Đòn bẩy để tham gia BHYT
Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định về khung giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở KCB của Nhà nước được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/6/2017. Tại tỉnh Yên Bái bắt đầu áp dụng thực hiện từ 01/01/2018 theo Nghị quyết số 44/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh. Nghị quyết này áp dụng cho các cơ sở KCB công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng gấp 2 đến 4 lần so với giá cũ và sẽ do người bệnh trả hoàn toàn.
Theo quy định mới này, có ba nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại.
Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể đối với người bệnh không có thẻ BHYT khi phải điều trị nội trú, dài ngày.
Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn đồng, thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao như: chụp X quang động mạch vành hoặc thông tin; chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng...
Theo bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: "Những bệnh nhân có thẻ BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80% đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí KCB. Như vậy, với việc điều chỉnh giá lần này, khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là rất lớn. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao như sử dụng dịch vụ lọc máu liên tục, tiêu sợi huyết tán trong đột quỵ, thay khớp gối, khớp háng. Tỉnh Yên Bái đã có khoảng thời gian một năm rưỡi cho người chưa có thẻ BHYT quyết định tham gia BHYT, nhưng đến nay vẫn còn khoảng 5% người dân chưa có thẻ BHYT. Do đó, những người chưa có thẻ BHYT nên tham gia BHYT ngay, càng sớm càng tốt để tăng cơ hội chăm sóc sức khỏe cho bản thân và giảm rủi ro y tế cho gia đình”.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Với việc tăng giá viện phí theo Thông tư 02 thì tấm thẻ BHYT thực sự là "tấm bùa hộ mệnh” cho các bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên, việc tăng giá viện phí liệu có đi kèm với tăng chất lượng dịch vụ hay không đó là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm.
Phản hồi ý kiến này trong buổi đối thoại trực tuyến với Chủ đề "Yên Bái thực hiện mức giá dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế của Nhà nước, bà Trần Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Tại tỉnh Yên Bái các bệnh viện đều phải áp dụng bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam để tự đánh giá. Năm 2017, các bệnh viện đều tăng trung bình 0,2 điểm chất lượng so với 2016 và có 6 bệnh viện đạt 3 điểm/ 5 điểm chất lượng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cao nhất đạt 3,6/ 5 điểm, trong đó 3 điểm là đạt tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện Việt Nam. Mức hài lòng của người bệnh đối với tất cả các bệnh viện đều tăng. Bộ Y tế trực tiếp khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tỷ lệ người bệnh hài lòng đạt 91%, trong khi trung bình toàn quốc là 80%. Đây là minh chứng tốt nhất cho sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân, sự nỗ lực của ngành y tế và sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong việc chung tay xây dựng môi trường y tế thân thiện, an toàn, chất lượng hiệu quả”.
Trong những năm qua, ngành y tế Yên Bái quan tâm chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ; đẩy mạnh triển khai, áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến; giám sát việc thực hiện quy chế giao tiếp, quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
Đến nay, 100% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; 100% các đơn vị triển khai phần mềm giám định BHYT trực tuyến và có 156/180 trạm y tế xã, phường đã triển khai phần mềm quản lý y tế xã. Chất lượng công tác KCB được nâng lên dần đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.
Tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế được nâng lên. Các đơn vị y tế cũng triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao. Qua kết quả kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, điểm trung bình tăng từ 0,2 - 0,3 điểm, đến năm 2017 không còn bệnh viện loại yếu.
Để nâng cao chất lượng KCB, trong thời gian tới, ngành Y tế Yên Bái tiếp tục triển khai Đề án "Phát triển nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái” thu hút, tuyển dụng cán bộ chuyên môn y tế trình độ cao; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ lãnh đạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; tăng cường chỉ đạo cơ sở KCB đẩy mạnh triển khai các hoạt động quản lý và cải tiến chất lượng KCB, thực hiện nghiêm các quy định về y đức, quy tắc giao tiếp ứng xử hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tranh thủ các nguồn đầu tư để cải tạo cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị được đầu tư. Thực hiện nghiêm các quy định về trích nguồn thu viện phí trong đó có nguồn thu BHYT để tái đầu tư và mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng phẩm và các vật dụng phục vụ người bệnh; tiếp tục triển khai các đề án hợp tác, đề án bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện tuyến Trung ương.
Văn Thông