Sự lựa chọn của con cái

  • Cập nhật: Thứ ba, 13/9/2016 | 12:17:31 PM

YBĐT - Hai năm trước, chị hàng xóm nhà tôi mang theo bộ mặt rất thảm thông báo với tôi một chuyện: cậu con trai chị đã chính thức bỏ học đại học để đi học nghề làm tóc. Chị buồn, rất buồn, rất chán nản. Chị bảo rằng đó thực sự là vấn đề lớn của gia đình khi anh chị không tiếc công sức đầu tư cho con học hành, thi cử và đỗ đạt.

Tôi nhớ, trước thời điểm thằng bé bỏ học vài tháng, đã từng nghe chị than thở về ý định bỏ đại học của nó. Hai vợ chồng chị khi ấy bằng động viên, khuyên nhủ, bằng quyền thế của cha mẹ, đã buộc con trai từ bỏ ý định ấy. Nhưng rồi cậu ta đã kiên quyết hành động theo sự lựa chọn của mình. Chị giãi bày tâm sự, rồi than thở: "Sao nó lại dại dột thế. Sao nó không học lấy cái bằng rồi làm gì thì làm. Chả hiểu nó nghĩ gì. Cứ phải xong đại học đã chứ". Và chị cứ mang tâm trạng thế, như thể mọi thứ kết thúc khi con trai làm vậy. Đứa con trai đã hành động sai lầm, rất sai lầm - chị cũng kiên quyết nghĩ thế.

Tôi nhớ chuyện lần đi mua sắm, vào một cửa hàng thời trang. Cửa hàng đó mới mở, tôi vào lần đầu và thực sự bị ấn tượng bởi cách thiết kế của nó: độc và đẹp. Câu chuyện qua lại với cô chủ shop, hóa ra cô gái này vốn tốt nghiệp đại học chuyên ngành mỹ thuật, đã hai, ba năm rồi mà không xin được việc làm, đành mở shop thời trang này. Cũng may, ít ra, cô gái này cũng còn vận dụng được ít kiến thức được học vào công việc bây giờ.

Tôi thấy ngày một nhiều shop thời trang mọc lên ở cái thành phố này, Cũng biết, nhiều chủ shop đều có bằng cử nhân và không thể tìm đư.c việc làm, đã quay qua công việc buôn bán như thế và đó chỉ là một trong vô số công việc chả liên quan gì đến tấm bằng cử nhân mà họ có. Còn những tấm bằng bỏ đó, để không và những chủ nhân của nó đương nhiên không thể không có những chán nản, tiếc nuối cho công sức đại học của mình. Chuyện như thế này, vài năm trước đã nhiều, còn giờ thì vô số. Chả hiểu sao, chị hàng xóm nhà tôi vẫn cố kiết với chuyện có tấm bằng đại học của con trai.

Kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 năm nay, nhiều trường đại học công lập, thậm chí là tốp đầu không tuyển đủ thí sinh, nhiều trường phải tuyển bổ sung. Điều đó hiển nhiên cho thấy đã đến thời điểm người ta không còn chen chân vào đại học bằng mọi giá. Một sự chuyển hướng trong định hướng, lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp đã hiện hữu khá rõ. Nhiều em đã ngay từ đầu xác định chọn học nghề với tất cả sự tự tin và thoải mái cho sự lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Tôi muốn nói đến việc là chính bản thân các em đã xác định con đường tương lai của mình rất rõ ràng, bằng học nghề hay khởi nghiệp bằng một con đường nào đó mà không nhất thiết phải là đại học.

Trong sự lựa chọn này, nhiều em có được sự đồng thuận của cha, mẹ, gia đình song nhiều em vẫn không. Có lẽ, tâm lý có con học đại học vẫn còn nặng nề trong nhiều bậci làm cha, làm mẹ để không nhận ra rằng sự lựa chọn hợp lý của con mới là điều quan trọng và lại càng không dễ để nhận ra rằng, chính việc sớm xác định, lựa chọn được con đường đi cho bản thân của con mình là điều tuyệt vời hơn cả bởi nó cho thấy sự độc lập, trưởng thành trong tư duy của chúng.

Hai năm sau ngày con trai bỏ đại học, chị hàng xóm nhà tôi cũng mới nhận ra sự lựa chọn hợp lý của con trai. Cậu ta đã học nghề tạo mẫu tóc với tất cả niềm đam mê, sự hào hứng và cả tố chất với cái nghề này. Sau khi học nghề, salon tóc của cậu lúc nào cũng đông khách, kiếm tiền nhiều. Còn cậu ta thì lúc nào cũng làm công việc ấy cả với niềm yêu thích, say mê. Tôi không biết liệu cậu ta cứ tiếp tục học đại học theo ý của cha, mẹ thì cái tấm bằng đại học đó có giúp cho cậu tìm được công việc nào đó đúng chuyên môn không hoặc giả như có tìm được việc, cậu ấy có làm nó với niềm yêu thích như công việc bây giờ? Hay rồi, cậu ta lại cũng gia nhập đội ngũ thất nghiệp với tấm bằng cử nhân như bao cử nhân khác? Điều ấy dễ lắm! Cũng may, cậu ta đã có sự lựa chọn của chính mình và dám hành động vì nó.

Định hướng nghề nghiệp của con cái mới là quan trọng. Những em sớm có sự lựa chọn cho nghề nghiệp tương lai càng đáng trân quý và đi bằng con đường nào, xin hãy tôn trọng các em!

Hạnh Quyên

Các tin khác

YBĐT - Cùng với phối hợp tích cực với các cơ quan chuyên môn của huyện tiếp nhận ý kiến phản ánh của 28 lượt công dân; xem xét giải quyết 41/47 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, công tác thanh tra kinh tế - xã hội của huyện Văn Chấn từ đầu năm đến nay tập trung thực hiện thanh tra giải quyết những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

YBĐT – Trong nhiệm kỳ 2011 – 2016, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) thành phố Yên Bái đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả để chị em có điều kiện tìm và tạo việc làm, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ sáng tạo, tiêu biểu, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Vũ Thị Như Nguyệt với công việc quen thuộc tạo ra sản phẩm bánh Trung thu hấp dẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng.

YBĐT - Sự khéo léo, tỷ mẩn của những người đam mê sáng tạo ẩm thực đã làm nên sự phong phú cho thị trường bánh Trung thu năm nay.

YBĐT - Đại hội Phụ nữ huyện Văn Chấn lần thứ XX, nhiệm kỳ 2016- 2021 có 200 đại biểu dự, trong đó 158 đại biểu chính thức (hơn 100 đại biểu là người dân tộc thiểu số).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục