Khó khăn trong quản lý thực phẩm chức năng

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/6/2018 | 8:23:13 AM

YBĐT - Qua khảo sát có thể thấy, tại các quầy thuốc trên địa bàn thành phố Yên Bái, thực phẩm chức năng chiếm từ 40% đến 50% tổng số sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng. 

Trên thị trường hiện có hàng trăm loại thực phẩm chức năng. (Ảnh minh họa)
Trên thị trường hiện có hàng trăm loại thực phẩm chức năng. (Ảnh minh họa)


Hiện nay, tỉnh Yên Bái có trên 400 cửa hàng bán lẻ, 6 công ty kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) phân bố đều khắp 9 huyện, thị, thành phố. Sự phát triển tràn lan của thị trường TPCN đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng đồng thời, khiến người tiêu dùng khó lựa chọn sản phẩm.

Qua khảo sát có thể thấy, tại các quầy thuốc trên địa bàn thành phố Yên Bái, TPCN chiếm từ 40% đến 50% tổng số sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng. Các sản phẩm được bào chế dưới dạng viên, nước hoặc bột, giá thành từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân nâng lên, do đó nhu cầu sử dụng TPCN cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây.
 
Theo một số nhà thuốc, với hàng trăm loại TPCN được nhập về bán, lượng người mua tăng kéo theo doanh thu bán hàng cũng tăng đáng kể. Chị Hoài Phương Ly - nhân viên nhà thuốc Cường Mùi, huyện Yên Bình cho biết: "Thường thường, các sản phẩm TPCN bán chạy nhất chủ yếu là hàng về xương khớp, chăm sóc sắc đẹp hay các mặt hàng về cải thiện sức khỏe”.

TPCN là những chế phẩm bắt nguồn từ thực phẩm đã được thay đổi thành phần qua chế biến, bổ sung nhằm đưa đến tác dụng có lợi cho sức khỏe ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng cơ bản. Mặc dù có tác dụng tốt nhưng việc sử dụng phải đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn.
 
Hiện nay, người dân thường chọn TPCN nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc sắc đẹp, thuốc giảm cân, bổ não, hỗ trợ chức năng gan, mắt, xương khớp và thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em. Đa số người tiêu dùng nghe theo lời quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng nhưng không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Thậm chí, nhiều trường hợp không phân biệt được giữa thuốc và TPCN dẫn đến mua nhầm, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.
 
Chị Hà Thị Nhớ ở tổ 2, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình chia sẻ: "Tôi nghe mọi người giới thiệu nhau sử dụng TPCN tốt nên tôi tìm đến hiệu thuốc để mua chứ không theo chỉ định của bác sỹ. Khi sử dụng TPCN cũng có một phần lo ngại, nên lúc đầu tôi cũng chỉ mua một vài lọ về dùng thử, nếu hiệu quả thì tôi mới mua tiếp”.

Trên thực tế, việc đăng ký lưu hành TPCN dễ hơn so với sản phẩm thuốc, lợi nhuận thu được lớn. Do đó, hầu hết các cửa hàng bán lẻ thuốc đều kinh doanh mặt hàng này. Điều này cũng kéo theo khó khăn trong công tác quản lý bởi lực lượng làm công tác kiểm tra còn mỏng, kinh phí và trang thiết bị máy móc để kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm thiếu.
 
Bên cạnh đó, việc quản lý kinh doanh TPCN trên mạng xã hội rất khó thực hiện. Lợi dụng lỗ hổng trong quản lý, một số đơn vị đã tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), các vi phạm của các cơ sở kinh doanh TPCN thường là quảng cáo không đúng sự thật, hàm lượng không đúng như công bố…
 
Bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thanh Phương cho biết: "Ở Việt Nam, đối với sản phẩm TPCN, nhiều người dân chưa tin dùng lắm, có một số nhà máy sản xuất không theo một tiêu chí nào cả, thêm nữa hàng giả, hàng nhái trên thị trường còn rất nhiều. Tôi rất mong muốn các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt hơn việc thanh tra, kiểm tra các mặt hàng TPCN để chúng tôi yên tâm hơn trong việc nhập hàng và buôn bán”.
 
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Yên Bái cũng cho biết: "Các cửa hàng kinh doanh TPCN nhỏ lẻ đều phải tuân thủ các điều kiện như đăng ký kinh doanh, các mặt hàng phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ sở bán buôn phải lưu giữ các hồ sơ công bố các mặt hàng TPCN để giúp cơ quan Nhà nước có thể dựa trên các hồ sơ đó để kiểm tra, đánh giá các sản phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, các cửa hàng TPCN nhỏ lẻ thường xuất hiện trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, cho nên lực lượng thanh tra, kiểm tra ở những vùng đó còn mỏng, kinh phí cho hậu kiểm để kiểm nghiệm các thành phần trong các nhóm TPCN khá tốn kém, vì vậy, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình kiểm tra, đánh giá các mặt hàng TPCN”.

Trước thực trạng còn nhiều bất cập như trên, với việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATVSTP thông qua phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra và cơ chế phối hợp sẽ góp phần tháo gỡ phần nào khó khăn về công tác quản lý Nhà nước hướng đến bảo vệ quyền lợi được sử dụng các sản phẩm an toàn của người tiêu dùng. Đồng thời, để sử dụng các sản phẩm TPCN một cách hiệu quả và an toàn, người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, chọn những cửa hàng và sản phẩm uy tín.

Hải Hà

Các tin khác

Sáng 16/6, tại Công viên Tao Đàn, quận 1, thành phố Hồ Chi Minh, lực lượng chức năng đã phát hiện một số trường hợp giả danh công an có biểu hiện tụ tập, gây rối an ninh trật tự.

Sáng 16/6, Bộ Y tế, Công ty Sanofi Pasteur và Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam đã cho ra mắt loại vaccine này.

YBĐT - Sáng 16/6, tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh Yên Bái đã tổ chức Giải thể thao truyền thống lần thứ VIII - năm 2018. 

Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Nhằm chủ động, kịp thời tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân, lao động tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết định của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, không nghe và làm theo những lời xúi giục trái pháp luật của kẻ xấu, ngày 15-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đã ra lời kêu gọi công nhân, lao động cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục