Sạch nhà, sạch ngõ, sạch đường quê ta

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 8:09:25 AM

YBĐT - Hệ thống đường trục xã, trục thôn, địa phương đã giao các tổ chức đoàn thể cắm biển tự quản, vệ sinh vào ngày 25 hàng tháng và các nhánh đường khác thì nhân dân tiến hành tổng vệ sinh hàng tháng vào ngày 10.

Chị Trần Thị Mai - Trưởng thôn Yên Thành (bên trái) kiểm tra việc thu gom và xử lý rác thải tại gia đình chị Trần Thị Tấm.
Chị Trần Thị Mai - Trưởng thôn Yên Thành (bên trái) kiểm tra việc thu gom và xử lý rác thải tại gia đình chị Trần Thị Tấm.

Đang những ngày giữa tháng Năm, bông lúa đã đổ cong đến mềm cả con mắt. Đường vào xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên mươn mướt xanh hai bên cánh đồng.

Ông Nguyễn Gia Hồng - Chủ tịch UBND xã phân trần:

- Có cuộc họp đột xuất sáng nay với đoàn công tác của huyện, tôi mong mọi người thông cảm dù đã hẹn trước!

Là một cuộc họp về tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM), lãnh đạo huyện kiểm tra đột xuất từ xã Hưng Khánh rồi vào đây. Dường như nhanh chóng có được sự thống nhất vì ngoài thời gian đi thực tế cơ sở, cuộc họp diễn ra trọn vẹn một tiếng đồng hồ. Khẩn trương giống lúc đến, đoàn công tác trở về cũng vậy. Trên gương mặt, trong giọng nói của Chủ tịch xã đã vợi bớt ưu tư sau cuộc họp:

- Thật sự vỡ vạc ra nhiều điều, tôi thoải mái, phấn khởi hẳn!

Chia sẻ tâm tư này cùng vị Chủ tịch xã bởi lẽ kế hoạch năm 2017, Hưng Thịnh là một trong bốn địa phương của huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM. Tại thời điểm hết năm 2016, xã mới hoàn thành 12 tiêu chí và còn tới 7 tiêu chí.

Các tiêu chí còn lại, Hưng Thịnh chủ động xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện nhưng đoàn công tác sáng nay đã giải tỏa hết mọi băn khoăn, quyết định rõ ràng đâu là công trình thuộc Nhà nước đầu tư, đâu là các nhiệm vụ do xã đảm nhiệm, người dân tự làm.

"Tính là 7 tiêu chí song thực tế chúng tôi chỉ phải hoàn thành hai tiêu chí rưỡi vì bốn tiêu chí rưỡi hoàn toàn do Nhà nước đầu tư. Cụ thể, phần việc của chúng tôi sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm vệ sinh môi trường và đạt số gia đình văn hóa, làng văn hóa, sắm sửa nội thất cho nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng xã” - ông Hồng giải thích tường tận. Ông kể thêm, Bí thư Huyện ủy-Nguyễn Thế Phước hỏi ông trước khi kết luận cuộc họp rằng, nếu có khó khăn cứ nói, ông không trình bày khó khăn nào.

- Nghĩa là không khó thật sao, thưa ông?

- Khó chứ, nhất là công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đó là những việc địa phương phải đảm đương, không nên kêu khó. Nhân lên các điển hình tốt để khơi dậy ý thức trách nhiệm của toàn thể nhân dân, chúng tôi xác định như vậy.

Những khó khăn đều được xác định rõ cả nguyên nhân, địa phương cũng đã xây dựng giải pháp giải quyết triệt để. Công việc thường xuyên, liên tục, lâu dài là xã, thôn, các đoàn thể tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân thay đổi, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sẽ tốt cho chính mình, cho người thân, cho gia đình, cho cộng đồng.

Hệ thống đường trục xã, trục thôn, địa phương đã giao các tổ chức đoàn thể cắm biển tự quản, vệ sinh vào ngày 25 hàng tháng và các nhánh đường khác thì nhân dân tiến hành tổng vệ sinh hàng tháng vào ngày 10. Xã thành lập ba đoàn công tác đi từng thôn, từng nhà kiểm tra, xem xét các điều kiện về thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, công trình vệ sinh, hố rác gia đình.

Đối với các hộ chăn nuôi, xã yêu cầu ký cam kết trong tháng Năm phải hoàn thiện công trình xử lý chất thải, nếu không sẽ xử phạt hành chính. Về phía các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông lâm sản và khai thác mỏ đặt ra yêu cầu bảo đảm hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường, xây dựng bể lắng và xả thải, chỉnh trang khuôn viên bảo đảm vệ sinh. Hưng Thịnh cũng đã có kế hoạch phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho khoảng 100 hộ vay vốn xây dựng các công trình vệ sinh theo quy chuẩn.

Một nội dung mới trong tiêu chí môi trường XDNTM của giai đoạn 2016 - 2020 là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Nói là mới nhưng cũng không lạ lẫm vì lâu nay Hưng Thịnh vẫn luôn quan tâm đến vấn đề này nên bây giờ tiếp tục đẩy mạnh và chặt chẽ hơn nữa. Xã chú trọng hướng dẫn nhân dân sản xuất sản phẩm sạch để cung ứng cho thị trường thông qua tích cực bón phân hữu cơ và không dùng các chất kích thích, độc hại.

Trăn trở lắm về vấn đề hết sức quan trọng này, ông Hồng giãi bày: "Đâu xa gì, chuẩn bị thu hoạch vụ cam vừa rồi, chúng tôi nắm tình hình trong dân có một, hai hộ đã phun Kali trắng kích cho cam chín sớm, chín đều. Việc này quá nguy hiểm vì "con sâu bỏ rầu nồi canh”, chúng tôi nghiêm cấm sử dụng và nhắc nhở bà con chớ ham lợi nhỏ trước mắt mà làm tiêu tan uy tín sản phẩm cam Hưng Thịnh về lâu dài”.

Nắm rõ điểm mạnh của từng thôn để nhân điển hình, tạo sức thuyết phục là cách làm của Hưng Thịnh trong sự nỗ lực hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường. Nhận thức đúng để hành động đúng, hành động đúng cho ý thức tốt, ý thức tốt trở thành tự giác ở mỗi con người chính là một quá trình.

Anh Hà Văn Vẻ - Bí thư Chi bộ thôn Trực Khang còn trẻ tuổi đời mà chững chạc, điềm đạm. Anh Vẻ khẳng định: "XDNTM, người dân Trực Khang đã có nhiều thay đổi trong suy nghĩ và việc làm. Như trước thì nhà sạch thật đấy nhưng chưa được sạch ngõ nên hiện cứ định kỳ ngày 25 hàng tháng là thôn, các đoàn thể, nhân dân tổ chức tổng vệ sinh các tuyến đường, chưa kể đột xuất”.

Câu chuyện của năm qua mà giờ vẫn chưa hết "nguội” trong thôn. Cơn bão số 3 vào cuối tháng Tám năm ngoái đã làm sạt lở hơn một ngàn mét khối đất ta-luy dương trên tuyến đường chính của thôn. Hai lần xử lý, lần đầu xã có hỗ trợ thôn, lần hai hoàn toàn người dân Trực Khang đóng 17 triệu đồng.

"Khối lượng đất sạt quá lớn, dân chưa đủ sức làm luôn một lèo đâu” - anh Vẻ xác nhận - "Dẫu ảnh hưởng nhiều đến vệ sinh môi trường của thôn, vả lại vẫn còn một điểm sạt nữa cũng tạm thời lùi việc xử lý đến cuối năm vì chỉ có thể khắc phục từng bước. Đong đếm giữa mọi công việc vì chúng tôi lo giữ sức dân”.

Nhân dân thôn Trực Khang tham gia lao động vệ sinh các tuyến đường.

Chủ trương "giữ sức dân” của Chi bộ thôn được tính toán cân đối, phù hợp trong nhiều khoản đóng góp cần đến nhân dân. Như đầu tháng Năm mới đây thôi, Chi bộ họp xong rồi họp quân dân chính để triển khai kế hoạch xây dựng đạt chuẩn NTM, trong đó có nội dung về vệ sinh môi trường. Trước mắt, công việc phải làm là xây nhà vệ sinh của nhà văn hóa thôn cùng với xây 4 điểm hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở khu cánh đồng nhà bà Chinh, Cửa Kho, cửa ông Nhâm và Đồng Ghềnh. Cần kíp lắm việc này, vừa là kế hoạch của xã mà cũng là mong muốn của bà con, bởi dù có gom về nhà thì họ cũng không thể tự xử lý được. Thông thuận ý Đảng, lòng dân nên anh Vẻ tự tin chia sẻ: "Chắc chắn bà con sẽ ủng hộ!”.

Người dân thôn Yên Thành chủ yếu từ Hà Nam lên định cư. Đây là thôn có 54/120 hộ dân theo đạo Công giáo. "Thôn tôi thì nhà nào cũng sạch, ngõ nào cũng sạch. Mọi người chỉ bất kỳ nhà nào thì tôi sẽ đưa vào nhà đó” là gợi ý của chị Trần Thị Mai - Trưởng thôn Yên Thành.

Xuống gần hết con dốc, qua nhà thờ Giáo họ Tân Hưng, chúng tôi chỉ một ngôi nhà bên tay trái, chị Mai bảo luôn: "Là nhà anh Tinh, chị Tấm”. Con suối nhỏ trước nhà nước trong leo lẻo. Có tiếng đon đả chào hỏi của người phụ nữ đang dắt trâu và ôm bó cỏ voi, chị Mai giới thiệu: "Chị Tấm đấy!”. Rất đông già trẻ, trai gái ngồi bệt ở hiên thềm để tận hưởng không gian xanh mát, dịu lành nhờ đồi quế xung quanh.

"Mai ngày giỗ hết của bố chồng tôi, con cháu tụ về đông đủ cả” - chị Tấm đã kịp buộc trâu và cất cỏ vào chuồng rồi mau mắn tiếp chuyện. Nhà xây năm 2007, bếp xây bốn năm sau đó là gia đình hoàn chỉnh luôn các công trình vệ sinh. Hỏi chuyện XDNTM, chuyện vệ sinh thôn xóm, dẫn chúng tôi đi xem công trình phụ liên hoàn của gia đình, chị Tấm rổn rang: "Cảm thấy quá vui mừng! Cả làng sạch sẽ. Xưa thì suối ngập rác, nay sạch tinh. Nhà nào cũng có hố rác, công trình vệ sinh, nước sạch sinh hoạt”.

Lời của chị cũng là điều chúng tôi đã nghe trong câu chuyện cùng ông Nguyễn Văn Trình - Trưởng ban Hành giáo Giáo họ Tân Hưng và một số giáo dân. Những buổi lễ vào 15 giờ Chủ nhật hàng tuần, mọi công việc của xã, của thôn đã được lồng ghép phổ biến đến giáo dân. Đời sống kinh tế của người dân lương giáo trong thôn dù còn khó khăn nhưng đều ủng hộ XDNTM, làm sạch môi trường từ chính mỗi gia đình.

"Các gia đình luôn nhắc nhở con cháu hàng ngày làm những điều tốt đẹp, nhỏ nhất là dạy trẻ không vứt rác bừa bãi” - bà Nguyễn Thị Ngọ là một giáo dân trao đổi rất sôi nổi. Ngang qua nhà thờ lúc quay ra, Trưởng thôn Mai đề xuất: "Anh ạ, mình nên xây thêm một hố rác phía sau nhà thờ để bọn trẻ đỡ phải mang vỏ kẹo, vỏ bim bim... về nhà sau mỗi buổi lễ như bây giờ nữa”, ông Trình gật đầu ngay.

Ý thức tự giác và đồng thuận nội lực trong nhân dân sẽ quyết định "tốc độ” của hành trình đạt chuẩn NTM. Là thôn Trực Khang chủ động khắc phục khó khăn, là thôn Yên Thành đồng bào lương giáo đoàn kết giữ gìn vệ sinh môi trường chính là điển hình mà lãnh đạo địa phương này tập trung nhân rộng, tạo động lực cho các thôn khác từ sự thuyết phục thực tiễn.

Vậy nên, Chủ tịch xã - Nguyễn Gia Hồng quả quyết: "Hưng Thịnh "nước rút” chặng cuối để đạt chuẩn NTM trong năm nay. Chúng tôi tự tin vì không quá sức!” cũng không phải không có cơ sở.

Nguyễn Thơm - Thu Hoài

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Chấn trao giấy khen cho các giáo viên có thành tích xuất sắc.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Giáo dục huyện Văn Chấn đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng cán bộ, giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2016 – 2017.

YBĐT - 150 đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn tham gia lao động tình nguyện phát tỉa cành cây hai bên đường, quét dọn mặt đường, thu gom xử lý rác thải...

YBĐT - Đã có 6 cơ quan đơn vị ở Trạm Tấu nhận chăm sóc 6 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng đang cư trú trên địa bàn thị trấn.

Cuốn Niên giám dày 1.800 trang có cung cấp số điện thoại cá nhân của nhiều lãnh đạo các cấp.

Điểm mới của sách "Niên giám Quốc hội - Chính phủ khóa XIV và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021" vừa được Bộ Nội vụ xuất bản là việc lần đầu tiên công khai số điện thoại di động của nhiều lãnh đạo các cấp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục