Cách đây 10 năm, ngày 12/11/2008, Thủ tướng Chính phủ đã công bố quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam là cụ thể hóa và thể chế hóa các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa.
Trải qua nhiều lần tổ chức, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã góp phần quan trọng giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thêm sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết giúp đỡ cùng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc, với vị trí địa lý của mình, mảnh đất Yên Bái là điểm dừng chân của các dòng người thiên di từ đồng bằng Bắc Bộ lên, từ phương Bắc xuống sinh cư lập nghiệp. Do đó, nơi đây là nơi quần cư của 30 dân tộc anh em với dân số trên 780.000 người, trong đó dân tộc Kinh chiếm 54%, dân tộc Tày chiếm 17%, dân tộc Dao chiếm 9,1%, dân tộc Mông chiếm 8,1%, dân tộc Thái chiếm 6,1%...
Dù sự phân bố dân cư các dân tộc ở Yên Bái không có lãnh thổ tộc người rõ rệt, sống xen kẽ với nhau, tuy vậy, mỗi dân tộc đều có những vùng quần tụ đông đảo của mình.
Tiêu biểu là người Mông cư trú tập trung ở hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải; người Thái, người Mường ở huyện Văn Chấn; người Dao ở hai huyện Văn Yên, Văn Chấn; người Sán Chay ở huyện Yên Bình; người Kinh ở thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ; người Tày, người Nùng ở huyện Lục Yên; người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn; người Phù Lá ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên...
Đa dạng dân tộc tạo nên một Yên Bái đa sắc thái văn hóa vô cùng độc đáo. Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển, những năm qua, công tác bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được tỉnh quan tâm.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 1.200 di sản văn hóa các loại, trong đó có 714 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Từ những cố gắng trong việc bảo tồn, tu bổ, phát huy, đến nay, có 90 di tích văn hóa của tỉnh được xếp hạng.
Trong đó có 13 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia là: Lễ đài sân vận động Yên Bái; Khu mộ Nguyễn Thái Học và các cộng sự trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái 2/1930; Chiến khu Vần; hồ Thác Bà; Căng và đồn Nghĩa Lộ; Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại; đền Nhược Sơn; Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; đền Đông Cuông; đèo Lũng Lô; bến Âu Lâu; Khu ủy Tây Bắc; nơi thành lập Đội Du kích Khau Phạ, Mù Cang Chải.
Đặc biệt, có 45 di sản phi vật thể của dân tộc Yên Bái đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, có 3 di sản được công nhận cấp quốc gia là: nghi lễ cấp sắc của người Dao; nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò - Nghĩa Lộ; Hạn khuống của người Thái.
Hiện, tỉnh đang phối hợp với Viện Văn hóa và một số tỉnh trong khu vực xây dựng hồ sơ xòe Thái trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều làng văn hóa dân tộc, nghề truyền thống như: làng cổ Pang Cáng của người Mông; làng văn hóa Ngòi Tu (Cao Lan); dệt thổ cẩm người Thái; nghề rèn dân tộc Dao; xe lanh, chạm khắc bạc của người Mông… được đầu tư bảo tồn và phát triển.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn tại đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác khôi phục và bảo tồn lễ hội được quan tâm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm lễ hội văn hóa dân gian và lễ hội diễn ra gắn với văn hóa các dân tộc được tổ chức như: lễ hội đền Đại Cại, xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên; lễ hội đền Thác Bà, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình; lễ hội đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên…
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa gắn với truyền thống văn hóa với phong tục tập quán và bàn tay lao động cần cù người dân Yên Bái như: Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng - Trình diễn trang phục các dân tộc... được tổ chức hàng năm đã có tác dụng duy trì và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống, quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Yên Bái ra trong nước và thế giới.
Song song công tác bảo tồn, tu bổ các di sản, công tác xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm. Qua xem xét, nhiều nghệ nhân dân gian thuộc các lĩnh vực là đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Mông, Dao... đã được tỉnh xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú". Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, có tác dụng tốt trong việc nâng cao chất lượng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33, Trung ương 9, khóa XI, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội quan tâm triển khai thực hiện và được nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng và thu được những kết quả hết sức đáng phấn khởi.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên, ngành văn hóa - thể thao và du lịch, nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao đã tích cực đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần để mỗi năm tỉnh giảm 5% hộ nghèo; năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 21,9%; có 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tích cực tham gia các chương trình phòng chống các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đoàn kết các dân tộc.
Qua xây dựng cộng đồng an toàn, không có tệ nạn xã hội, đến nay, toàn tỉnh có 42 xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa, không có tệ nạn xã hội; 100% xã, phường, thị trấn thành lập được ban thanh tra nhân dân; duy trì 2.248 tổ an ninh nhân dân, 3.036 tổ tự quản, 2.394 tổ hòa giải; củng cố duy trì 1.740 hòm thư góp ý về an ninh trật tự, trình báo và tố giác tội phạm; 2.163 điểm trình báo tạm trú, tạm vắng; duy trì 132 mô hình tiên tiến về công tác bảo đảm an ninh trật tự...
Từ xây dựng môi trường văn hóa, hầu hết các cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bình xét năm 2017, toàn tỉnh có 1.117/1.409 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn hóa kỷ cương pháp luật; 1.268/2.306 làng, bản, tổ dân phố xây dựng được quy ước văn hóa; 42 xã, phường, thị trấn ra mắt xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa. Năm 2017, có 152.465 gia đình (74,4%) đạt tiêu chuẩn văn hóa; có 59% khu dân cư (1.151 khu dân cư) đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Hết năm 2017, toàn tỉnh có 1.605 nhà văn hóa, trong đó 83/180 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 95/180 xã, phường, thị trấn có sân bãi hoạt động văn hóa; có 1.169 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 595 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên...
Việc bảo tồn gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của 30 dân tộc đã tạo cho Yên Bái nguồn nội lực to lớn để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, phát triển bền vững.
Nguyễn Đình