Khi có việc lớn trong làng, bô lão được xếp ngồi ở vị trí trang trọng giữa đình làng, được bàn bạc, hiến kế trong công việc của làng của tổng. Ở tầm cỡ quốc gia, lúc vận nước nguy nan, triều Trần đã mở hội nghị Diên Hồng để thỉnh thị ý kiến của các bô lão và đây được coi là một trong những minh chứng sống động nhất cho tinh thần trọng lão của người Việt.
Với đạo lý truyền thống nhân ái đó, trước đây, ta vẫn quen hình ảnh nhà trường hay cha mẹ vẫn thường dạy trẻ nhỏ khi gặp bề trên, người già phải lễ phép chào hỏi; giúp đỡ người già trong cuộc sống. Đặc biệt, trong ngày tết, người già luôn được quan tâm, ưu ái đặc biệt nhất.
Thế nên, cả trong thời buổi đất nước còn muôn vàn khó khăn thì mỗi khi tết đến, con cháu vẫn muốn dành cho ông bà, cha mẹ sự quan tâm chu đáo nhất. Sự quan tâm ấy có thể là mua cho người già tấm áo mới, đôi giày mới, chăn ấm hoặc một vài vật dụng mới...
Tuy vậy, sự quan tâm chủ yếu nhất, đó là sự phụng dưỡng người cao tuổi. Thức ăn ngày tết trong nhà có thứ gì ngon nhất cũng để dành cho người cao tuổi và chế biến làm sao cho ngon nhất, dễ ăn nhất, lành nhất để các cụ thưởng thức. Con cháu đã lấy vợ, gả chồng ra ở riêng cũng vậy, có thứ gì ngon nhất cũng cố mang đến biếu ông bà.
Hoặc hình ảnh rất đáng trân trọng nữa là trong làng, trong xóm có người đi công tác, làm ăn xa khi về nghỉ tết vẫn luôn nhớ đến người già ở quê để đến biếu quà. Người trong xóm thôn khi làm được bánh ngon cũng mang đến biếu người già. Nhà nào mổ lợn tết rất mong đón được các cụ đến chơi cùng ăn bữa "sốt”.
Người yếu không đến được thì nhà mổ lợn mang biếu chút thức ăn gọi là "ngọn cỗ”. Đi chúc tết thì nhà ai có người già cũng được xóm thôn ưu tiên đến trước. Tục mừng tuổi ngày xuân, người già cũng được ưu tiên hơn cả.
Sau này, đời sống khá giả hơn thì trong dịp tết, ngoài những sự phụng dưỡng nói trên, cha mẹ bước vào thượng thọ được con cháu động viên bằng lễ khao thọ. Thuật ngữ "khao thọ” đủ cho thấy con cháu có cha mẹ, ông bà sống thọ đã trở thành niềm tự hào xứng đáng để khao họ, khao làng. Đến tuổi thượng thượng thọ thì lại càng tự hào thêm nữa mà khao to hơn.
Làng xóm, chi hội người cao tuổi cũng quan tâm tổ chức cho người già lễ mừng thọ trong dịp tết; UBND xã, phường, thị trấn và gia đình người cao tuổi tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày như: Ngày Người cao tuổi Việt Nam; Ngày Quốc tế người cao tuổi; tết Nguyên đán, sinh nhật người cao tuổi.
Sự quan tâm ấy thể hiện sự quan tâm, niềm động viên đầy ý nghĩa và tôn vinh người cao tuổi; động viên người cao tuổi sống vui sống khỏe để cống hiến trí tuệ xây dựng gia đình, cộng đồng làng xóm, đất nước mạnh giàu, văn minh. Đồng thời, cổ vũ toàn dân ra sức chăm lo cho cuộc sống người cao tuổi. Tiếp lửa cho truyền thống, đạo lý nhân ái của người Việt về lòng tôn kính người cao tuổi.
Sơn Nam