Trạm Tấu: Tất cả vì học sinh thân yêu

  • Cập nhật: Thứ hai, 5/9/2016 | 8:35:03 AM

YBĐT - Tháng 8, phía sau những cơn mưa như trút nước của hoàn lưu bão là sự tận tâm của các thầy cô giáo vùng cao trước thềm năm học mới. Bận rộn tu sửa cơ sở vật chất, đưa học sinh vào nề nếp, nấu ăn cho học trò, vận động học sinh ra lớp nhưng trên môi luôn thường trực nụ cười như tỏa nắng. Họ đang thắp sáng phẩm chất nhà giáo tất cả vì học sinh thân yêu trên non cao Trạm Tấu.

Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu khắc phục sạt lở đất, thông đường trước ngày khai giảng năm học mới.
Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu khắc phục sạt lở đất, thông đường trước ngày khai giảng năm học mới.

Sau cơn bão số 3, xã Pá Hu huyện Trạm Tấu bị thiệt hại nặng nề, toàn xã có 48 điểm sạt lở trên các tuyến đường về 5 thôn bản. Năm học mới đã bắt đầu, đây là năm đầu tiên huyện thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học, tất cả học sinh tiểu học ở 5 thôn bản lẻ về học bán trú tại Km16. Để đảm bảo mọi điều kiện cho năm học mới, đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ chuyên cần đầu năm, Đảng ủy xã ngoài việc chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp còn huy động lực lượng san gạt đất, đảm bảo lưu thông được bằng xe máy.

Đặc biệt đường từ thôn Pá Hu, Háng Gàng xuống trường học xảy ra 45 điểm sạt lở  với khối lượng khoảng 700m3) đất, đá. Để học sinh ở 3 thôn Háng Gàng, Pá Hu, Tà Tàu có thể ra lớp, ngay sau bão, Đảng ủy xã đã huy động lực lượng dân quân tự vệ và đồng bào thôn Km16, thôn Pá Hu cùng cán bộ công chức xã, các thầy, cô giáo san gạt đất đá khắc phục tạm thời, đảm bảo cho phụ huynh học sinh đưa con em ra lớp học.

Đồng chí Đỗ Chí Công - Bí thư Đảng bộ xã Pá Hu cho biết: "Để đảm bảo cho năm học mới theo đúng kế hoạch, xã tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là thông đường giao thông ở các thôn bản cho học sinh ra lớp an toàn về tính mạng. Sau đó hỗ trợ 1.000.000 đồng đối với hộ bị thiệt hại nặng, 500.000 đồng đối với hộ thiệt hại nhẹ để các gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm cho con em ra lớp. Đến thời điểm này, tỷ lệ huy động học sinh xuống học bán trú ở Pá Hu đã đạt trên 90%".

Năm học 2016 - 2017, xã Pá Hu xóa toàn bộ 5 điểm trường lẻ, vì vậy các em học sinh tại 5 thôn bản sẽ về trường ở từ thứ 2 đến thứ 6. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đến thời điểm này Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) xã Pá Hu huy động được 433/471 học sinh ra lớp, trong đó có 419 em học sinh bán trú tăng 152 em so với năm học trước (100% học sinh ở tại trường), bậc học mầm non huy động được 189/207 học sinh, bằng 91,3%.

Đồng chí Nguyễn Thế Hợp - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Pá Hu cho biết: "Đến thời điểm này nhà trường đã bố trí đủ chỗ ăn, ở cho học sinh, đảm bảo 100% ở trong trường, không phải ở nhờ nhà dân. Nhà trường đã xây dựng quy chế hoạt động chuyên môn, bán trú rõ ràng, phân công cụ thể cho giáo viên, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm học mới".

Cũng như Pá Hu, ở xã Xà Hồ, các thầy, cô giáo cũng đang nỗ lực khắc phục khó khăn chuẩn bị cho năm học mới 2016 - 2017. Năm nay là năm đầu tiên huyện Trạm Tấu thực hiện sáp nhập các điểm trường tiểu học lẻ trên thôn bản về với cơ sở chính, vì vậy các thầy cô thôi không còn nghiệp "cắm bản", niềm vui nỗi buồn lẫn lộn.

Thầy giáo Đỗ Mạnh Hồng - Giáo viên Trường PTDTBT TH&THCS xã Xà Hồ, người đã có 15 năm dạy học trên các bản làng của xã Xà Hồ tâm sự: "Sáp nhập trường lớp ghép mang cho chúng tôi niềm vui lớn. Vui vì từ nay có thêm nhiều thời gian dành cho gia đình, không phải kì cụi trèo núi những ngày mưa, không còn những đêm dài cô đơn trên bản vắng nhưng cũng chạnh lòng khi phải xa dân bản. 15 năm sống với dân, kỷ niệm vui buồn nhiều lắm! Khi còn trẻ, mất bao đêm thức trắng vì bọ chó đốt, vì nhớ vợ con, có lúc cảm thấy như bất lực trước trình độ của học trò mà tự đấm tay vào cột chảy cả máu không thấy đau. Ở lâu rồi quen, quý mến cái chất phác thật thà của người dân, đồng cảm với cái nghèo, mỗi điểm trường là kỷ niệm không bao giờ quên trong đời làm nghề".

Con đường về thôn Cu Vai xã Xà Hồ sau cơn mưa lầy lội đất đỏ, các thầy vừa đi vừa dắt, vừa đẩy xe cho nhau. Trầy trật mãi cũng đến được thôn. Trưởng thôn Mùa A Đua không giấu nổi nỗi buồn, anh trầm ngâm: "Các thầy giáo về rồi thì vẫn phải nhớ dân bản, thỉnh thoảng rỗi thì lên đây chơi nhé. Sau hôm các thầy lên đây họp triển khai tinh thần sáp nhập, bảo đảm chế độ học bán trú cho học sinh thì phụ huynh cũng nhất trí rồi, các cháu sẽ xuống trường đầy đủ thôi. Tôi thương các thầy thêm việc, chúng nó xuống đông lại mất ngày, mất đêm mà quản, bọn trẻ này nghịch lắm!".

Năm học 2016 - 2017 xã Xà Hồ xóa toàn bộ 9 điểm trường lẻ, duy trì 2 điểm trường chính, 1 ở thôn Đầu Cầu, 1 ở thôn Tà Ghênh với 28 lớp bậc tiểu học và THCS với 865 học sinh. Sau bão số 3 các tuyến đường giao thông cơ bản khắc phục đi lại được bằng xe máy, học sinh đã xuống trường đạt khoảng 80%.

Cô giáo Bùi Thị Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS xã Xà Hồ cho biết: "Học sinh vùng cao, đặc biệt trên các thôn bản vẫn như những "con nai vàng" ngây ngô, về phố huyện giao thông phức tạp, nhiều những cám dỗ mới nên thầy cô giáo phải dành thời gian, tâm sức để đưa các em vào khuôn khổ. Tôi biết khó khăn đấy nhưng chắc chắn sẽ làm được vì với nghề giáo, mục tiêu theo họ suốt cuộc đời là "Tất cả vì học sinh thân yêu".

Theo Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học, đến năm 2020 huyện Trạm Tấu sẽ giảm 3 trường, 79 điểm trường, dự báo giảm 22 lớp và tăng 1.144 học sinh. Riêng năm học 2016 - 2017 giảm từ 79 điểm trường lẻ xuống còn 33 điểm (trong đó bậc học mầm non còn 30 điểm, tiểu học còn 3 điểm), có 3.112 học sinh ở bán trú tăng 1.120 học sinh, đối với giáo viên sẽ sắp xếp 52 cán bộ quản lý giáo viên, bố trí công việc hợp lý và luân chuyển về các điểm trường.

Để đảm bảo cơ sở vật chất, huyện Trạm Tấu được đầu tư xây dựng 21 phòng học, 28 phòng ở cho học sinh, 10 công trình nước sạch, 16 công trình vệ sinh. Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ năm học mới, nhất là cơ sở vật chất tại các điểm trường có học sinh chuyển về từ các điểm lẻ, huyện đã chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các đơn vị trường tu sửa vật chất trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ phòng học để huy động học sinh về học ngay từ đầu năm, thực hiện di dời và lắp ghép 14/16 phòng học tạm, tổ chức tiếp nhận 300/605 chiếc giường tầng cho học sinh bán trú.

Bà Lê Thị Huệ - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: "Bằng sự nỗ lực của các thầy cô giáo trong tu sửa cơ sở vật chất, chuyển từ điểm lẻ về các điểm chính, vận động học sinh ra lớp đến thời điểm này ngành giáo dục huyện Trạm Tấu đã sẵn sàng vào năm học mới 2016 - 2017 với quyết tâm cao nhất sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học".

Phương Thùy (Đài TT - TH Trạm Tấu)

Các tin khác
Rước ảnh Bác trong ngày khai giảng ở Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái). (Ảnh: Tư liệu)

YBĐT - Ngày khai giảng luôn gắn liền với sự háo hức, mong chờ của học sinh và luôn để lại những cảm xúc bồi hồi trong lòng các cô cậu học trò. Đặc biệt, từ khi lễ khai giảng hàng năm được tổ chức đồng loạt theo hướng ngắn gọn vui tươi, giảm phần lễ tăng phần hội. Ngày khai giảng không chỉ được học sinh mà cả phụ huynh trên địa bàn tỉnh rất mong chờ.

Học sinh hân hoan trong ngày khai giảng

Năm học mới bắt đầu, nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng về tình trạng lạm thu, là việc dạy thêm học thêm tràn lan…

Đông đảo người dân cả nước về thủ đô vào Lăng viếng Bác ngày Quốc khánh.

Sáng 2/9, trong niềm vui mừng ngày Tết Độc lập, hàng nghìn người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc xếp hàng dài vào Lăng viếng Bác.

Nhân dân xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

YBĐT - Năm nào cũng vậy, cứ đến Quốc khánh 2/9 là đồng bào các dân tộc xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) không phân biệt giàu nghèo lại cùng hân hoan đón tết Độc lập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục