“Trường học - nông trại" - mô hình mới ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/1/2016 | 10:48:52 AM

YBĐT - Trồng rau, nuôi gà, lợn… không còn là việc làm xa lạ với nhiều trường học ở vùng cao Yên Bái. Mỗi ngày, thầy cô giáo, các em dành ra 30 phút đến 1 tiếng để chăm sóc vườn rau, gà, lợn… nhằm cải thiện bữa ăn, đã được duy trì từ lâu. Nhưng, để xây dựng một “nông trại” trong trường thì hoàn toàn khác.

Vườn rau xanh tốt do học sinh Trường PTDTBT Nậm Khắt tự trồng, chăm sóc.
Vườn rau xanh tốt do học sinh Trường PTDTBT Nậm Khắt tự trồng, chăm sóc.

Những ngày đầu gian khó

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Khắt là một trong ba trường ở trung tâm xã - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có 794 hộ, 4.995 khẩu, trong đó 60% là hộ nghèo, 99,98% dân số là người Mông, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp theo lối tự cấp tự túc.

Được tách ra từ Trường PTCS Nậm Khắt năm 2009, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt được chuyển sang mô hình PTDTBT từ năm 2014. Những ngày đầu chia tách, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ các khu lớp học là nhà tranh tre, khuôn viên chưa được hình thành… Các em nhà gần thì đem cặp lồng cơm chỉ có vài cọng măng ớt, ít rau luộc. Em nào nhà khá hơn thì có thêm gói mì tôm làm thức ăn "mặn".

Những em nhà xa, đi lại khó khăn, bố mẹ phải làm lán ở quanh trường nên có em mới 6 - 7 tuổi đã phải tự nấu ăn hàng ngày với thức ăn không có gì ngoài nước lã, muối trắng.

Khi chuyển đổi mô hình bán trú, thương học trò, tận dụng mảnh đất quanh trường, một số thầy cô đã hướng dẫn các em trồng rau, nuôi gà để cải thiện bữa ăn; tìm kiếm và gửi mua những con giống, hạt giống để các em chăn nuôi, gieo trồng. Tuy nhiên, vì chưa có kế hoạch, kinh nghiệm và triển khai chưa đồng bộ nên rau của các em lên không đều, thường bị gà bới hay vặt trụi khi các em lên lớp.

Tìm kiếm mô hình

Trong những ngày gian khó ấy, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thường xuyên giới thiệu các tổ chức xã hội, nhân đạo, từ thiện để hỗ trợ nhà trường cải tạo cơ sở vật chất, bữa ăn và trang thiết bị cho học sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp mang tính tình thế, chưa giải quyết triệt để tận gốc những khó khăn của nhà trường.

Trăn trở trước nơi ăn, ở của học sinh, Đảng ủy, chính quyền xã đã bàn bạc, cùng nhà trường vào cuộc để tìm kiếm những giải pháp khắc phục. Xác định diện tích rộng, địa hình bằng phẳng là một lợi thế để tăng gia cải thiện bữa ăn cho học sinh, sau khi tham khảo các mô hình trường học vùng cao tại tỉnh Lao Cai, cán bộ Phòng GĐ&ĐT huyện đã định hướng nhà trường phát triển theo mô hình “Trường học - nông trại”.

Đây là mô hình giáo dục phù hợp với một trường có quỹ đất rộng, bằng phẳng với diện tích trên 11.000 m2. Mô hình trường học này, hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm những công việc nhà nông, tích hợp kiến thức các bộ môn để ứng dụng vào thực tế đời sống nông nghiệp. Đồng thời, giúp các em được làm và biết làm những công việc thường nhật của mình trong gia đình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết: “Nông trại như một hình thức dạy gắn lý thuyết trên lớp với thực tế cuộc sống. Các em vừa được hướng dẫn những kỹ năng sống cần thiết khi trở về gia đình và sản phẩm làm ra sẽ cải thiện bữa ăn hàng ngày của chính các em; giúp các em hiểu và yêu quý công sức lao động của cha mẹ, ông bà. Đó chính là ý nghĩa thiết thực nhất của mô hình “Trường học - nông trại”.

Với quyết tâm thực hiện mô hình, Phòng GĐ&ĐT, lãnh đạo địa phương, giáo viên, phụ huynh, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học bắt tay vào cải tạo toàn bộ khu vực bán trú và hướng dẫn học sinh được trực tiếp nuôi gà, lợn, dê, nuôi chim bồ câu, trồng các loại rau thích ứng với thời tiết, khí hậu địa phương... Lãnh đạo Phòng GĐ&ĐT thường xuyên gửi cho nhà trường những con giống, hạt rau đầu tiên. Các thầy cô giáo trong trường cũng ủng hộ các em con  giống, hạt giống.

Bữa ăn của các em học sinh Trường PTDTBT Nậm Khắt được cải thiện rất nhiều nhờ mô hình “Trường học - nông trại”.

