Tập trung triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2016 | 3:22:44 PM

YBĐT - Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự (BLDS) số 91/2015/QH13.

Ông Nguyễn Huy Cường (thứ 2 từ phải sang) trao đổi những điểm mới của BLDS với lãnh đạo các ngành, đoàn thể.
Ông Nguyễn Huy Cường (thứ 2 từ phải sang) trao đổi những điểm mới của BLDS với lãnh đạo các ngành, đoàn thể.

BLDS năm 2015 ra đời với nhiều đổi mới về nhận thức, tư duy pháp lý trong việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh quan hệ dân sự, xây dựng nền tảng pháp lý thống nhất, đồng bộ, ổn định cho hệ thống pháp lý dân sự Việt Nam; bảo vệ dân sự về nhân thân, tài sản của cá nhân, pháp nhân, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ hội nhập quốc tế. BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Cường - Giám đốc Sở Tư pháp về một số điểm mới của BLDS và việc triển khai thi hành Bộ luật trên địa bàn tỉnh.

P.V: Xin ông cho biết mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng BLDS năm 2015?

Ông Nguyễn Huy Cường: BLDS là một đạo luật có ý nghĩa to lớn không chỉ về mặt bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế - xã hội mà còn cả về mặt xây dựng pháp luật. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung bộ luật này đã được thực hiện trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ và tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế đã được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành để bảo đảm BLDS thực sự phát huy được các vai trò cơ bản là: tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của các cá nhân, pháp nhân, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của bên yếu thế, bên thiện chí trong quan hệ dân sự; hạn chế đến mức tối đa sự can thiệp của cơ quan công quyền vào việc xác lập, thay đổi, chấm dứt các quan hệ dân sự; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, bảo đảm sự thông thoáng, ổn định trong giao lưu dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các thiết chế dân chủ trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, xây dựng BLDS thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; có tính khái quát, tính dự báo và tính khả thi để một mặt bảo đảm tính ổn định của Bộ luật, mặt khác đáp ứng kịp thời sự phát triển thường xuyên, liên tục của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự.

Thứ tư, bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định còn phù hợp với thực tiễn của pháp luật dân sự cũng như các giá trị văn hóa, tập quán, truyền thống đạo đức tốt đẹp của Việt Nam; có sự tham khảo kinh nghiệm xây dựng BLDS của một số nước, nhất là các nước có truyền thống pháp luật tương đồng với Việt Nam.

P.V: Ông có thể nói rõ thêm về một số điểm mới cơ bản của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005?

Ông Nguyễn Huy Cường: BLDS năm 2015 gồm 6 phần, 27 chương với với 689 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017, có rất nhiều điểm mới so với BLDS năm 2005. Một số điểm mới của BLDS năm 2015 là: xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền dân sự, BLDS năm 2015 bổ sung các nguyên tắc chung về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự.

Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và không được vượt quá giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định tại bộ luật này. Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự để gây thiệt hại cho người khác; vi phạm các nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của mình theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan; hạn chế cạnh tranh hoặc để thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong những trường hợp luật định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại tòa án. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết.

Quyền nhân thân của cá nhân đã được cụ thể hóa đầy đủ nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự được quy định trong Hiến pháp và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng pháp luật, vấn đề xác định lại giới tính đã được ghi nhận. Khi ghi nhận quy định này, BLDS năm 2015 đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận công dân trong xã hội mà không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc và phù hợp với thông lệ quốc tế chung.

Quy định về tài sản và quyền sở hữu bảo đảm tính bao quát, minh bạch, công khai, huy động và phát huy được hết các nguồn lực vật chất trong xã hội. BLDS năm 2015 đã bổ sung quy định về tài sản bao gồm bất động sản và động sản; tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. So với quy định trong BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác. Ngoài ra, BLDS năm 2015 cũng quy định trường hợp xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản khi chưa được chuyển giao thuộc về bên có tài sản.

BLDS năm 2015 hướng tới sự ổn định các giao lưu dân sự. BLDS năm 2015 vẫn ghi nhận hình thức là một điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo tinh thần của BLDS năm 2005. Tuy nhiên, khi các bên giao dịch đã đáp ứng những điều kiện nhất định do luật dự liệu (một bên hoặc các bên đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch) thì giao dịch dù có vi phạm về hình thức vẫn được tòa án công nhận hiệu lực pháp lý, làm cơ sở để phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Quy định này là một sự thay đổi linh hoạt về tiêu chí đánh giá hiệu lực pháp lý giao dịch dân sự so với BLDS năm 2005.

BLDS năm 2015 đã giải thoát điều kiện tuân thủ về hình thức trong mọi trường hợp của BLDS năm 2005 để bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch có ý chí tự nguyện thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trong giao dịch. Đây là một giải pháp nhằm hạn chế cơ hội việc một bên không tự nguyện tham gia giao dịch, lại viện dẫn lý do vi phạm về hình thức của giao dịch để hủy toàn bộ giao dịch khi giá trị của đối tượng hợp đồng biến động có lợi hơn cho bên không thiện chí tham gia.

P.V: Với trách nhiệm của cơ quan chuyên môn tham mưu với UBND tỉnh trong triển khai thi hành Bộ luật, ngành tư pháp đã có kế hoạch gì để triển khai thi hành BLDS có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, thưa ông? 

Ông Nguyễn Huy Cường: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 15/3/2016 triển khai thi hành BLDS trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở các kế hoạch của tỉnh, đặc biệt sau hội nghị trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đưa những quy định của Bộ luật áp dụng vào thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ như: tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu; chủ trì và phối hợp với Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan để triển khai công tác tập huấn trên địa bàn tỉnh trong quý III/2016. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao các cơ quan chuyên môn của UBND và các cơ quan, tổ chức liên quan khác tùy thuộc tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan của tỉnh và Trung ương có thể tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Thời gian thực hiện trong quý III và quý IV/2016. Để việc tuyên truyền, phổ biến BLDS một cách có hiệu quả, ngành tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 29/1/2016 về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2016 và Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 31/5/2016 về tuyên truyền các văn bản luật, pháp luật được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Trong đó, xác định BLDS là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, vì vậy công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, phù hợp và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để đưa những quy định của BLDS thực sự đi vào cuộc sống.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Các tin khác
Cơ sở vật chất ở Trường Mầm non Sơn Thịnh (Văn Chấn) được đầu tư tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

YBĐT - Toàn huyện Văn Chấn hiện có 90 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS với 153 điểm lẻ,

Điểm

YBĐT - Thực hiện chỉ đạo của các cấp Hội - Đoàn cấp trên, từ hôm nay 30/6, Thành đoàn Yên Bái đã huy động trên 100 đoàn viên thanh niên, thanh niên tình nguyện tham gia vào chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2016.

Đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái phát biểu tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 30/6, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 – CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai kế hoạch của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 05 – CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thí sinh làm thủ tục dự thi buổi sáng ngày 30/6.

Trao đổi với báo chí ngày 30/6, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Huy Bằng cho biết, cả nước có 134 đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia 2016. Trong đó, 120 đoàn thanh tra ở cụm thi và 14 đoàn thanh tra lưu động của Bộ GD&ĐT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục