Mù Cang Chải đẩy mạnh công tác xóa mù chữ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/4/2018 | 8:31:09 AM

YBĐT - Triển khai Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020” theo Kế hoạch số 12 của UBND huyện, thời gian qua, các cấp các ngành ở huyện Mù Cang Chải đã thực hiện các giải pháp, tập trung các nguồn lực để đẩy mạnh công tác xóa mù chữ (XMC). 

Huyện phấn đấu 11/14 xã, thị trấn được công nhận XMC mức độ 1 và 3/11 đơn vị đạt XMC mức độ 2 trong năm nay. 

Đến tháng 10/2017, dân số huyện Mù Cang Chải có 61.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 91%. Năm 2017, Huyện Mù Cang Chải đánh giá đạt chuẩn XMC mức độ 1. Kết quả đạt được theo điều kiện, tiêu chuẩn cho thấy: đối tượng XMC ở độ tuổi 15 - 25 có 12.580 người thì có 96,3% đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và 92,7% số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2; với độ tuổi 15 - 35 tuổi, có 22.660 người trong đó số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt 90,7%, người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 là 82,3%.
 
Toàn huyện có tổng số đối tượng từ 15 - 60 tuổi là 34.847 người; trong đó người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt tỷ lệ 77,8% và số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 đạt tỷ lệ 63,4%. Từ khó khăn vốn có của một địa bàn vùng cao và những số liệu về thực trạng công tác XMC thấy rằng còn những thách thức rất lớn cho huyện Mù Cang Chải.
 
Ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, XMC và xây dựng xã hội học tập đã được kiện toàn do đồng chí Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban. Các cuộc rà soát được tiến hành, kế hoạch tổ chức thực hiện được thống nhất; trong đó rà soát, tăng cường hoặc điều động giáo viên cho các đơn vị trường thiếu giáo viên để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục và XMC. Các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực bám nắm cơ sở để giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vận động đồng bào đi học, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra...
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Thị Xuyến trao đổi: "Chúng tôi tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
 
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp huyện, đồng thời tập huấn nghiệp vụ điều tra, thống kê, tổng hợp để các đơn vị trường học trong huyện thực hiện tốt hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, chống mù chữ và hoàn thiện các hồ sơ và chỉ đạo chuyên môn tại các đơn vị trường.
 
Công tác tuyên truyền cũng đã được các địa phương thực hiện dưới nhiều hình thức, chủ yếu là qua hệ thống truyền thanh và tuyên truyền miệng trực tiếp tại cộng đồng, gia đình học viên. Nội dung tập trung phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết và văn bản chỉ đạo của các cấp về công tác phổ cập giáo dục, XMC; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý và các ban ngành, đoàn thể, nhân dân về công tác phổ cập, XMC; tập trung tuyên truyền để có thể huy động 100% học sinh, học viên ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng các lớp XMC, sau XMC và phổ cập giáo dục THCS.
 
Ở một số địa bàn, huyện đã chỉ đạo, lãnh đạo các ngành phụ trách đến từng hộ dân để vận động, bằng mọi cách để đối tượng xóa mù ra học chữ.
 
 Ở các xã cũng sớm thành lập ban chỉ đạo về công tác XMC - phổ cập giáo dục, xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm các điều kiện. Công tác hộ tịch, hộ khẩu được xã đẩy mạnh, tránh tình trạng bỏ sót đối tượng giáo dục. Các đồng chí bí chi bộ, trưởng bản, trưởng các đoàn thể của xã tham gia huy động, chịu trách nhiệm nắm từng học viên để vận động, đôn đốc ra học.
 
Ông Nguyễn Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết: "Chúng tôi tổ chức 1 lớp XMC với 30 học viên nữ. Việc tuyên truyền, vận động chị em và những đối tượng XMC ở đây rất khó khăn do nhận thức, đồng bào rất xem nhẹ việc này, có khi việc học của con em họ còn phó mặc cho nhà trường. Có nhiều khi, các đồng chí cấp ủy, bí thư chi bộ, công chức phụ trách bản và giáo viên của xã phải chầu chực chờ học viên ăn cơm để chở đến lớp. Lớp học tổ chức 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật nhưng cuộc họp giao ban tuần nào chúng tôi cũng phải nắm tình hình để chỉ đạo”.

Đến nay, toàn huyện Mù Cang Chải đã khai giảng và duy trì được 13 lớp học XMC với khoảng 400 học viên. Trong đó, 10 lớp tổ chức tại các xã: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Mồ Dề, Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn... với 300 học viên; tổ chức 3 lớp 4 và 5 cho 105 học viên tại xã Nậm Khắt.
 
Các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS trên địa bàn tổ chức điều tra, cập nhật số liệu phổ cập giáo dục - XMC; tổ chức giảng dạy đúng theo phân phối chương trình. Các giáo viên có kinh nghiệm được phân công thực hiện giảng dạy các lớp XMC, sau XMC và phổ cập giáo dục THCS.
 
Thầy giáo Lưu Bình Quang - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Dế Xu Phình chia sẻ: "Lớp XMC ở đây có 30 học viên, trong đó 5 học viên nam, học viên tuổi trên 20 có, trên 50 cũng có. Chúng tôi cử 5 giáo viên theo dõi lớp và truyền đạt kiến thức. Để tạo điều kiện cho học viên, nhà trường bố trí lớp học vào chiều thứ Sáu, ngày thứ Bảy và Chủ nhật, nhờ đó bà con cũng tích cực tham gia học tập”.

Đến nay, các lớp XMC ở các xã trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã đi vào nề nếp. Song vẫn đòi hỏi có sự sâu sát, chỉ đạo, đôn đốc của các cấp ủy đảng và sự vào cuộc tích cực của các ngành thành viên, sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cùng đó là sự tâm huyết, khắc phục khó khăn của mỗi thầy cô giáo, sự nỗ lực của từng học viên. Có như vậy, công tác phổ cập giáo dục - XMC ở Mù Cang Chải mới đạt kết quả như mong muốn.

Quang Tuấn

Các tin khác

YBĐT - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc - Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo” tỉnh Yên Bái phát động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” và an sinh xã hội năm 2018.

Bộ Y tế đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 1.151 điều kiện kinh doanh.

Ngày 26/4, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của bộ Y tế.

Ngày 24-4, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành; bệnh viện trực thuộc các trường đại học bảo đảm công tác khám, chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Cây thuốc quý được hội viên Hội Đông y tỉnh trồng làm nguồn dược liệu phục vụ công tác chữa bệnh cho nhân dân.

YBĐT - Nhiều bệnh nhân được chữa bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, giác hơi… đạt kết quả an toàn trong điều trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục