Giảm áp lực trước kỳ thi
- Cập nhật: Thứ tư, 31/5/2017 | 10:35:29 AM
YBĐT - Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, với nhiều điểm đổi mới, khối kiến thức lớn và tầm quan trọng của kỳ thi thì áp lực là điều khó tránh khỏi đối với mỗi em học sinh. Tuy nhiên, để có một kỳ thi thành công và đúng với năng lực của từng em học sinh thì gia đình, thầy cô hãy cùng giúp các em giảm bớt áp lực để có được kết quả tốt nhất.
Đang trong thời gian ôn luyện nước rút chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 - mốc quan trọng của mỗi học trò, em Vũ Thị Tuyết - học sinh lớp 12A, Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn giống như tất cả các bạn học sinh lớp 12 khác đang tập trung trang bị kiến thức trước khi vào kỳ thi chia sẻ: “Dù được thi tại Trường nhưng số môn tăng nên chúng em khá áp lực. Đặc biệt, thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi chúng em phải nắm thật chắc kiến thức, không thể trả lời cho qua được, bởi vì cả tương lai của mình trong câu trả lời đó. Mấy hôm nay dù đã học đến rất khuya tuy nhiên nhắm mắt lại là em rất lo lắng. Càng học em càng thấy nhiều kiến thức còn thiếu".
Đó không chỉ là khó khăn mà riêng Tuyết gặp phải, hầu như các sĩ tử đều có tâm lý chung như vậy. Những ngày học nước rút, lượng kiến thức thì vô hạn, càng học mới cảm thấy mình còn "hổng" rất nhiều, lo lắng cho tương lai, áp lực trước kỳ thi quan trọng. Dù những đổi mới của kỳ thi là biện pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giảm áp lực cho các em, tuy nhiên điều đó vẫn chưa thực sự triệt để bởi vì tính chất quan trọng của kỳ thi.
Cùng tâm trạng như em Tuyết, em Nguyễn Hương Giang - học sinh lớp 12A2 Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ tâm sự: “Em lo lắm. Dù em ôn khá kỹ môn Toán nhưng các môn còn lại em chưa ôn được nhiều. Em dự kiến xét tuyển vào trường sư phạm và đại học y. Không nói ra nhưng em biết bố mẹ em đang rất mong muốn em đỗ được đại học, kể cả họ hàng nội ngoại đều hỏi han khiến em cảm thấy rất áp lực. Bây giờ mọi thứ đều gác lại cho kỳ thi, ngay cả lúc ăn hay ngủ em cũng đều nghĩ đến nó".
Lo lắng là tâm lý của sĩ tử nói chung trước kỳ thi, mọi thứ đè nặng từ trong suy nghĩ đến việc làm nên việc chạy đôn chạy đáo để học thêm, "cày" liên tục hàng giờ để cố "nhét" thêm kiến thức là tình hình chung.
Muốn có được một kỳ thi thành công, trước tiên các em phải chuẩn bị thật tốt mọi mặt đặc biệt là vấn đề tâm lý cần phải rèn ngay từ bây giờ. Trong các kỳ thi trước đã cho thấy, nhiều em học rất tốt, nhưng vì quá lo lắng nên đổ bệnh, không thể ôn tập thậm chí không tham gia kỳ thi được.
Cũng có trường hợp vào phòng thi nhưng "quá run" nên không thể làm bài và buộc phải bỏ lỡ, hay do mất bình tĩnh dẫn đến sai sót không đáng có. Áp lực là không thể tránh khỏi, tuy nhiên hãy giảm nó đến mức thấp nhất có thể. Để an tâm về kỳ thi sắp tới, các em học sinh nên có tầm nhìn thoáng hơn, đừng đặt mục tiêu quá cao.
Cô giáo Trần Thị Kim Hảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: “Các thầy cô giáo trong Trường coi trọng công tác phân luồng học sinh. Hằng ngày, hằng giờ dạy và tiếp xúc với các em, các thầy cô là người hiểu rõ nhất về năng lực của từng em nên đã có những tư vấn cho các em phù hợp nhất trong việc chọn trường xét tuyển, chọn khối thi, giúp các em đặt mục tiêu vừa sức. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để động viên các em, chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho các em; phối hợp trong việc định hướng cho các em”.
“Căn bệnh” phổ biến của thí sinh khi ôn luyện là không ngủ đủ giấc, ít vận động cơ thể, hay lạm dụng cà phê và các chất kích thích chỉ để tỉnh táo tạm thời. Vì vậy các bậc phụ huynh cần kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh, quan tâm đến các em nhiều hơn, đặc biệt là chuẩn bị chế độ dinh dưỡng hợp lý… để các em có một sức khỏe tốt, một tinh thần minh mẫn. Đừng ép buộc các em ôn thi quá nhiều, các bậc phụ huynh hãy quan tâm chăm sóc con như bình thường.
Việc liên tục hỏi han khiến cho các con nhiều khi cảm thấy… phiền phức vì bị chi phối, mất tập trung. Hơn nữa, sự chăm chút quá mức bình thường của bố mẹ sẽ vô tình ám thị cho con rằng kỳ thi này là một cái gì đó rất ghê gớm, gây áp lực cho con.
Đặc biệt, không nên so sánh con mình với bạn khác, điều này càng tạo cho các em mặc cảm và chán nản, mất niềm tin vào bản thân. Cha mẹ hãy tạo ra một môi trường gia đình hòa thuận và vui vẻ, luôn thoải mái để các em bước vào kỳ thi. Chăm lo dinh dưỡng cho bữa ăn, nhắc nhở con hạn chế học khuya quá, cho con thời gian vận động bên ngoài bàn học, nói về kỳ thi một cách nhẹ nhàng không đao to búa lớn... là những điều các bậc phụ huynh cần làm cho con lúc này.
Cùng với gia đình, các nhà trường trên địa bàn tỉnh thường niên tổ chức cho các em hoạt động như lễ chia tay, lễ trưởng thành “Tôi 18”... cho các em học sinh lớp 12 giúp các em giải tỏa căng thẳng, giảm áp lực trước kỳ thi. Song trên tất cả, các em hãy nhớ tự tin vào bản thân mình, nếu quá căng thẳng hãy chia sẻ điều đó với bố mẹ hoặc những người bạn thân, sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Minh Tư
Các tin khác
YBĐT - Các vở kịch, hình ảnh minh họa giúp trẻ dễ hình dung các sự việc và cách giải quyết tình huống. Qua đó, trẻ học được cách tự bảo vệ bản thân như: không nói chuyện, nhận quà, đi theo người lạ, không cho người lạ vào nhà… hay như cơ thể của trẻ có những vùng riêng tư mà không ai được phép chạm vào.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội đề nghị điều chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng chuơng trình , sách giáo khoa (CT, SGK) mới từ năm học 2019 - 2020 để có thêm thời gian chuẩn bị cho công tác biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các CT môn học và hoạt động giáo dục.
Từ ngày 1/6, nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 40 độ C.
YBĐT - Từ trung tuần tháng 4, những người làm công tác dân số của huyện Văn Chấn lại sôi động với Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ). Thành công của Chiến dịch quyết định đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) năm 2017 của huyện.