Giữ gìn bản sắc văn hóa Thái

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/6/2018 | 6:46:24 AM

YBĐT - Mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ được thành lập từ năm 2007 với 38 thành viên là người địa phương đang công tác tại các cơ quan Nhà nước.

Hội Hạn khuống được bảo tồn và biểu diễn trong các lễ hội của người Thái vùng Mường Lò.
Hội Hạn khuống được bảo tồn và biểu diễn trong các lễ hội của người Thái vùng Mường Lò.

Vì thế, hơn 10 năm thành lập đến nay, các nghệ nhân, thành viên của Mạng lưới đã từng bước bảo tồn và phát triển hiệu quả tri thức bản địa dân tộc Thái tại Nghĩa Lộ cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc. 

Ông Lò Văn Vy - thành viên Mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Năm 2014 là năm bận rộn nhất đối với Mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ. Mạng lưới đã tham gia cùng với  thị xã tổ chức thành công Hội thi Xòe cổ; bảo tồn một số lễ hội truyền thống và tổ chức 2 lớp dạy món ăn truyền thống, lớp dạy chữ Thái cổ và lớp may mặc trang phục của người Thái. Đặc biệt, Mạng lưới đã phối hợp cùng với thị xã hoàn thiện hồ sơ công nhận 6 điệu xòe cổ là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia”. 

Để hoạt động hiệu quả, hàng năm, Mạng lưới luôn được kiện toàn tổ chức; các nghệ nhân, những người yêu thích văn hóa Thái có trách nhiệm tổ chức dạy các lớp chữ Thái cổ cho các thành viên mới và trẻ; hướng dẫn thực hiện một số đề án, dự án nghiên cứu về các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Mường Lò – Nghĩa Lộ... 

Chị Lò Thúy Quỳnh - thành viên Mạng lưới cho biết: "Tuy là thành viên trẻ nhất nhưng tôi đã được tham gia công tác sưu tầm, in ấn nhiều tác phẩm văn hóa truyền thống có giá trị như "Tục cúng vía của người Thái đen Mường Lò”; "Cầm Hánh đánh giặc Cờ vàng”; tham gia khôi phục, truyền dạy 6 điệu xòe cổ, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái. Đặc biệt, tôi còn sưu tầm được trên 20 bài đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian của người Thái đấy”. 

Các thành viên là nam giới của Mạng lưới thì tham gia đảm nhiệm, tìm hiểu kỹ thuật chế tác khèn bè và sáng tác các bài hát tiếng Thái; tham gia xây dựng một số nhà sàn văn hóa cổ của người Thái đen ở xã Nghĩa An để phục vụ nghiên cứu và hoạt động du lịch; tham gia công tác tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng hiện có và chịu trách nhiệm trông coi, bảo vệ khu rừng cây bản địa tại xã Nghĩa An.  


Tiếng nói và chữ viết của người Thái chẳng những là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân tộc Thái mà còn góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Anh Lê Thanh Tùng ở phường Pú Trạng tuy không phải người Thái nhưng sau một thời gian tham gia thành viên của Mạng lưới, được nghiên cứu tìm hiểu, đến nay đã nói thông, viết thạo chữ Thái và có thể giới thiệu văn hóa Thái với nhiều du khách trong nước và ngoài nước khi có dịp đến tham quan Nghĩa Lộ. Anh Tùng chia sẻ: "Học chữ Thái và tiếng Thái đã giúp tôi hiểu biết về một nền văn hóa Thái phong phú đa dạng; hiểu hơn tình yêu thương, tính nhân văn cao đẹp của tiếng Thái thông qua hệ thống nhạc cụ, các bài khắp, bài đồng dao”. 

Hơn 10 năm hoạt động, Mạng lưới Bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ đã tham gia bảo vệ thành công nhiều đề tài về bảo tồn các hoạt động lễ hội truyền thống; mở lớp dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc; truyền dạy món ăn truyền thống; tham gia vào Dự án Bảo tồn bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi; bảo tồn những giá trị văn hóa đặc thù của đồng bào Thái... 

Thời gian tới, Mạng lưới sẽ tiếp tục tập trung thực hiện bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Mường Lò - Nghĩa Lộ; bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục các dân tộc; khuyến khích dùng tiếng nói, trang phục truyền thống dân tộc trong giao tiếp, sinh hoạt và tham gia các lễ hội, các hoạt động văn hóa; nghiên cứu quy định việc sử dụng trang phục dân tộc truyền thống trong lễ hội, trường học và công sở đối với cán bộ, công chức... 

Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để quy hoạch, khuyến khích nhân dân bảo tồn nhà sàn, làng bản dân tộc Thái, Mường Lò gắn với phát triển du lịch; xây dựng và liên kết các tour du lịch vùng Tây Bắc; đào tạo thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch biết giao tiếp bằng tiếng Anh, biết nói tiếng Thái và am hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc cũng như về lịch sử, truyền thống của địa phương.

Trần Ngọc

Các tin khác
Các em học sinh Trường THCS thị trấn Yên Bình đạt học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 được UBND huyện tuyên dương, khen thưởng.

YBĐT - Mấy năm trở lại đây, Trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình luôn là đơn vị có số học sinh đạt học sinh giỏi các cấp đứng tốp đầu trong toàn tỉnh. Tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh năm học 2017 - 2018 nhà trường có 118 học sinh đạt giải, trong đó, cấp tỉnh có 28 giải, cấp huyện 90 giải.

Rèn luyện sức khỏe thường xuyên giúp thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội.

YBĐT - Năm 2018, trong rất nhiều nội dung phòng chống ma túy (PCMT) cần triển khai, Chính phủ đã chọn chủ đề "Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy” trong Tháng hành động PCMT nhằm nhắc nhở về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước và của cả xã hội trong việc giúp đỡ thế hệ trẻ có cuộc sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn ma túy.

YBĐT - Ngay sau Công điện số 05, chiều  25/6, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục có Công điện số 06/CĐ-UBND gửi các ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiêm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Môn Toán chiều nay, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi mặt buồn thiu vì đề thi dài, nhiều câu rất khó. Dưới đây là gợi ý giải đề thi mã đề 103 và 117.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục