Sự lựa chọn của mỗi cá nhân

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2017 | 8:14:34 AM

YBĐT - 21 tuổi - em đã là mẹ của một bé gái hơn 2 tuổi và chuẩn bị đón một em bé nữa chào đời. Em kể, nhà bố mẹ ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Tốt nghiệp trung học phổ thông, em được gọi đi học nghề nhưng duyên phận đến sớm nên em theo chồng thôi.

Nhà chồng em ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Trước em ở cùng bố mẹ đẻ vì chồng còn đang theo học, nay chuẩn bị sinh con nữa thì em sẽ về nhà chồng. Em hồn nhiên rằng "nhỡ” đấy, dù thương con gái bé bỏng cần quan tâm nhưng đi siêu âm, bác sỹ bảo thai khỏe mạnh nên em giữ lại.
 
Cặm cụi bên chiếc máy thêu tự động hoa văn trang phục phụ nữ Mông mà bố mẹ gửi từ Suối Giàng lên, em cứ làm nhưng hàng cũng chẳng bán được. Hai mẹ con thuê một căn nhà ở ngã ba Kim vì em muốn dành dụm ít tiền để về sinh con bên gia đình chồng.
 
Thuê chung với 2 người khác, mỗi tháng tiền thuê nhà của em đã là một triệu đồng. Hàng ế, em nói hết tháng phải tìm chỗ rẻ hơn. Nụ cười em bớt tươi khi ôm con gái nựng nịu: "Nếu ổn định được chỗ ở thì cháu cũng đã được đi học mầm non…”.
 
Nụ cười em lại càng bớt tươi khi đếm rằng: "Về nhà chồng, thêm ba mẹ con thế này thì thành 15 người sống chung. Ruộng vườn thì ít lắm!”. Nét mặt thanh tú dưới chiếc khăn nhiều sắc màu đội đầu của phụ nữ Mông tắt hẳn nụ cười: "Cũng thấy ân hận mà. Nếu cứ đi học nghề thì chắc cũng đỡ…”.

20 tuổi - em gái Mông tươi xinh và nhanh nhẹn phục vụ khách hàng đến quán của mình gội đầu, làm móng, đắp mặt… Học xong cấp ba trường huyện, em bảo mình học không giỏi đâu nên chọn đi học nghề. Tìm hiểu trên mạng, em tự về Hà Nội học nghề cắt tóc, gội đầu. Sáu tháng học nghề rồi lại phụ việc, quê hương là nơi em mong trở về.
 
Nhà ở La Pán Tẩn, thuê một gian nhà nhỏ ngay ngã ba Kim, đường dốc lên thác Hấu Đề mỗi tháng tám trăm ngàn đồng, em vay ngân hàng 30 triệu đồng để mở quán. "Túc tắc toàn khách quen, cũng tạm ổn, đủ tiền thuê quán, có ít tích lũy, gom góp trả ngân hàng”, em chia sẻ.
 
Sáng sớm mỗi ngày, phụ giúp một người chị họ tráng bánh cuốn, bán xôi và bánh mì ở chợ thị tứ, tiền công em có thêm dăm trăm ngàn một tháng. Rời nhà từ sáu giờ sáng và trở về nhà khi đã tám giờ tối, niềm vui có việc làm mỗi ngày khiến em càng tự tin.
 
Chưa có người yêu, hỏi như thế liệu đã là "cao tuổi” so với các chúng bạn trên bản, em khúc khích: "Hợp thì yêu thôi, chẳng để ý tuổi”. Lại hỏi nếu yêu nhau, bạn trai bảo bỏ nghề về làm ruộng làm nương thì tính sao, em dứt khoát: "Phải bỏ công mà thuyết phục bạn trai chứ!”. Em vẫn còn những dự định của riêng mình cho cuộc sống bản thân mai sau, đặc biệt là làm nghề nên phải thường xuyên học kiến thức mới. Khiêm tốn em nhỏ nhẹ: "Chịu khó học hỏi và chăm chỉ làm nghề là sẽ sống ổn!”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác

YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trấn Yên đã bàn giao 2.394 sổ BHXH cho người lao động, đạt 52% kế hoạch năm. 

YBĐT - Đến hết năm 2017, huyện Lục Yên tiếp tục phấn đấu xây dựng thêm 6 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số đạt chuẩn lên 23 trường.

YBĐT - Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái báo cáo tình hình thực hiện và triển khai, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Yên Bái với hai nội dụng: quy định về quy trình cấp thẻ bảo hiểm y tế và việc cấp thẻ BHYT cho người nghèo.

Đón và truy điệu hài cốt liệt sỹ Hồ Sỹ Khánh

YBĐT - Sáng 6/12, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái đã tổ chức Lễ đón và truy điệu hài cốt liệt sỹ Hồ Sỹ Khánh sau 42 năm liệt sĩ hy sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục