Hiện nay, với 3.125 cán bộ, trong đó, bác sỹ 720 người đạt tỷ lệ 8,9 bác sỹ/vạn dân; 88 người dược sỹ đại học, đạt tỷ lệ 1,09 dược sỹ đại học/vạn dân; tổng số xã có bác sỹ 114, đạt tỷ lệ 63,3%; triển khai có hiệu quả chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực y tế. Năm qua, đã tổ chức xét tuyển 61 bác sỹ, 6 cử nhân điều dưỡng vào làm việc tại các đơn vị y tế công lập. Do đó, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu bác sỹ, dược sỹ đại học.
Mặt khác, với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, ngành thường xuyên chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hệ thống giám sát dịch được củng cố từ tuyến cơ sở; công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai chủ động và hiệu quả, dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn xảy ra, các ổ dịch nhỏ rải rác được kiểm soát và khống chế kịp thời; làm tốt công tác xử lý, thanh khiết môi trường, khắc phục hậu quả do thiên tai, mưa lũ; Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tiếp tục duy trì chuẩn quốc gia trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh năm thứ 7; mở rộng 10 chỉ tiêu ISO 17025, nâng tổng số lên 60 chỉ tiêu đạt chuẩn ISO về xét nghiệm nước, thực phẩm và quan trắc môi trường.
Cùng với đó, các chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trên địa bàn, thực hiện chỉ tiêu hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 98,5%; tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin viêm gan B sơ sinh đạt 93,1% so với tổng số trẻ đẻ ra tại bệnh viện, tăng 9,6% so với cùng kỳ; dịch HIV/AIDS từng bước được kiềm chế, đẩy lùi; công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm, chú trọng, đã tổ chức 20 đợt kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho 100% bữa ăn tại các sự kiện diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trong năm, ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 56 người mắc, giảm 88,9% so với cùng kỳ về số vụ, 90,2% về số người mắc, không có trường hợp tử vong.
Công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tiếp tục duy trì chỉ tiêu giảm sinh ở mức 0,2‰/năm; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ giới tính khi sinh là 111,8 (năm 2016 là 112), chất lượng dân số từng bước được nâng lên.
Công tác khám, chữa bệnh có sự chuyển biến rõ rệt, đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh; cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được đầu tư hiện đại; triển khai áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu cả ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, chất lượng các dịch vụ được nâng lên...
Vì vậy, 1.929.335 lượt người khám bệnh (bình quân 2,3 lần/người/năm); 159.488 bệnh nhân điều trị nội trú, tăng 20,6%; điều trị ngoại trú 99.753 lượt người, tăng 13,6%; phẫu thuật 19.575 ca tăng 23,4%. Năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên hạng I, Trung tâm Y tế huyện Văn Yên lên trung tâm hạng II.
Điểm đánh giá chất lượng bệnh viện có 6/16 đơn vị đạt mức 3; 10/16 đơn vị đạt mức 2 và không có đơn vị nào không đạt yêu cầu; điểm tăng trung bình 0,26 điểm. Công tác quản lý dược được triển khai tốt, đảm bảo cung ứng thuốc đủ cho công tác khám, chữa bệnh và phòng bệnh. Duy trì tốt hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở kinh doanh.
Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm tiếp tục duy trì hoạt động theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, mở rộng thêm 17 hoạt chất nâng tổng số 301 hoạt chất giám sát được và 2 phép thử mới. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời thuốc, mỹ phẩm giả, không có nguồn gốc xuất xứ và không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đề án xây dựng xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2017, đã có 95/180 xã được công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế, vượt 4 xã so với kế hoạch. Đặc biệt, ngành đã hoàn thành đạt và vượt 22/24 chỉ tiêu của ngành đề ra; trong đó, có 6/6 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giao.
Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 98,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,0%; số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt 68,3%, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2016; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 62,1% cao hơn 3,07% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, ngành đã tăng cường vận động thu hút đầu tư từ các nguồn vốn ODA. Trong năm 2017, đã vận động mới được 2 dự án gồm: Dự án Đầu tư hệ thống xử lý chất thải Bệnh viện Sản Nhi với tổng mức đầu tư là 11,259 tỷ đồng; Dự án An ninh y tế khu vực Tiểu vùng Mê Công mở rộng với mức đầu tư là 26,205 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn giải ngân từ các dự án ODA cho lĩnh vực y tế năm 2017 là hơn 40 tỷ đồng.
Công tác xã hội hóa y tế từng bước được triển khai theo lộ trình. Cải cách hành chính có những bước cải thiện rõ rệt. 100% các đơn vị trong ngành đã xây dựng, sửa đổi và ban hành quy chế làm việc phù hợp với các quy định hiện hành.
Cụ thể là, việc rà soát về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của cơ quan, đơn vị được quan tâm, đặc biệt vào tháng 07/2017 đã xây dựng dự thảo quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế của các đơn vị trực thuộc trình Sở Nội vụ thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành. Bên cạnh đó, tình hình triển khai các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh về tổ chức bộ máy cũng được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Hiện, Sở Y tế đã tiến hành thực hiện cơ chế một cửa trong các lĩnh vực y, dược với 113 thủ tục hành chính được UBND tỉnh phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%. Ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, đẩy mạnh trong toàn ngành và 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; 100% các đơn vị triển khai phần mềm giám định bảo hiểm y tế trực tuyến và có 156/180 trạm y tế xã, phường, thị trấn - tương đương 88,7% đã triển khai phần mềm quản lý y tế xã. Triển khai Hệ thống giao ban trực tuyến giữa Sở Y tế với 9 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố đạt hiệu quả cao. Triển khai Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trên toàn tỉnh đảm bảo quản lý tất cả các đối tượng tiêm chủng theo mã ID.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành y tế vẫn còn một số tồn tại như: nhân lực y tế tuy đã được bổ sung nhưng vẫn thiếu bác sỹ tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Một số đơn vị y tế khác như: Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Tâm thần và các trạm y tế xã, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu cán bộ chuyên khoa sâu, cán bộ giỏi; chưa thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu; tỷ lệ chuyển tuyến còn ở mức cao, đặc biệt ở các chuyên khoa: ung thư, tâm - thần kinh, nội tiết, tim mạch, các bệnh về máu; đội ngũ cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ cơ sở không ổn định, nhiều địa bàn thay đổi cán bộ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động; đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản hoạt động cầm chừng, trình độ chuyên môn còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng cao…
Để khắc phục những tồn tại, trong năm 2018 ngành y tế sẽ tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, phát triển và hiệu quả theo Chương trình hành động số 95-CT/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 73-KH/TU, 74-KH/TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở phát triển bền vững; không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống. Phấn đấu để mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng.
Bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái