Sau hơn 16 năm triển khai Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH)”, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân nên các nội dung của phong trào được đẩy mạnh, góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đồng thời phát huy, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, xác lập nhiều giá trị văn hóa mới đã tạo nên chuẩn mực văn hóa mới trong đời sống xã hội; đặc biệt là nội dung xây dựng làng, thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Bảo ở thôn Xuân Thịnh, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên cho biết: "Năm 1997, chúng tôi bắt đầu các bước triển khai. Năm 1998, ra mắt xây dựng làng văn hóa. Năm 1999, Xuân Thịnh được công nhận là "Làng văn hóa” cấp tỉnh”.
Xuân Thịnh đã bàn bạc và thống nhất đề ra 10 điều cho quy ước của làng. Cụ thể: nghiêm chỉnh cấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, của thôn, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn dân cư; không có người vi phạm pháp luật, loại bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội; cấm chặt phá rừng bừa bãi, thả rông gia súc, lấn chiếm đất đai, phá hoại các công trình công cộng; đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thâm canh tăng năng suất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; đoàn kết dân tộc.
Từ khi được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh đến nay, người dân, cán bộ ở Xuân Thịnh thi đua, nỗ lực không mệt mỏi xây dựng làng, xây dựng nông thôn mới. Với thôn Làng Phạ, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã được tổ chức và duy trì tốt trong nhiều năm nay.
Làng Phạ là thôn thuần nông, hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống với khoảng 200 hộ dân, trên 700 nhân khẩu. Mấy năm trở lại đây, số hộ có mức sống khá giàu đã tăng lên gần 50%, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn, 80% hộ dân có xe máy, thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/ người/năm...
Các hộ dân luôn thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh trong giao tiếp, chấp hành quy ước, hương ước của thôn. Việc cưới, việc tang được bà con tổ chức tiết kiệm, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan. Từ năm 2007 đến nay, thôn Làng Phạ liên tục đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa tiêu biểu.
Trên con đường phong quang sạch đẹp vào thôn Làng Phạ, Chủ tịch xã Yên Thắng, huyện Lục Yên Nông Đức Thắng không giấu nổi niểm vui khi đời sống vật chất, tinh thần của người dân quê ông đang đi lên từng ngày. Cảnh thôn làng thanh bình, sạch đẹp như hôm nay là nhờ sự chăm chỉ làm ăn của dân làng, sự hỗ trợ từ những chính sách của Nhà nước, nhưng hơn cả là mối đoàn kết gắn bó, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng đời sống văn hóa.
Xuân Thịnh và Làng Phạ chỉ là 2 trong trên 1 ngàn làng văn hóa của cả tỉnh. Phong trào "TDĐKXDĐSVH” từ khi được triển khai trên diện rộng từ năm 2000 luôn được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo và nhận được sự ủng hộ sâu rộng của nhân dân. Ban chỉ đạo các cấp được kiện toàn, các nội dung của phong trào được triển khai thực chất hơn, đi vào chiều sâu và gắn liền với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy trình xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa đã được các địa phương tiến hành chặt chẽ, từ khảo sát thực tế, xây dựng kế hoạch, xây dựng quy ước, hương ước và tổ chức xây dựng.
Ở thành phố Yên Bái, phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa luôn gắn với việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và xây dựng tổ nhân dân tự quản. Thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, các hoạt động tuyên truyền, vận động khác, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa để có hướng chung sức cùng với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các tiêu chí đặt ra.
Các thôn, tổ dân phổ còn tổ chức phổ biến cho nhân dân nắm vững các quy định của của trung ương, của địa phương và thường xuyên nhắc nhở các gia đình thực hiện; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy ước văn hóa, tạo thành ý thức tự quản chặt chẽ ở cơ sở. Động viên người dân phát huy tinh thần đoàn kết đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn... Thông qua đó, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Không dừng lại ở xây dựng các làng, bản, tổ dân phố văn hóa, từ năm 2004, Ban chỉ đạo Phong trào "TDĐKXDĐSVH” của tỉnh còn phát động xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh ra mắt xây dựng 42 xã, phường, thị trấn văn hóa.
Trong đó có 33 xã ra mắt xây dựng xã ra mắt xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 9 phường, thị trấn ra mắt xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị; có 18 xã được cấp huyện công nhân xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Tiêu biểu như: Xã Báo Đáp huyện Trấn Yên, xã Đại Phác, huyện Văn Yên, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn…
Bên cạnh đó, Yên Bái cũng là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước chọn thị xã Nghĩa Lộ để xây dựng thị xã văn hóa. Đến nay, thị xã đã tạo ra được những tiền đề quan trọng để xây dựng thành công mô hình thị xã văn hóa - du lịch trong thời gian tới.
Mặc dù đạt được những kết quả khích lệ nhưng phong trào làng, thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn vẫn bộ lộ những hạn chế. Chất lượng các làng, thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn có nơi còn hành chế do việc xét công nhận còn chạy theo thành tích, có nơi bình xét chưa đúng hướng dẫn, chưa công khai, dân chủ, nhất là ở địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường ở nhiều làng, bản, tổ dân phố văn hóa chưa tốt, đường làng, ngõ xóm chưa được vệ sinh thường xuyên… Mục tiêu đến năm 2020, Yên Bái phấn đấu 65% làng, thôn, bản, tổ dân phố (khu dân cư) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Cơ quan văn hóa”, "Đơn vị văn hóa”, "Doanh nghiệp văn hóa”, tăng 9% so với năm 2015; phấn đấu 40% số xã ra mắt xây dựng xã văn hóa nông thôn mới, 50% số phường, thị trấn ra mắt xây dựng phường, thị trấn văn minh đô thị.
Vì vậy, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến , thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9, khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, phát triển Phong trào "TDĐKXDĐSVH” rộng khắp, nhất là nâng cao chất lượng xây dựng các làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hóa, trong đó tập trung nâng cao chất lượng các hoạt động đạt các tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã đề ra.
Đồng thời phát huy vai trò của các làng, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn văn hóa là nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thắt chặt mối đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thành Trung