo hôn, không được làm giấy khai sinh, không được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, không được tiếp xúc với những ưu đãi cho trẻ. Tảo hôn còn làm phá vỡ tính trật tự trong quản lý xã hội, phá vỡ tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ. Vì thế, tảo hôn không chỉ là vấn đề xã hội mà còn là thách thức đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là việc nâng cao chất lượng dân số.
Gái hai con khi mới 18 tuổi ở Xuân Tầm (Văn Yên).
Giải pháp truyền thông
Xác định truyền thông là giải pháp tối ưu nhất hiện nay giải quyết vấn nạn tảo hôn. Tuy vậy, làm thế nào để tuyên truyền hiệu quả nhất về PCTH? Lâu nay vẫn tuyên truyền chống tảo hôn rằng, đó là vi phạm pháp luật, rằng có rất nhiều những hậu quả không tốt ảnh hưởng tới sức khỏe những bà mẹ “nhí”, những đứa trẻ, chất lượng dân số giảm sút, tuổi thọ thấp... Những hậu quả của vấn nạn tảo hôn được đưa ra đủ cả. Điều này không sai, nhưng phải chăng tất cả vùng đồng bào dân tộc, vùng thấp cũng như vùng cao đều truyền thông như nhau?
Thiết nghĩ, mỗi địa phương cần hẳn một chiến lược, một chương trình truyền thông riêng biệt được nghiên cứu dựa trên những nguyên nhân thực tế tại vùng đó. Bởi vì, nguyên nhân tảo hôn ở vùng thấp không giống vùng cao và tập tục của mỗi dân tộc là khác nhau. Nếu vùng thấp hay các thị xã, thành phố nguyên nhân tảo hôn thường là vấn nạn quan hệ tình dục trước hôn nhân. Vậy truyền thông ở đây là nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là trẻ vị thành niên về những hậu quả của việc sinh con ở tuổi này sẽ ảnh hưởng ra sao tới thể chất của mẹ và con. Hơn cả là cần truyền thông giới tính và tình dục an toàn.
Đó không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” mà để hạn chế mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến hệ quả tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên. Còn nhiệm vụ truyền thông ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì nặng nề hơn, bởi cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân, còn cần phải tìm hiểu phong tục, tập quán của từng vùng, từng dân tộc để có thể đưa ra những giải pháp truyền thông dựa trên sự phù hợp cải thiện tập tục. Chẳng hạn, tuyên truyền vận động những người làm thầy mo khi cúng khóc trong đám ma của đồng bào Mông ở Sùng Đô (Văn Chấn), những người có uy tín trong bản rằng, hãy cho con cháu lấy chồng, lấy vợ đủ tuổi, để người già nâng cao tuổi thọ, sống lâu với con cháu. Những lời này, nếu được cất lên trong lúc linh thiêng, chắc chắn cũng sẽ tác động đến hiệu quả truyền thông. Tuyên truyền vận động những ông mối, bà mối, thầy mo của bản làng không tham gia tổ chức tiết lễ trong lễ cưới của các cặp tảo hôn... Truyền thông tới những người có uy tín trong làng bản thì mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng dân tộc thiểu số cũng sẽ cao hơn.
Truyền thông là giải pháp tối ưu hiện nay, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Yên Bái. Song, tuyên truyền như thế nào thì mới là bài toán cần được sự vào cuộc của toàn thể xã hội, đặc biệt là các cấp chính quyền, sự nhiệt tình của cán bộ dân số, cộng tác viên dân số cơ sở. Hơn nữa, nội dung truyền thông ở từng vùng, từng địa phương, từng dân tộc, cần được xây dựng dựa trên những nghiên cứu về văn hóa tộc người, thiết chế làng bản, tâm lý... để tạo hiệu quả cao nhất.
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Với sự nỗ lực trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến người dân của toàn ngành dân số tỉnh Yên Bái, năm 2014, trên phạm vi toàn tỉnh, tỷ lệ thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại đạt 72,6%.
YBĐT - Thời gian qua, hoạt động thiết thực của các câu lạc bộ “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân” trên địa bàn thành phố Yên Bái đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cũng như chăm sóc sức khỏe để xây dựng gia đình hạnh phúc cho lứa tuổi thanh niên, vị thành niên, đồng thời giúp họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.
Tại hiện trường vụ sập giàn giáo thi công tòa nhà 17 tầng tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh), qua ghi nhận, ít nhất có 3 người chết và 4 người bị thương sau sự cố sáng nay 10-7.
YBĐT - Nhằm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, thảo luận một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm, ngày 10/7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 10 (mở rộng), nhiệm kỳ 2011 - 2016.