Hướng dẫn kỹ năng

Với 99,98% học sinh là người Mông, tập quán sinh hoạt, sản xuất rất tự do, nên các thầy cô không chỉ tổ chức cho học sinh sinh hoạt bán trú như trước mà còn hướng dẫn các em cách tiến hành công việc nhà nông một cách thuần thục nhất sau mỗi giờ học. Với các em học sinh nhỏ tuổi, nhà trường giao cho trồng rau. Các thầy cô hướng dẫn các em cách cuốc đất, làm cỏ, đánh luống; cách gieo và chăm sóc luống rau giống; cách trồng cấy các luống rau thành phẩm…

Thật vui, mỗi chiều, các em lại tíu tít cùng các thầy cô giáo tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ để các luống rau xanh tốt. Còn việc nuôi lợn, nuôi dê, nuôi gà, nuôi chim bồ câu… được giao cho từng phòng bán trú của học sinh lớn hơn. Ban đầu, do tập quán canh tác tự do, nên việc đưa các em học sinh vào một quy trình chăm sóc vườn rau, chuồng trại rất khó.

Tuy nhiên, sau mỗi giờ học, các học sinh được giáo viên môn Sinh học, môn Kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn kỹ năng chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm khá tỷ mỷ từ những công việc nhỏ như: trồng rau, khoai để lấy rau xanh nấu cám, cách thái rau, chặt chuối về cho lợn ăn, cách vệ sinh chuồng trại hằng ngày và không quên dạy các em tận dụng rau già, thức ăn thừa để nấu cám cho lợn. Những công việc này cứ mỗi ngày lại thêm hiệu quả hơn. Từ đó, các phòng bán trú thi đua nhau chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động.

Kết quả ngoài mong đợi

Mô hình “Trường học - nông trại” không chỉ mang lại hiệu quả cao trong giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng làm công việc nhà nông cho học sinh mà còn tạo hứng thú học tập và niềm vui sau mỗi giờ tan lớp. Cho nên, sau mỗi ngày tan lớp, thay cho những trò tinh nghịch, học sinh lại nhanh chóng ùa về phòng cất sách vở rồi ra nông trại. Các em rất hào hứng, quyết tâm với vườn rau, chuồng trại của mình, nên tíu tít theo chân thầy cô múc nước tưới rau và bắt sâu và chăm sóc gia súc, gia cầm.

Em Vàng Thị Sua, lớp 5 chia sẻ: “Chúng em rất thích những công việc nông trại nhà trường. Nhìn những chú gà, chú chim bồ câu xinh xắn lớn lên hằng ngày, chúng em rất vui với công việc của mình”.

Cô giáo Phạm Thị Lân - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi: “Mô hình “Trường học - nông trại” đã thu được những kết quả ngoài mong đợi. Sau 8 tháng triển khai, nhà trường đã thu hoạch được gần 2.000 kg rau củ các loại, cơ bản cung ứng đủ rau xanh cho gần 300 học sinh bán trú. Cuối năm học này, khi gà, lợn và những con chim bồ câu đã lớn, bữa ăn của các em còn được cải thiện hơn nữa, đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng. Điều quan trọng hơn cả là học sinh không chỉ học chữ mà còn được học, được áp dụng, thực hành ngay tại nông trại trường học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống và sau này sẽ thay đổi tập quán canh tác. Đời sống ổn định đã giúp cho hiện tượng học sinh bỏ học giảm hẳn”.

Sau 6 năm chia tách, đặc biệt, chỉ sau 1 năm chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt đã thực sự mang một diện mạo mới. Hiện nay, Trường có một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp mà bất cứ một ngôi trường miền núi nào cũng phải mơ ước.

100% phòng học tại điểm trường chính là phòng học kiên cố. Các phòng học tại điểm lẻ cũng đều là phòng kiên cố và bán kiên cố đảm bảo ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè, đủ ánh sáng để các em học tập. Các dãy nhà bán trú, thư viện, bếp ăn đều hết sức khang trang. Tháng 8/2015, nhà trường đã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đó được xem là những ghi nhận đầu tiên trước sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt nói chung và mô hình Trường học - nông trại” nói riêng. Vinh dự nữa là, Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Khắt đang trở thành địa chỉ học tập của nhiều ngôi trường bán trú ở vùng cao trong và ngoài tỉnh.

Trần Cảnh Huy (Sở Giáo dục và Đào tạo)

Các tin khác

Chính phủ yêu cầu không tăng biên chế năm 2016 là nội dung được nêu rõ tại Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Hội nghị sơ kết mô hình phòng chống tội phạm diễn ra hôm 6/1.

YBĐT - Năm 2015, thị xã Nghĩa Lộ có 79/100 tổ thôn bản không ma túy, có 70/100 tổ dân phố, thôn bản văn hóa chiếm 70%, công nhận 6.345 hộ gia đình văn hóa, đạt 82%.

Khoảng gần sáng ngày mai (11/1), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc Bắc Bộ.

Ông Huỳnh Hợp (cha của ngư dân Huỳnh Văn Thạch) nhận số tiền ủng hộ do các đoàn viên, thanh niên đóng góp.

Đoàn thanh niên Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam (9-1) mang chủ đề “Sinh viên với đất nước”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục