Chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ trong thời tiết giao mùa

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/9/2017 | 7:13:20 AM

YBĐT - Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận một số trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em bùng phát. Do vậy việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cần phải được thực hiện hiệu quả.

Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả.
Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả.

Đối với các đơn vị trường học, nhất là cấp học mầm non trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm học đã chủ động phối hợp với cán bộ y tế các phường, xã trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
 
Chị Trần Thị Quyên - Cán bộ phụ trách Y tế, sức khoẻ Nhóm trẻ cộng đồng thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ Yên Bái chia sẻ: "Trong thời điểm giao mùa, các em dễ bị cảm, cúm, mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh tay chân miệng. Trước những nguy cơ đó, là cán bộ phụ trách y tế, tôi đã thường xuyên nhắc nhở giáo viên chú ý sức khỏe của trẻ như: tăng cường công tác vệ sinh trường lớp, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ; bố trí phòng ngủ được thông thoáng; nếu trẻ có dấu hiệu bệnh cần báo ngay cán bộ y tế nhà trường để có hướng điều trị”.
 
Nhà trường cũng đã tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh cách chăm sóc, phòng bệnh cho trẻ tại gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái thời điểm đầu tháng 9 đã có 2 bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng vào điều trị. Bác sĩ chuyên khoa I, Đỗ Thị Phương Thảo - Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái cho biết: "Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông”.
 
Được biết, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, không trường hợp nào tử vong.
 
Để phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, mới đây Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị triển khai chống dịch bệnh tay chân miệng. Trong đó, khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Thời điểm thời tiết giao mùa các bậc phụ huynh cần nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh cho trẻ, giữ môi trường sống sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng và chủ động khám, thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh tay chân miệng để có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng. 
 
Minh Huyền

Các tin khác

YBDT - Ban Chỉ đạo Diễn tập khu vực phòng thủ thị xã Nghĩa Lộ vừa tổ chức Hội nghị tập huấn khu vực phòng thủ năm 2017 cho cán bộ chủ chốt là lãnh đạo Thị ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành, đoàn thể thị xã.

Người dân ở những nơi gần sông, suối cần đề phòng lũ ống cục bộ. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Hồi 13 giờ ngày 13/09, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90 km/giờ), giật cấp 12.

Đoàn Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam trao hỗ trợ cho Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải

YBĐT - Chia sẻ, động viên và hỗ trợ với nhân dân Mù Cang Chải bị thiệt hại bởi thiên tai vừa qua, ngày 12/9, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng cho Trường Tiểu học & Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải 40 bộ bàn ghế có tổng giá trị 50 triệu đồng.

Cán bộ, nhân viên Tập đoàn DELTA bàn giao điểm trường và tặng quà cho các cháu học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.

YBĐT - Điểm trường mầm non Sề Sáng thuộc Trường Mầm non Cao Phạ (Mù Cang Chải) đã được Tập đoàn xây dựng DELTA xây tặng theo Dự án từ thiện "DELTA theo em đến trường". 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục