Những năm gần đây, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) đã được các cấp, các ngành của tỉnh hết sức quan tâm chỉ đạo và điều hành quyết liệt nhằm hướng tới mục tiêu ATTP cho xã hội. Qua tìm hiểu được biết, số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn ngày càng tăng, thậm chí đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Đi liền với đó, việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn có tiến bộ, hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường…
Ông Nguyễn Văn Tuyến - Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh cho biết, năm 2017 đến nay, Ban Chỉ đạo ATVSTP các cấp đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố tiến hành đồng loạt kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, đã có 5.431/ 6.362 cơ sở đạt khi thanh tra, kiểm tra; 931 cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng đã cảnh cáo 117 cơ sở, phạt tiền 212 cơ sở với số tiền trên 450 triệu đồng; tổng số loại sản phẩm bị tiêu hủy là 119/209 sản phẩm với tổng giá trị trên 234 triệu đồng.
Toàn tỉnh đã hoàn thiện được 1.555 thủ tục hành chính cho cơ sở. Bên cạnh đó, năm qua, toàn tỉnh đã khống chế được các vụ ngộ độc thực phẩm, ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 56 người mắc đi viện, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm, so với năm 2016 giảm 88,9% số vụ, 90,2% số người mắc.
"Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến tại Hội nghị tổng kết công tác ATTP năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 vào ngày 16/3 là không nể nang, né tránh và kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn, tới đây, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt vì môi trường ATTP cho mỗi người dân” - ông Tuyến nói.
Mặc dù công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, song thực tế cho thấy công tác quản lý nhà nước về chất lượng ATTP tuy đã có chuyển biến nhưng hiện chỉ mới tập trung giải quyết được một số vấn đề chứ chưa chủ động quản lý được nguy cơ ô nhiễm theo chuỗi cung cấp thực phẩm theo một chiến lược dài hạn.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện, sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng còn mang tính hình thức, chưa phát huy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý.
Chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản), việc kết nối giữa cung và cầu từ các vùng sản xuất rau an toàn đến người tiêu thụ chưa hiệu quả. Đặc biệt, công tác tuyên truyền về ATTP còn hạn chế, có thực hiện nhưng chưa duy trì thường xuyên.
Nhận thức và ý thức chấp hành về kiểm soát giết mổ và ATTP của một số chủ cơ sở giết mổ, sử dụng thuốc trong bảo quản nông lâm thủy sản, chế biến các sản phẩm động vật chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc các quy định.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành còn mỏng do còn kiêm nhiệm công việc khác, địa bàn hoạt động rộng, nhiều cơ sở phân bố rải rác ở 9 huyện, thị, thành phố. Nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế trong sử dụng thực phẩm. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP còn ở mức thấp.
Đối với nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế, kinh phí và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động VSATTP tại tuyến tỉnh, huyện, thị, thành phố còn thiếu. Đáng nói hơn, vẫn còn những phong tục, tập quán lạc hậu nên kiến thức về VSATTP chưa đồng đều, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
Theo Kế hoạch số 27/KH-UBND ngày 9/2/2018 thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu 76% người sản xuất, chế biến, người kinh doanh thực phẩm an toàn. Để đạt được mục tiêu trên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong vấn đề ATTP.
Tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là thanh kiểm tra đột xuất, thanh tra kiểm tra có trọng tâm trọng điểm, chú trọng vào các đợt cao điểm: lễ hội đầu năm, tháng hành động ATVSTP, tết Trung thu. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và UBND các huyện thành phố kiểm soát ATTP đối với các làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Phối hợp với cơ quan công an nắm chắc các địa phương, địa bàn trọng điểm về vi phạm ATTP, điều tra xử lý hình sự các vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật, củng cố và nâng cao năng lực các cơ quan chuyên môn, các phòng chuyên môn, đặc biệt là phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ quản lý cấp xã, phường, thị trấn, giúp chính quyền trong công tác tham mưu và tổ chức thực hiện quản lý về ATTP...
Trần Minh