Chuyện của vợ lính

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/6/2018 | 7:25:07 AM

YBĐT - Đâu phải chỉ có thời chiến mới có chờ đợi, hy sinh mà ngay cả khi bầu trời Tổ quốc đã xanh ngắt một màu hòa bình thì những người vợ lính vẫn vò võ chờ chồng trong thương nhớ triền miên. Chị Phạm Thúy Hằng ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình là một trong những người vợ như thế.

Hơn 25 năm về chung một nhà thế nhưng thời gian bên nhau mà chị Phạm Thúy Hằng - vợ Thượng tá Dương Văn Thạnh hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trạm Tấu tính vỏn vẹn chưa đầy 2 năm. 

Như bao người phụ nữ khác lập gia đình, chị Hằng cũng luôn ước mong được chồng bên cạnh cùng nuôi dạy con cái lớn khôn, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhưng vì nghĩa vụ thiêng liêng của chồng, chị thầm lặng hy sinh trong niềm kiêu hãnh của một người vợ lính, vừa làm mẹ vừa làm vợ là hậu phương vững chắc nhưng cũng là một người bố nuôi dạy con thơ nên người. 

Chị sinh năm 1970, quê Yên Bái; còn anh Thạnh sinh năm 1966, quê Hưng Yên. Anh chị quen nhau năm 1987 khi chị đang là sinh viên sư phạm ở Xuân Hòa, Vĩnh Phúc, còn anh là lính đóng quân tại Đại Lải, Vĩnh Phúc. Khi đó, các anh lính trẻ mỗi dịp được nghỉ lại ra trường chị chơi, giao lưu, anh là một trong số đó. 

Tình cờ, anh chị quen nhau, bén duyên từ lúc nào không hay. Sau khi ra trường, anh vẫn công tác tại Vĩnh Phúc, còn chị về công tác tại huyện Yên Bình. Vượt qua tất cả, năm 1993, anh chị nên duyên vợ chồng, năm 1994, sinh cháu đầu lòng. 

Ngày ấy, phương tiện thông tin liên lạc còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện. Mỗi năm, anh về nhà được hai lần, chị không nhớ mình bao lần tiễn chồng lên đường tiếp tục công tác, bao lần cô đơn trào nước mắt, song mỗi lần như vậy nhìn các con thơ chị lại thấy mình thêm mạnh mẽ.

 Lật giở từng trang nhật ký, từng bức thư tay chan chứa yêu thương, tràn đầy nhớ nhung, chị Hằng nhớ lại: "Gửi thư cũng phải vài hôm mới tới nơi nhưng ngày nào anh cũng viết, cũng gửi nên ngày nào tôi cũng nhận được thư, cảm giác như anh đang công tác gần nhà vậy. Thế nhưng, tôi vẫn sợ những ngày lễ, tết hoặc tối cuối tuần, nhìn gia đình khác vợ chồng con cái chở nhau đi chơi, tủi thân lắm! Các cháu cứ đòi bố chở đi chơi như các bạn. Lúc đó, tôi chỉ muốn khóc. Giờ anh công tác ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trạm Tấu, tuy trong tỉnh nhưng mỗi tháng cũng chỉ về được 1, 2 lần. Nhưng ngày nào cũng gọi video thấy hình của nhau nên nỗi nhớ cũng bớt phần nào. Xa nhau nửa đời người, gần một đời công tác mọi thứ đã quen rồi”. 

Tới đây, ánh mắt xa xăm của chị chợt lóe lên niềm vui, chị hồ hởi khoe về những tấm bằng khen của hai con, con gái lớn của anh chị hiện đang làm tại một ngân hàng ở Hà Nội, con trai nhỏ thì năm nào cũng được học sinh tiên tiến, các con chị dù xa bố nhưng rất ngoan, nghe lời mẹ. Chị Hằng còn kể, mỗi lần tranh thủ về nhà tuy ít thời gian nhưng lần nào về anh cũng giành làm việc nhà, đỡ đần vợ như muốn bù đắp phần nào những thiếu thốn, thiệt thòi của chị. 

Ngồi cạnh chị Hằng, lắng nghe câu chuyện từ đầu, con trai thứ hai của anh chị tên Dương Việt Hưng khoe: "Bố cháu dặn, bố đi làm xa, ở nhà mình mẹ vất vả phải chăm chỉ học hành, nghe lời mẹ và ông bà ngoại. Hè này bố sẽ cho chúng cháu về quê ông bà nội ở Hưng Yên chơi. Được về quê nội, cháu thích lắm!”. Vẫn còn đó sự hy sinh thầm lặng, những đêm chăm con ốm, những ngày bản thân ốm đau hay khi công việc mệt mỏi nhưng sau mỗi câu chuyện chị lại nhắc lại chắc nịch: "Đã là vợ lính thì phải biết chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn, mình luôn thấy tự hào có chồng là bộ đội, là một người lính cương nghị, chín chắn trong mỗi lời nói và việc làm”.

Trong cuộc sống, có những gia đình đủ đầy lại không thể vượt qua những vấn đề nhỏ nhặt đời thường để tiếp tục căng buồm hạnh phúc vượt khó khăn đi đến cuối cuộc đời. Thế nhưng, những người vợ lính như chị Hằng, dù phải đương đầu với vô vàn sóng gió vẫn thủy chung son sắt, đảm đang thay chồng nuôi dạy con ngoan, là hậu phương vững chắc cho chồng hoàn thành nhiệm vụ. Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, xin gửi lời chúc sức khỏe đến gia đình chị Hằng, anh Thạnh, gia đình của những người lính trên mọi miền đất nước mãi hạnh phúc để các anh thêm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc!

Lê Thương

Các tin khác

YBĐT - Trong đời sống người Việt, bữa cơm gia đình không chỉ là nơi tụ họp, gắn kết các thành viên, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn... mà đó còn là nền tảng hình thành nề nếp gia phong, là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người dân thôn Khe Loóng tích cực tham gia phong trào thể thao.

YBĐT - Thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên có 112 hộ với 525 khẩu, 100% là người dân tộc Dao sinh sống, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ thôn Đá Trắng, xã Vũ Linh tập luyện điệu múa tra hạt.

YBĐT - Với trên 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Nùng, kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian trong đồng bào dân tộc huyện Yên Bình phong phú và đa dạng.

YBĐT - Ngày 27/6, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Yên Bái tổ chức bế mạc Trại sáng tác Văn học trẻ năm 2018 và Tọa đàm "Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác Văn học trẻ Yên Bái trong tình hình hiện nay”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục