Yên Hưng nhân rộng mô hình chăn nuôi hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/4/2018 | 1:53:38 PM

YBĐT - Những năm qua, bằng việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích người dân mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước... nhiều hộ dân ở xã Yên Hưng, huyện Văn Yên đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi bò bán chăn thả của ông Phạm Xuân Tính, thôn 2, xã Yên Hưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi bò bán chăn thả của ông Phạm Xuân Tính, thôn 2, xã Yên Hưng cho hiệu quả kinh tế cao.

Có thâm niên trong việc nuôi lợn thịt nhiều năm, song 2 năm trở lại đây, do giá lợn hơi xuống thấp, sau khi đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế mới thấy mô hình nuôi bò bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
 
Bởi vậy, sẵn có diện tích rộng, gần 8 héc - ta, khu vực chăn nuôi cách ly xa khu dân cư, đầu năm 2017 ông Phạm Xuân Tính ở thôn 2, xã Yên Hưng đã đăng ký với xã nhận hỗ trợ để thực hiện mô hình nuôi bò bán chăn thả quy mô 30 con. Được hỗ trợ 30 triệu đồng cùng với số tiền tích góp của gia đình, ông đã đầu tư làm hệ thống chuồng trại và tìm mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về nuôi.
 
Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, ông Tính đầu tư trồng thêm 1 ha cỏ và ngô, thuê 1 lao động chăn nuôi; đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh cho bò. Nhờ vậy, đàn bò phát triển khỏe mạnh và năm đầu tiên sinh sản được 5 con, năm thứ 2 cũng được 5 con. Hiện tại, ông đã bán bớt 4 con bò thịt và bò giống.
 
Ông Tính cho biết: "So với nuôi lợn thì nuôi bò dễ hơn, không lo mất giá, bò chỉ ăn cỏ đỡ tốn chi phí, hiệu quả kinh tế cao hơn và chỉ cần chú trọng phòng chống dịch bệnh, lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh là nắm chắc thành công”.
 
Với lợi thế về diện tích đất rộng, ông Tính dự định mở rộng quy mô để nuôi giống bò lai sind và nuôi thêm ong mật, bởi theo ông thì nuôi giống bò địa phương mặc dù bò sinh sản đều nhưng trọng lượng bò thấp, giá thành không cao, còn bò lai sind thì trọng lượng lớn hơn, giá cũng cao hơn.

Ông Trần Ngọc Xuân ở thôn 4 cũng vậy, có thâm niên về chăn nuôi khá nhiều năm nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ với vài trăm con gia cầm, hơn chục con lợn mỗi lứa. Nhận thấy chăn nuôi nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế không cao, vậy là đầu năm 2017, ông mạnh dạn đăng ký nhận hỗ trợ 15 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh để tập trung nuôi gà quy mô 1.000 con/lứa.
 
Ông nuôi theo hình thức thả vườn, thức ăn chủ yếu là ngô sắn, dù thời gian nuôi lâu và chỉ được 2 lứa/năm, song chất lượng gà thịt lại được người dân, thương lái tin tưởng lựa chọn. Năm 2017, ông Xuân bán 2 lứa gà thịt đạt trên 3 tấn, trừ chi phí còn thu lãi gần trăm triệu đồng. Nhận thấy nuôi gà có lãi, đầu năm 2018, ông mở rộng quy mô nuôi tới 3.500 con gà/lứa.
 
Ông cho biết: "Chăn nuôi quy mô lớn rủi ro sẽ cao, song chỉ cần chú trọng phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật là được. Mặt khác, nuôi gà giá cả cũng ổn định hơn nuôi lợn rất nhiều. Nếu chú trọng nuôi theo hình thức an toàn đảm bảo chất lượng gà thịt tốt thì đầu ra khá thuận lợi, bởi người tiêu dùng đang hướng tới việc sử dụng các sản phẩm an toàn”.

Để thúc đẩy phong trào phát triển chăn nuôi, những năm qua, xã Yên Hưng đã vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa có đầu tư, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi để tăng giá trị kinh tế của ngành. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chăn nuôi theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Nhờ vậy, đến nay tổng đàn gia súc của xã đã có trên 4.800 con; trên 25.000 con gia cầm các loại; trên 10 mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

Để đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cũng được xã đặc biệt quan tâm.
 
Ông Trần Công Lập - Chủ tịch UBND xã Yên Hưng cho biết: để thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, xã đang khuyến khích, vận động nhân dân tăng cường trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Cùng đó, xã chủ động phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, thú y cho người dân; lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng để người dân phát triển chăn nuôi; triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đến với người dân; đồng thời, vận động các hộ chăn nuôi với quy mô lớn làm tốt công tác vệ sinh môi trường.

Từ những thành công bước đầu phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ tạo ra hướng đi mới, giúp nông dân ở xã Yên Hưng từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu.

Thanh Tân

Các tin khác
Điểm trường Trống Gầu Bua, xã Hồ Bốn mới được Hội Cựu sinh viên K39NEU đầu tư xây dựng.

YBĐT - Dù đang ở khắp mọi miền Tổ quốc, một số đang ở nước ngoài, nhưng Hội Cựu sinh viên Khoá 39, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (K39NEU) đã chung tay mỗi năm xây dựng một công trình mang tên "Trường học cho em”, góp phần sẻ chia những khó khăn với thầy và trò ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Món thịt lợn sấy ướp mắc khén luôn được du khách lựa chọn làm quà khi đến với Tây Bắc.

YBĐT - Hạt mắc khén - loại gia vị đặc trưng miền Tây Bắc không thể thiếu trong bữa ăn của đồng bào dân tộc Thái. Người Thái thường tự hào ví mắc khén là "đệ nhất gia vị" để làm nên những món ăn ngon, lạ và mang đậm bản sắc của vùng đất Mường Lò.

Học sinh tiểu học ở Hà Giang sưởi ấm trong giờ ra chơi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết hiện ở phía Bắc nước ta có một khối không khí lạnh đã hình thành và đang di chuyển xuống phía nam.

Trẻ em cũng phải nghe

Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người dân nhưng cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục