“Tay vịn” cho người nhiễm “H” ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2016 | 8:24:33 AM

YBĐT - Hiện nay, tại Yên Bái, khoảng 95% thuốc kháng virus (ARV) điều trị cho người nhiễm HIV là do Quỹ Toàn cầu tài trợ. Tuy nhiên, thời gian tới, nguồn lực này sẽ bị cắt giảm.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS.

Trước thực trạng đó, bảo hiểm y tế (BHYT) được xác định sẽ là nguồn bảo đảm cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận thuốc ARV một cách bền vững, giúp người bị nhiễm HIV giảm bớt chi phí trong điều trị.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện có 4.011 người nhiễm HIV/AIDS còn sống; trong đó, 1.390 người đang điều trị bằng thuốc kháng ARV. Ngoài tác dụng giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV còn là một biện pháp dự phòng hiệu quả, giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Bác sĩ Đỗ Thanh Hiệu - cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Dự kiến, đến năm 2017, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS sẽ bị cắt giảm”.

Khi các dự án kết thúc, bệnh nhân nhiễm HIV ở Yên Bái sẽ không còn được miễn phí thuốc và các dịch vụ y tế khác. Thiếu đi chỗ dựa này, việc điều trị, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ gặp rất nhiều khó khăn và kéo theo những hệ quả xã hội khôn lường.

Thông tư số 15/2015/TT-BYT của Bộ Y tế về người nhiễm HIV có BHYT khi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả thuốc và các dịch vụ liên quan đã mở ra hướng mới trong điều trị HIV/AIDS.

Do vậy, ngoài các quyền lợi chung, người nhiễm HIV tham gia BHYT khi sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được chi trả, bao gồm: thuốc ARV, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT; xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.

Người nhiễm HIV tham gia BHYT cũng sẽ được chi trả xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn); chi trả xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả) và được chi trả điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Vì vậy, BHYT là giải pháp tài chính bền vững để điều trị lâu dài cho người nhiễm HIV/AIDS. Qua đó, việc tư vấn, khuyến khích người nhiễm HIV tham gia mua BHYT hàng năm là việc làm cần nhất lúc này.

Là một trong những cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS hoạt động mạnh, Nhóm Hoa Hướng dương Trấn Yên đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt để phổ biến lợi ích khi tham gia BHYT và hỗ trợ thành viên tham gia BHYT. Chị N.T.L - Trưởng nhóm Hoa Hướng dương Trấn Yên chia sẻ: “Được tham gia một số hội thảo tư vấn về việc sử dụng thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, tôi hiểu rõ những lợi ích BHYT đem lại. Nhất là trong thời gian tới nguồn viện trợ cắt giảm, không được cấp phát ARV miễn phí nữa thì BHYT sẽ càng có tầm quan trọng hơn. Chính vì vậy, Nhóm đặt mục tiêu phấn đấu 100% chị em sẽ tham gia BHYT”.

Tuy nhiên, lâu nay, một số bệnh nhân nhiễm HIV không quan tâm đến thẻ BHYT bởi họ được cấp thuốc miễn phí, một số khác vẫn có tâm lý dè dặt, e ngại khi tham gia BHYT vì sợ bị công khai danh tính. Bên cạnh đó, quy định phải mua BHYT tự nguyện theo hộ gia đình cũng gây khó cho bệnh nhân nhiễm HIV vốn đã rất nghèo, không có sinh kế ổn định, bền vững.

Mặt khác, một số người lo lắng rằng, khi có thẻ BHYT thì phải bắt buộc khám, chữa bệnh, xét nghiệm đúng tuyến gây ra nhiều khó khăn cho người nhiễm HIV bởi cả tỉnh hiện chỉ có khoảng 10 phòng khám ngoại chuyên khám, điều trị, phát thuốc ARV...

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến tháng 12/2015, trong số 1.390 bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý tại các phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh thì có 759 bệnh nhân có thẻ BHYT, chiếm 54%. Tỷ lệ này còn thấp so dự kiến.

Vì vậy, Trung tâm xác định nhiệm vụ trước mắt là thực hiện tốt việc rà soát số lượng người nhiễm HIV/AIDS chưa được cấp thẻ BHYT; tăng cường công tác truyền thông để người nhiễm HIV/AIDS nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong khám và điều trị bệnh; giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với những người nhiễm HIV/AIDS để người nhiễm HIV/AIDS không sợ bộc lộ danh tính đăng ký tham gia BHYT để hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có tại tỉnh.

 Thu Hiền

Các tin khác
Nước sạch về bản. Ảnh minh họa

YBĐT - Vừa qua, tại UBND nhân dân xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm Phát triển bền vững miền núi đã tổ chức Hội thảo Phụ nữ dân tộc thiểu số trong bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Thực hiện các xét nghiệm sinh học phân tử phục vụ phòng chống dịch tại Trung tâm. Ảnh minh họa

YBĐT - Trung tâm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái có 14 khoa, phòng chuyên môn và 2 đơn vị trực thuộc là cơ sở điều trị Methadone và cơ sở điều trị phong.

Ảnh minh họa.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết từ ngày 13-18/8, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh trên khu vực Bắc Bộ nên có khả năng cao xuất hiện áp thấp nhiệt đới ngay trên Vịnh Bắc Bộ gây gió mạnh, gió giật mạnh cấp 8-10 và mưa lớn diện rộng cho toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Đặc biệt là vùng ven biển với lượng mưa từ 200 - 400mm, có nơi trên 500mm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội giành được vị trí số 1 Việt Nam trong bảng xếp hạng SCImago vừa công bố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục