Ở một ngôi trường đặc biệt

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/11/2017 | 3:49:59 PM

YBĐT - Có một ngôi trường mà ở đó giáo viên không chỉ làm công việc dạy học. Ở đó, họ còn làm cha, làm mẹ, làm bạn… Họ gánh lấy, bù đắp cho những mảnh đời mang trên mình những thiếu sót của tạo hóa bằng tất cả sự ấm áp, yêu thương sánh ngang với tình mẫu tử.

Hoạt động hỗ trợ can thiệp sớm dành cho trẻ từ 0-6 tuổi ở Trung tâm được hoàn toàn miễn phí.
Hoạt động hỗ trợ can thiệp sớm dành cho trẻ từ 0-6 tuổi ở Trung tâm được hoàn toàn miễn phí.

Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Trần Phú thành phố Yên Bái, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tạo cho người đến không gian của một đại gia đình ấm áp, yên bình, gần gũi đến lạ. Đang loay hoay tìm phòng Giám đốc, một em nhỏ chạy đến bên tôi cúi chào lễ phép, em hỏi:

- Cô tìm ai ạ?

Nhìn ngoại hình, vóc dáng, tôi biết em bị khuyết tật trí tuệ nhưng cách cư xử của em chẳng khác gì những đứa trẻ bình thường. Tôi đáp:

- Cô tìm phòng cô Hạnh - Giám đốc Trung tâm.

- À, mẹ Hạnh. Để con dẫn cô đi nhé!

Vừa đi, em vừa nhảy chân sáo ra vẻ vui lắm. Tôi thầm nghĩ chắc là vì cậu bé đã làm được một việc tốt, giúp đỡ mọi người đúng như lời các thầy cô thường dạy hằng ngày.

- Mẹ Hạnh ơi! Có cô nào tìm gặp mẹ.

Nói rồi em lại chạy đi. Thấy tôi nhìn theo em, chị Trịnh Thị Mai Hạnh - Giám đốc Trung tâm giới thiệu: "Đó là Minh, cháu bị thiểu năng trí tuệ vào đây cũng gần 3 năm rồi. Lúc mới vào nhút nhát, lầm lì, chẳng nói chẳng rằng thế mà giờ nhanh nhẹn như con chim chích ở cái Trung tâm này đấy em ạ!”.

Không chỉ có cậu bé Minh ấy mà ở ngôi trường đặc biệt này đã từng giúp cho rất nhiều em hòa nhập với cộng đồng. Chính lòng nhân ái, kiên trì, chân thành của những người thầy, người cô tại Trung tâm là điểm tựa để hỗ trợ phát triển, giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật như đúng tên gọi của nó.
 
Cô Hạnh tâm sự: "Chăm sóc, giáo dục trẻ vốn chẳng phải là một công việc dễ dàng. Đặc biệt, khi những học trò ấy không may bị khuyết tật thì công việc ấy lại càng muôn vàn khó khăn. Ở đây, đa phần các em đều có hoàn cảnh khó khăn lại thêm mặc cảm về khuyết tật của cơ thể khiến nhiều em rụt rè, sợ sệt. Vì vậy, chúng tôi không chỉ là người thầy mà còn trở thành những người cha, người mẹ, người bạn để có thể thấu hiểu, giải tỏa mặc cảm, giáo dục các em nên người, đưa các em hòa nhập với cộng đồng”.
 
Dẫn tôi tham quan 6 lớp học ở 3 khối lớp 6, 8, 9 (khuyết khối 7), cảm nhận rõ ràng trong từng cử chỉ, ánh mắt của các giáo viên là sự chân thành, ấm áp và cả sự nhẫn nhịn. Bởi ở mỗi trường giáo dục đặt biệt này, các thầy các cô nếu không vì cái tâm với nghề, cái tâm với những học trò đặc biệt ấy chắc sẽ không chịu được bức xúc mà "bùng nổ”.
 
Cô Hạnh tâm sự: "Việc học trò vô tình ném đồ vật vào thầy cô, hay thỉnh thoảng khóc cười ngơ ngẩn là chuyện bình thường; nhiều khi lớp học lại như ong vỡ tổ, cô nói khản tiếng mà chẳng trò nào nghe. Ở Trung tâm đã từng có những cô khóc thút thít trên lớp hay có thầy đỏ mặt tía tai nhưng chỉ ra ngoài hít thở sâu để tĩnh tâm lại rồi trở vào lớp ngay. Sau những việc như thế, trò thì hối lỗi, còn thì cô gạt nước mắt tiếp tục bài giảng”.

Trung tâm hiện nay có 97 học sinh - đa phần là khuyết tật trí tuệ nhiều lúc cứ ngẩn ngẩn, ngơ ngơ rồi đột nhiên khóc cười vô cớ; có em thì khuyết tật vận động nhìn bé loắt choắt; cũng có em bàn tay không thể cầm nắm, đôi chân không thể tự đứng dậy, miệng ú ớ mà không thể cất tiếng nói, nhiều em chỉ có thể giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười và những ngôn ngữ cơ thể mà không phải ai cũng hiểu… 97 học sinh, 25 giáo viên vừa dạy dỗ, chăm sóc cả ngày lẫn đêm, vừa dạy đủ các kiến thức tiểu học, trung học cơ sở thậm chí còn trở thành bảo mẫu bất cứ khi nào các em thay tính đổi nết.
 
Đi ngang lớp 6B đang trong giờ Ngữ Văn, tôi cảm nhận rõ ràng không khí lớp học khá nghiêm túc. Tiếng giảng bài chậm rãi được nhắc đi nhắc lại, những ánh mắt trong veo của các em chăm chú dõi theo từng ngón tay, điệu bộ, nét biểu cảm trên gương mặt của cô giáo.
 
Ở lớp học này, học sinh bị khuyết tật ở mọi mức độ, các dạng khuyết tật trí tuệ, vận động, khuyết tật nghe, nói, nhìn đủ cả. Để giúp học sinh dễ hình dung và hiểu từ ngữ, trực quan thôi là chưa đủ, các giáo viên ở Trung tâm còn phải học từ các em ngôn ngữ của người đồng bào, ngôn ngữ hình thể, cách giao tiếp, trò chuyện đặc biệt để có thể hiểu rõ về những điều mà các em đang mong muốn.
 
Cô Nguyễn Thị Ánh Vân - giáo viên môn Ngữ Văn tâm sự: "Một tiết dạy phát âm có thể kéo dài cả buổi, một chữ cái có thể phải đọc đi đọc lại cả tháng trời thế mà có khi nay các em nói được, mai lại chẳng nhớ gì bởi trẻ khuyết tật đặc biệt là khuyết tật trí tuệ thường lâu nhớ, mau quên. Do vậy, chúng tôi chỉ lựa chọn nội dung cần thiết để dạy đối với mỗi học sinh và mức độ hoàn thành đòi hỏi cũng khác nhau. Và với chúng tôi, giáo án để dạy các em không chỉ là kiến thức mà còn là sự kiên trì, đồng cảm để mỗi tiết học của các em là một giờ vui chơi, thêm nhiều kỹ năng sống để các em được thoải mái, xóa đi những mặc cảm”.

Khác với các trường học khác, ở ngôi trường đặc biệt này, giáo án của các cô không chỉ có kiến thức mà còn bao hàm cả nhận thức, giao tiếp, kỹ năng sống, vận động và hành vi. Mỗi đối tượng học sinh đều cần một kế hoạch giảng dạy riêng phù hợp với dạng tật và mức độ tật. Và mỗi tuần một lần, các giáo viên ở Trung tâm lại dạy cho học sinh của mình các kỹ năng sống bao gồm từ những việc nhỏ như tự phục vụ bản thân đến các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm… Tuy nhiên, không phải học trò nào cũng tiếp thu nhanh chóng đặc biệt là những em khuyết tật trí tuệ ngay cả việc tự phục vụ bản thân còn rất hạn chế.
 
Cô giáo Hà Thị Thúy kể: "Có em mặc dù trời mùa đông nhưng lại tắm nước lạnh. Kết quả là bị ốm sốt. Nói chẳng được, trách chẳng vừa, cô thì hốt hoảng mà trò thì cứ cười, vô tư như không phải chuyện của mình. Em ấy ốm sốt mình phải ôm vào lòng dỗ dành, đêm đó trò ngủ ngon lành còn mình thì mất ngủ vì lo lắng. Chỉ lo em ấy tiếp tục không nghe lời mà tái diễn chuyện tắm nước lạnh trong những ngày đông này”.
 
Một buổi học hỗ trợ cá nhân ở lớp hỗ trợ can thiệp sớm tại Trung tâm.

Câu chuyện của cô Thúy dừng lại khi có một phụ huynh đưa đứa con 3 tuổi đến đăng ký học nhóm hỗ trợ can thiệp sớm dành cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi. Được biết, ngoài nhiệm vụ dạy văn hóa cho các khối học sinh trung học cơ sở, từ năm 2013, Trung tâm xây dựng thêm phòng hỗ trợ can thiệp sớm với mục đích nhằm thay đổi xu hướng và hệ quả của khuyết tật hay sự chậm phát triển.
 
Đây là hoạt động hoàn toàn miễn phí dành cho trẻ. Phòng hỗ trợ can thiệp sớm có 4 phòng hỗ trợ cá nhân và 1 phòng hỗ trợ chung dành cho các hoạt động nhóm. Lúc tôi đến, cô giáo Trương Thị Thanh Nhàn - chuyên về giáo dục đặc biệt đang dạy nhận biết đồ vật cho 4 cô cậu học trò đều bị khuyết tật trí tuệ. Từng câu nói, lời giảng đều rất tỉ mỉ, ân cần và kiên trì: "Đây là cái gì nhỉ, con nói lại cho cô nghe nào?”, "Yến nói cho cô nghe con gì đây?”, "Các con giỏi quá…”.
 
Cô Nhàn chia sẻ: "Với trẻ khuyết tật nếu được can thiệp sớm từ độ tuổi từ 0 - 6 sẽ rất tốt, đặc biệt là được can thiệp trong môi trường học đường, trẻ khuyết tật sẽ có nhiều cơ hội để hòa nhập cộng đồng, có điều kiện để phát triển tâm lý, hình thành thói quen, kỹ năng cá nhân và xã hội tích cực. Như bé Yến đến Trung tâm khi vừa tròn 2 tuổi không biết đi, không biết nói, cả ngày chỉ khóc, sức khỏe yếu lại mắc bệnh tim bẩm sinh, các cô giáo khá vất vả với con bé. Hàng ngày chúng tôi phải xoa bóp, mát xa để các cơ khớp mềm ra rồi tập các bài tập nhẹ hay dắt bé đi cầu thang. Song song với dạy đi là dạy nói, tập phát âm, vừa dạy phải vừa uốn nắn hành vi và phải rất kiên trì bởi trẻ khuyết tật trí tuệ rất mau quên.
Cho đến nay, bé Yến đã gần 4 tuổi, biết đi, biết nói, khá hoạt bát trong chúng bạn”.
 
10 năm gắn bó với giáo dục trẻ chuyên biệt, cô Nhàn lúc nào cũng kiên trì và ân cần như thế. Mỗi bài giảng cho các em là sự đầu tư rất tỉ mỉ của cả giáo viên và tập thể nhà trường. Ở lớp can thiệp sớm, mọi đồ chơi, đồ giảng dạy hầu hết đều do các cô giáo tự làm, có những đồ thì được bố mẹ học sinh đóng góp bởi lớp học này không nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ của Trung tâm mà nó được xây nên bởi tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ và cái tâm với nghề của những giáo viên nơi đây.

Giữa chốn phố phường tấp nập, ồn ào vẫn luôn có những con người lặng lẽ cống hiến, tâm huyết vì những học trò thiệt thòi với trọn vẹn tình thương yêu. Đêm xuống. Cơn gió lạnh đầu đông tràn về; lại thêm những thao thức lo toan…

Hoài Anh

Các tin khác
Đông đảo sinh viên, cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh tham gia hiến máu tình nguyện

YBĐT - Sáng 29/11, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái tổ chức hiến máu tình nguyện năm 2017.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làm thủ tục khám chữa bệnh.

Từ nay đến năm 2020 chưa xem xét việc nâng mệnh giá bảo hiểm y tế nên cần tính toán mức đóng, quyền lợi cho phù hợp.

Đón gió lạnh tràn về, nhiệt độ thấp nhất tại Sa Pa (Lào Cai) giảm tới 6-8 độ C. Đỉnh Fansipan khả năng lại xuất hiện băng giá, sương muối.

Công an huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân làm dịch vụ homestay sử dụng thiết bị chữa cháy.

YBĐT - Luật Cư trú được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Luật Cư trú ra đời nhằm bảo đảm quyền cư trú của công dân đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý cư trú.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục