Triển khai Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2016 | 3:56:44 PM
YênBái - YBĐT - Sáng 22/7, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Quang cảnh hội nghị.
|
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Báo cáo trong nội dung Đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cho biết, toàn ngành hiện có 530 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, với quy mô 6.134 nhóm, lớp, 173.038 cháu mầm non, học sinh. Hiện có 47 trường phổ thông dân tộc bán trú và 53 trường có học sinh bán trú với tổng số 14.681 học sinh.
Đến thời điểm hiện tại, Yên Bái có tổng số 6.190 phòng học mầm non, phổ thông, tỷ lệ kiên cố đạt 69%, bán kiên cố 20%, phòng học tạm 11%; cơ bản đủ chỗ ngồi cho học sinh học 1 - 2 buổi/ngày, không có cơ sở nào phải học 3 ca.
Chỉ tiêu biên chế sự nghiệp, hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao là 13.329 người. Tổng lao động có mặt đến thời điểm xây dựng Đề án là 12.766 người. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng được việc giảng dạy so với quy mô hiện có.
Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu: đến năm 2020, Yên Bái có mạng lưới giáo dục ổn định, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh, chú trọng phát triển giáo dục vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; huy động 99% trẻ 5 tuổi ra lớp; trẻ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 95%; số học sinh hoàn thành khóa học cấp THCS đạt 94,5%, cấp THPT đạt 93%...
Theo Đề án, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn; đầu tư đảm bảo đủ phòng học, các phòng chức năng cần thiết, trang thiết bị dạy và học, đặc biệt là chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và giáo viên.
Tỉnh sẽ sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Việc thực hiện sắp xếp, điều chỉnh quy mô mạng lưới trường, lớp phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, việc sáp nhập, xóa điểm lẻ và sáp nhập, tách trường, thành lập trường mới, thực hiện đến năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh có 379 trường, 161 điểm trường; 6.021 nhóm, lớp; 192.564 cháu, học sinh; so với từ năm học 2016 - 2017 giảm 151 trường, giảm 604 điểm trường, giảm 113 lớp, tăng 19.526 học sinh, tăng 12.990 học sinh bán trú.
Về sắp xếp đội ngũ, sau khi sắp xếp lại quy mô trường lớp, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên dôi dư là 753 người, trong đó cán bộ quản lý 151 người, giáo viên 275 người, nhân viên 327 người.
Phương án bố trí, sắp xếp đối với cán bộ quản lý: sẽ miễn nhiệm làm giáo viên, điều động sang cán bộ quản lý cấp học khác; đối với giáo viên: sẽ điều động giữa các bậc học với giáo viên nhạc, họa, tiếng Anh, thể dục, cho đi đào tạo lại, bố trí kiêm nhiệm nhân viên; đối với nhân viên điều chuyển, cho đào tạo lại giáo viên mầm non, bố trí làm nhân viên khác...
Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp: đối với cán bộ quản lý sẽ bảo lưu phụ cấp chức vụ với cán bộ quản lý điều động, bổ nhiệm có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng, hoặc miễn nhiệm làm giáo viên thì bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo đúng quy định.
Đối với giáo viên, nhân viên dôi dư bố trí kiêm nhiệm nhân viên khác được giữ nguyên ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp hiện hưởng; giáo viên dôi dư bố trí tăng cường có thời hạn cho cấp học mầm non, trong thời gian tăng cường giáo viên được giữ nguyên biên chế, ngạch, bậc, chức danh nghề nghiệp và việc đánh giá phân loại viên chức, thực hiện các chế độ, chính sách tại đơn vị cũ; giáo viên, nhân viên được bố trí đi đào tạo lại để chuyển làm giáo viên mầm non được hưởng nguyên lương, các chế độ phụ cấp theo quy định trong quá trình đào tạo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng giải quyết hướng đi lớn cho giáo dục tỉnh nhà. Trong những năm qua, giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp đang phân tán, nhỏ lẻ, không còn phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Do đó, tỉnh triển khai thực hiện Đề án rà soát, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh nhằm đổi mới toàn diện, đồng bộ giáo dục như chỉ đạo của Trung ương.
Tỉnh Yên Bái coi đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân chứ không phải của riêng ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Đồng chí chỉ đạo, để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch của Đề án, tỉnh sẽ triển khai sắp xếp lại mạng lưới trường lớp tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, năm học 2016 - 2017 tỉnh sẽ tập trung triển khai thí điểm sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng tại các địa phương còn lại trong những năm tiếp theo.
Với 15 trường học sẽ sáp nhập trong năm học 2016-2017, hoàn thành sáp nhập trước ngày 20/8/2016. Việc triển khai thực hiện Đề án phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng quy trình, công khai, dân chủ, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế cụ thể của từng đơn vị, địa phương đảm bảo ổn định sau sắp xếp.
Đối với giáo viên dôi dư, phải sắp xếp công khai, dân chủ, công bằng, vô tư, hướng tới mục tiêu đảm bảo yêu cầu dân chủ cao nhất, trách nhiệm tập thể rõ nhất.
Đồng chí nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các trường học đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trước hết là sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành. Đây là nhiệm vụ, là trách nhiệm và đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị, cùng đông đảo nhân dân; tự nguyện chung tay, quyết tâm cao để phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo tỉnh nhà, vì tương lai con em chúng ta; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tinh gọn, đủ số lượng, mạnh chất lượng, cơ cấu, tâm huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Thu Hiền
Các tin khác
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 18/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học”.
Để không xảy ra các nhầm lẫn đáng tiếc do không nắm vững quy định của trường, thí sinh cần đọc kỹ thông tin tuyển sinh của các trường để nắm quy định, phương thức xét tuyển cụ thể của từng trường trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
YBĐT -Các cơ sở sản xuất công nghiệp của huyện Văn Yên chủ yếu ở lĩnh vực chế biến tinh bột sắn, giấy đế, tinh dầu quế… với lượng chất xả thải lớn luôn có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân.
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội tỉnh đã tiếp nhận 92 người nghiện mới, tăng 70 người so với cùng kỳ năm 2015, nâng tổng số người đang điều trị tại Trung tâm lên 151 người.