Những bài văn “mẫu”

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2016 | 3:20:13 PM

YBĐT - Điện vụt tắt. Mấy chị em trong phòng bỗng nhiên được nghỉ ngơi chính đáng. Chuyện vào, chuyện ra, mỗi người một chuyện, cuối cùng thì nói chuyện học hành của con.

- Thời buổi này, không cho con đi học thêm thì không theo nổi các mẹ ạ! Chị Lan Anh lên tiếng.

- Đúng quá chứ. Suốt ngày bố mẹ đi làm, tối về lại mang việc về làm thêm, chẳng có thời gian kèm cặp. Với lại bọn trẻ học khác mình khi xưa. Chị Hoà tham gia.

- Từ ngày em cho con đi học thêm, nó viết Văn hay hơn hẳn, có nhiều lúc đọc bài của con, em không nghĩ nó lại tình cảm và quan sát mình kỹ như thế! Chị Giang vui vẻ.

- Đúng đấy. Hôm trước chị đọc bài Văn của thằng Hoàng mà rơi nước mắt đấy, thằng bé hàng ngày lười biếng, nghênh ngang là thế, vậy mà tình cảm ra phết. Hôm cô giáo cho đề văn kể về mẹ, nó viết thế này: “Trong gia đình em, người mà em yêu quý nhất là mẹ, mẹ chăm lo từng bữa ăn giấc ngủ, nhiều đêm mất điện mẹ thức trắng để quạt cho em...” - chị Hoà kể.

- Sao viết giống bài của Vân Anh nhà em thế nhỉ! Chị Lan Anh thắc mắc  và minh chứng: Con em cũng viết thế này: “Ai cũng có một gia đình và người em yêu thương nhất là mẹ, hàng ngày mẹ dậy sớm nấu cơm, đưa em đi học, tối về mẹ dạy em học, nhiều đêm mất điện mẹ thức trắng đêm quạt cho em”.

- Ơ, bé Tâm nhà em cũng viết vậy, chị Giang nói lớn. Con nhà em cũng viết na ná thế: “Người yêu thương em nhất có lẽ là mẹ, mẹ chăm lo cho em từ bữa ăn, giấc ngủ, mẹ dạy em học bài, ngủ cùng em và quạt cho em ngủ những đêm mất điện...”.

- Thế kết thúc bài, con các mẹ viết thế nào? chị Hoà hỏi.

- “Em hứa sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mẹ đã nuôi dạy em thành người” - chị Lan Anh nhanh nhảu.

- Ôi, con chị cũng kết luận như vậy. Chị Giang hùa theo.

- Vậy là sao nhỉ, các con của chúng ta, học ở ba trường tiểu học, học thêm ở ba điểm khác nhau, sao bài văn lại giống nhau quá, chẳng lẽ các con đi học chép nhỉ?

Câu chuyện học hành cứ râm ran khi mà các bà mẹ trẻ vẫn tiếp tục chia sẻ về những bài văn “Kể về ngày đầu tiên đi học”, “Kể về kỷ niệm một lần về quê”... của bọn trẻ và họ nhận ra rằng các bài Văn thực sự có “vấn đề”.

Ngồi bàn bên cạnh, chị Vân không tham gia, nhưng câu chuyện về sự học của các mẹ làm chị giật mình khi nghĩ đến con gái của mình cũng đang học lớp 3. Tuần trước, bé cũng hỏi chị:

- Mẹ ơi, con không biết viết bài văn kể về một lần về quê mẹ ạ. Các bạn con ai cũng được về quê, còn con không có quê vì ông bà nội, ngoại đều ở gần nhà mình, nên con viết mãi mà không được mẹ ạ?

Khi ấy, chị cũng đã suy nghĩ vì cả ông bà nội, ngoại của con đều ở gần và cùng nằm trong thành phố.

Nhớ lại khi xưa, lúc bằng tuổi con bé, chị cũng đã gặp đề văn này, nhưng lúc đó chị viết không khó. Bởi hình ảnh ngày mùa ở quê đã đầy ắp trong tâm trí chị. Ngày đó, suốt 3 tháng hè, chị được bố mẹ gửi về quê. Tháng 6, trời nắng như đổ lửa vậy mà người lớn, trẻ nhỏ tất cả đều ra ngoài đồng. Người lớn gặt lúa rồi gồng gánh về nhà. Trẻ nhỏ thì đi mò cua, bắt cá. Khắp làng là một màu vàng của lúa, của nắng và đặc mùi khói rơm rạ, ao bùn, con đường làng thì luôn mát dịu bước chân trần...

- Mẹ! Con phải làm gì hả mẹ? Con sẽ viết về ngôi nhà của ông bà nội mẹ nhé! Đấy cũng được gọi là quê của riêng con mẹ nhỉ?

- Ừ, quê hương là cách gọi thôi. Con cứ viết bằng tình cảm của con về những gì con đã ở với ông bà khi mẹ đi công tác nhé! Chị gợi ý. Nhưng hôm sau, vừa gặp mẹ ở cổng trường con bé đã phụng phịu: “Mẹ ơi, cô giáo bảo bài văn của con không đạt. Bài văn phải tả cảnh đồng quê cơ. Cô bảo, không có quê thì bảo bố mẹ mua sách bài văn mẫu xem người ta viết thế nào mà mượn từ ở đó...

Bây giờ thì chị đã hiểu. Nghe câu chuyện của những đồng nghiệp nói, chị nhận thấy học văn bây giờ quả là sáo rỗng. Viết văn mà không có tình cảm, mượn ý, mượn từ trong sách mẫu rồi biến thành bài của mình là tai họa. Nếu quả đúng như vậy thà cứ để con bé “dốt” còn hơn, chứ viết mà không hiểu mình viết gì thì thật đáng lo ngại. Chị rất mong những ai có con đang học lớp 3 như con chị hãy quan tâm đến sự học “văn mẫu” của con mình.

Nguyễn Thanh

Các tin khác

YBĐT - Ngày 14/1, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã tổ chức trao 250 suất quà tết cho các hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng giấy khen cho 17 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và hoạt động chữ thập đỏ năm 2015.

YBĐT - Ngày 14/1, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chữ thập đỏ năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.

YBĐT - Hiện tại, 100% số xã trong khu vực khó khăn của huyện Văn Yên đạt chuẩn phổ cập giáo dục - chống mù chữ với tỷ lệ người biết chữ từ 15 - 25 tuổi đạt 97,2%; người biết chữ từ 26 - 35 tuổi đạt tỷ lệ 96,3%.

Lực lượng chức năng kiểm tra số pháo thu giữ.

YBĐT - Vào lúc 8h40 phút ngày 13/1/2016, tại Km150 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đội Quản lý thị trường số 4 huyện Văn Yên phối hợp với Đội Chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Yên Bái phát hiện và thu giữ 12 kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục