Phấn đấu xây dựng Trường THPT Cảm Nhân thành trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/11/2017 | 1:48:11 PM

YBĐT - 45 năm xây dựng và phát triển, dù hoạt động trên địa bàn xa trung tâm huyện lỵ, tại các xã vùng sâu, vùng xa nhưng những kết quả mà Trường THPT Cảm Nhân, huyện Yên Bình  đạt được thật đáng tự hào. Kể từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo trên 15 nghìn học sinh và tốt nghiệp THPT.  

Thầy giáo Nguyễn Văn Lịch - Hiệu trưởng nhà trường (thứ 6 từ trái sang) trao đổi công tác chuyên môn với các cán bộ, giáo viên.
Thầy giáo Nguyễn Văn Lịch - Hiệu trưởng nhà trường (thứ 6 từ trái sang) trao đổi công tác chuyên môn với các cán bộ, giáo viên.


Cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, toàn huyện Yên Bình lúc đó chỉ có duy nhất một trường cấp III. Do vậy, nhiều học sinh ở các xã: Cảm Nhân, Xuân Lai, Tích Cốc, Mỹ Gia, Ngọc Chấn tốt nghiệp cấp II muốn học lên cấp III phải về Thác Bà hoặc sang tỉnh Tuyên Quang học.

Hơn thế, năm 1971, khi Nhà máy Thủy điện Thác Bà xây dựng xong đã tạo nên một vùng lòng hồ rộng lớn, các xã thuộc khu vực phía Đông hồ Thác Bà chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là giao thông, việc đi học cấp III đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. 

Trước tình hình đó, để đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc vùng Đông hồ, tháng 7/1972, Trường cấp III số 2 Yên Bình được thành lập, đặt tại trung tâm xã Cảm Nhân. Năm học đầu, Trường chỉ có 45 học sinh, 7 giáo viên; cơ sở vật chất chỉ là một căn nhà gỗ ba gian.

Trường thành lập đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, thực hiện chiến tranh phá hoại bằng không quân. Trong hoàn cảnh đó, thầy và trò Trường cấp III số 2 Yên Bình đã vượt qua nhiều khó khăn để giảng dạy và học tập, để lại một trang đẹp trong lịch sử phát triển của nhà trường, đặc biệt về lòng yêu nghề, tận tụy với các em học sinh của các thầy, cô giáo, những người từ miền xuôi lên công tác.
 
Những năm đầu thành lập, số học sinh của Trường tăng khá nhanh, có những năm lên tới hàng trăm học sinh. Năm 1979, Trường được giao tiếp quản lại toàn bộ cơ sở vật chất của Trung đoàn 76 chuyển đi do đã hoàn thành nhiệm vụ.
 
Thầy trò nhà trường đã cải tạo lại các khu lán trại để có phòng học, nhà hiệu bộ, hội trường, nhà tập thể giáo viên, có ký túc xá cho học sinh các xã ở xa về trọ học. Mặc dù chỉ là nhà gỗ, lợp lá rất đơn sơ nhưng đã phần nào giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất, giúp thầy và trò nhà trường bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học.

Năm 1982, do chủ trương xây dựng một trung tâm kinh tế - văn hóa xã hội ở vùng Đông hồ Thác Bà, Trường được chuyển ra khu vực bến cảng Cảm Nhân (thôn 10). Lại một lần nữa, thầy và trò nhà trường lại cùng nhau góp hàng ngàn công lao động để làm đường, dựng nhà làm việc, lớp học, nhà ở giáo viên, ký túc xá học sinh.
 
Thời kỳ này, đất nước bước vào giai đoạn khủng hoảng về kinh tế, đời sống giáo viên và học sinh vô cùng khó khăn. Tuy vất vả nhưng với tinh thần quyết tâm bám trường, bám lớp, tập thể cán bộ, giáo viên với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của ngành giáo dục đã kiên trì từng bước xây dựng nhà trường dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, đến năm học 1989 - 1990, do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương, hàng loạt học sinh của Trường bỏ học.
 
Thấp nhất là năm học 1991 - 1992, Trường chỉ còn 17 học sinh, trong đó, lớp 12 có 5 học sinh, lớp 11 có 12 học sinh và không tuyển được học sinh lớp 10. Trước tình hình đó, lãnh đạo nhà trường một mặt tăng cường tham mưu với Đảng bộ, chính quyền huyện Yên Bình và Sở Giáo dục và Đào tạo, một mặt chủ động có nhiều biện pháp để bảo đảm duy trì hoạt động.
 
Để giải quyết khó khăn, năm học 1992 - 1993, tỉnh quyết định sáp nhập Trường PTCS Cảm Nhân vào Trường cấp III số 2 Yên Bình, Trường có tên gọi mới là Trường Liên cấp II - III Cảm Nhân. Việc sáp nhập là một giải pháp đúng đắn khi số lượng học sinh tăng ngay sau năm học sau, toàn trường có 182 học sinh, riêng khối cấp 3 đã có 65 học sinh theo học.
 
Những năm sau đó, Trường Liên cấp II-III Cảm Nhân đã có bước phát triển, chất lượng dạy và học nâng lên. Năm học đầu sau khi sáp nhập, Trường đã có 5 học sinh trúng tuyển vào đại học, điều này đã tạo cho nhân dân trong vùng một niềm tin, một cách nhìn mới về nhà trường. Đặc biệt, từ năm 1997 đến năm 2003, nhà trường có quy mô lớp phát triển nhanh.
 
Năm học 1997 - 1998 tuyển vào 2 lớp 10 với 98 học sinh, đến năm học 2000 - 2001, Trường đã tuyển vào lớp 10 với hơn 200 học sinh, toàn trường có gần 600 học sinh với 14 lớp. Trước tình hình số lượng học sinh phát triển nhanh, cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng đủ, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động nhân dân địa phương hỗ trợ làm thêm nhà tạm và tham mưu với các cấp chính quyền, Sở Giáo dục Đào tạo Yên Bái tách trường để đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong khu vực.
 
Năm 2003, Đề án tách Trường Liên cấp II-III Cảm Nhân được tỉnh phê duyệt. Trường được xây dựng mới tại thôn Lạnh 1, xã Cảm Nhân với 16 phòng học, nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, nhà công vụ cho giáo viên, sân chơi, bãi tập thể thao.
 
Thời gian này, tình hình kinh tế, đời sống của địa phương đã tương đối ổn định, do đó, nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn tăng nhanh. Năm học 2005 - 2006,  Trường có 42 lớp với trên 1.500 học sinh, Trường phải bố trí học 2 ca và có 3 lớp phải học nhờ tại Trường Mầm non xã Cảm Nhân. 

Đến năm 2008, khi cơ sở vật chất được xây dựng tương đối ổn định, Trường Liên cấp II-III Cảm Nhân chính thức được tách thành Trường THPT Cảm Nhân và Trường THCS xã Cảm Nhân, mở ra một trang mới trong lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường.

Nhìn lại 45 năm xây dựng và phát triển, dù hoạt động trên địa bàn xa trung tâm huyện lỵ, tại các xã vùng sâu, vùng xa nhưng những kết quả mà Trường THPT Cảm Nhân đạt được thật đáng tự hào. Kể từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo trên 15 nghìn học sinh và tốt nghiệp THPT.
 
Từ mái trường THPT vùng Đông hồ Thác Bà, nhiều học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Đáng mừng hơn, chất lượng giáo dục những từ năm 2005 trở lại đây năm sau cao hơn năm trước, với tỷ lệ lên lớp trung bình đạt 96% trở lên, trong đó học sinh học lực khá, giỏi đạt 35%; học sinh hạnh kiểm khá trở lên đạt 97%; học sinh tốt nghiệp THPT đạt 98%; có 30 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và quốc gia; 10 học sinh đạt giải các cuộc thi khác; hiệu quả giáo dục đạt 85%.
 
Từ mái trường thân yêu nơi vùng Đông hồ, nhiều học sinh của Trường đã trưởng thành, giữ cương vị lãnh đạo trong bộ máy của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; trở thành những doanh nhân thành đạt, có nhiều đóng góp lớn cho xã hội. 

Tiêu biểu như các đồng chí: Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái; Vũ Thị Hiền Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái; Hoàng Văn Hoàn - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; Đinh Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Yên Bái; hầu hết lãnh đạo và cán bộ, công chức các xã vùng Đông hồ là cựu học sinh của nhà trường.
 
Đáng mừng hơn, từ tranh, tre, nứa, lá ban đầu, với sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực của nhà trường, đến nay, Trường đã có cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện với 17 phòng học xây dựng kiên cố; 5 phòng học bộ môn; 2 phòng chức năng. 

Đội ngũ giáo viên của nhà trường không ngừng tăng về số lượng và chất lượng với 45 người, trong đó có 4 thạc sỹ. Nhà trường có chi bộ Đảng với tổng số 20 đảng viên.

Từ những thành tích đạt được, nhiều năm liền, Trường THPT Cảm Nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường tiên tiến, được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, năm học 2016 - 2017, Trường vinh dự được UBND tỉnh Yên Bái tặng Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu trong phong trào thi đua. Nhiều giáo viên nhà trường đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng Bằng khen; Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen. Đặc biệt, nhà trường có một nhà giáo vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nhà giáo ưu tú".

Tự hào và viết tiếp truyền thống chặng đường 45 năm xây dựng và trưởng thành, với mục tiêu phấn đấu xây dựng nhà trường thành trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh tích cực, thầy và trò Trường THPT Cảm Nhân hôm nay đang ra sức thi đua thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; nghị quyết đại hội Đảng các cấp và chủ trương của ngành giáo dục: "Phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghệ khoa học, tri thức”...
 
Qua các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua: "Dạy tốt - Học tốt”; "Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Để từ mái trường vùng Đông hồ Thác Bà, tiếp tục tạo nguồn nhân lực có văn hóa, có tri thức, phục vụ phát triển quê hương, đất nước.

Nguyễn Văn LịchHiệu trưởng Trường THPT Cảm Nhân

Các tin khác
Tàu SAR 274 tiếp cận cầu cảng Hải Đoàn 48 đưa thi thể thuyền viên bị thiệt mạng trên vùng biển Quy Nhơn lên bờ.

Theo báo cáo nhanh ngày 7/11 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, bão số 12 và mưa lũ đã làm 99 người chết và mất tích.

Học sinh Trường THPT Cảm Nhân trong giờ thực hành Tin học.

YBĐT - Những năm gần đây, cùng không ngừng cải thiện cơ sở vật chất khang trang phục vụ dạy và học, Trường THPT Cảm Nhân đã giành nhiều thành tích trong đào tạo, nhận được niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc vùng Đông hồ Thác Bà.

Người cao tuổi ở thành phố Yên Bái luyện tập thể dục thể thao chăm sóc sức khỏe.

YBĐT - Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2016, Yên Bái bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi trên 10% dân số toàn tỉnh. 

Chị Giàng Thị Chư, Chi hội trưởng Chi hội Tà Dông giành giải Nhì tại Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII” khu vực phía Bắc.

YBĐT - Hội Phụ nữ xã Chế Tạo đã thành lập nhóm phụ nữ, hội viên nòng cốt tổ chức các buổi đến trực tiếp các hộ gia đình hướng dẫn từ những việc đơn giản, tỉ mỉ và hướng dẫn nhiều lần về việc làm thế nào nhà sạch, bếp sạch; hướng dẫn và đề nghị các gia đình phải có nhà tắm, mỗi thành viên trong gia đình phải có khăn mặt riêng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục