Minh Chuẩn mong muốn được xây dựng nhà văn hóa mới, đúng quy chuẩn

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2016 | 9:48:46 AM

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên có 4 nhà văn hóa ở các thôn: 1, 5, 6 và 9 được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp nghiêm trọng, diện tích nhỏ hẹp, chật chội không thuận lợi cho sinh hoạt, hội họp của nhân dân trên địa bàn.

Nhà văn hóa thôn 6, xã Minh Chuẩn (Lục Yên) xuống cấp, chật chội không bảo đảm điều kiện cho sinh hoạt, hội họp của nhân dân.
Nhà văn hóa thôn 6, xã Minh Chuẩn (Lục Yên) xuống cấp, chật chội không bảo đảm điều kiện cho sinh hoạt, hội họp của nhân dân.

Chúng tôi đến xã vùng cao Minh Chuẩn vào sáng sớm, nhưng cũng không tránh được cái nắng gay gắt của ngày hè tháng 6. Đến khu vực Nhà văn hóa thôn 5, chúng tôi dừng chân tránh nắng. Hôm ấy, thôn 5 có tổ chức họp dân, mọi người đều có ý thức đến dự họp đông đủ với trên 100 người.

Theo quan sát của chúng tôi, nhà văn hóa - nơi người dân đang tiến hành sinh hoạt chỉ rộng có chừng 30 m2, mọi người phải ngồi sát lại với nhau, trên mái lợp phibrô xi măng có những chỗ đã vỡ to bằng nắm đấm, khiến cho cái nắng xuyên thẳng xuống đầu người ngồi. Chiều cao của mái cũng rất khiêm tốn so với những mẫu nhà văn hóa mới được xây dựng gần đây. Tường nhà văn hóa theo thời gian đã bong tróc, cũ kĩ, Hơn 100 người, ai cũng vã mồ hôi như tắm mặc dù trên tay cầm thêm những chiếc quạt cọ phe phẩy. Cuộc họp chẳng nghe rõ nội dung chính mà chỉ thấy tiếng xì xầm kêu nóng, người thì cố gắng ngồi, người thì ra ngoài để dễ thở hơn.

Ông Lộc Quang Tài - Trưởng thôn 5 cho biết: “Nhiều lúc, nắng nóng quá chúng tôi phải mượn nhờ nhà người dân nào rộng rãi, thoáng mát để tiến hành họp dân, còn trẻ con ở đây thì không có sân chơi nào cả”.

Biết chẳng thể tránh nóng, tránh nắng ở đây, chúng tôi tiếp tục lên xe đi nhanh về phía thôn 6. Thật chẳng may vì nhà văn hóa này cũng chẳng khác gì so với Nhà văn hóa thôn 5, diện tích chật hẹp, thấp, mái lợp phibrô xi măng, nền, tường nhà đã vỡ lỗ chỗ. Không có cuộc họp như ở thôn 5, thế nhưng không khí ở trong nhà văn hóa cũng rất nóng nực cộng thêm mùi ẩm mốc, cũ kĩ của thời gian.

Đang chuẩn bị đi tiếp thì chúng tôi gặp anh Nguyễn Đức Gìn - Trưởng thôn 5, anh Gìn nói: “Vào mùa hè nắng nóng như thế này mỗi khi họp dân khổ lắm, thường phải họp vào tối muộn nhưng cũng chẳng khá hơn vì còn thiếu thốn nhiều thứ như quạt, tăng âm, loa đài. Nhiều người đến một lúc nóng quá không chịu được lại bỏ về đấy”.

Chúng tôi mang câu chuyện trao đổi với ông Nguyễn Bá Duy - Chủ tịch UBND xã Minh Chuẩn. Ông Duy cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã còn 4 nhà văn hóa được xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nếu theo tiêu chuẩn của thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì không đạt cả về diện tích, quy cách đến các trang thiết bị, khánh tiết ở hội trường. UBND xã đã tính toán đến việc tu sửa, nâng cấp nhưng đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào nông nghiệp, còn rất nhiều thiếu thốn, khó khăn; trong khi đó, kinh phí cho việc tu sửa, nâng cấp mỗi nhà văn hóa dự kiến cũng trên trăm triệu đồng”.

Gần trưa, cái nắng ở xã vùng cao lúc này cũng trở nên gay gắt hơn nhưng chúng tôi vẫn quyết định quay lại gặp những người dân ở các thôn có nhà văn hóa đã xuống cấp này để tìm hiểu rõ hơn những suy nghĩ, trăn trở của họ. Hầu hết mọi người khi được hỏi về những khó khăn, trở ngại của các nhà văn hóa trên địa bàn, ai cũng cởi mở tiếp chuyện chúng tôi.

Có lẽ mong muốn có được một ngôi nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, sạch đẹp để người lớn có chỗ hội họp, sinh hoạt cũng như con trẻ có chỗ vui chơi an toàn đã là mong ước lâu nay của những người dân nơi đây. Vì thế, mặc dù đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn nhưng họ sẽ sẵn sàng đóng góp một phần vật chất và công lao động cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa sao cho đúng với chuẩn nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Nhị - thôn 5, xã Minh Chuẩn chia sẻ: “Nếu Nhà nước hỗ trợ chúng tôi làm nhà văn hóa mới thì chúng tôi cũng sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của để tiến hành làm, chứ như bây giờ thì lấy đâu ra chỗ sinh hoạt, hội họp”. Còn bà Nguyễn Thị Mị cũng ở thôn 5 thì cho biết thêm: “Việc đóng góp để xây dựng nhà văn hóa là cho con, cho cháu chúng tôi rất sẵn sàng. Nhưng dân còn nghèo quá, chỉ mong muốn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước thì mới thành công”.

Người dân trên địa bàn xã Minh Chuẩn đang rất mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước từng bước xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa thôn, để nhân dân có thể sinh hoạt, hội họp một cách thuận tiện, đạt hiệu quả và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh.

Duy Khánh - Hoàng Hữu

Các tin khác
Thị xã Nghĩa Lộ diễn tập phòng chống sạt lở đất tại thôn Đêu 2, xã Nghĩa An.

YBĐT - Theo kết quả rà soát những hộ dân hiện đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn của thị xã Nghĩa Lộ, tổng số có 152 hộ nằm trong vùng có nguy cơ.

Ngày 5-7, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, những ngày qua, khu vực Đông bắc Bắc Bộ đã có mưa, riêng các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh đã có mưa to đến rất to.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có gần 92 triệu người. Năm 2015, Viêt mật độ dân số tại Việt Nam là 274 người/km2, gấp 5,2 lần mật độ dân số của thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.

Các cấp Hội phấn đấu đến năm 2020 100% tỉnh, thành Hội phát động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Nghị quyết số 27- NQ/HNDTW về tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân nói không với thực phẩm bẩn và sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp bảo đảm an toàn...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục