Yên Bái: Hiệu quả Chương trình Sữa học đường

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/1/2019 | 10:55:26 AM

YBĐT -  Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Chương trình Sữa học đường, kêu gọi được một số công ty, nhà máy sữa như: Vinasoy, TH Truemilk, Vinamilk... thực hiện các chương trình cấp sữa miễn phí và bán sữa có trợ giá cho học sinh ở một số trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Riêng Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy đã cấp phát miễn phí 601.865 hộp sữa Fami Kid 125ml, trị giá hơn 2 tỷ đồng cho 25.790 học sinh tiểu học của 59 trường thuộc thành phố Yên Bái và các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Văn Chấn.

Năm học 2018 - 2019, Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy tiếp tục triển khai Chương trình "Sữa đậu nành học đường Vinasoy” tại tỉnh Yên Bái và đã có 14.480 học sinh được Công ty Vinasoy phê duyệt danh sách uống sữa đậu nành Fami Kid miễn phí trong 10 ngày với tổng số 144.800 hộp. 

Các trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký mua sữa trợ giá, trong đó: học sinh cận nghèo và con thương binh, liệt sỹ được trợ giá 50%, học sinh nghèo được hỗ trợ 100%, số còn lại được trợ giá 35%. Đối với các trường mầm non, nhà trường đã huy động cha mẹ học sinh đóng góp để đưa sữa vào thực đơn hàng tuần của trẻ. 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đang có 154 cơ sở giáo dục mầm non với 40.453 trẻ được uống sữa. Các sản phẩm sữa được sử dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non gồm: Vinamilk, Gold care, Vigold, Sure care, Su milk, Viomilk, Dollac, Gigo. 

Thực hiện chương trình hợp tác giữa thành phố Yên Bái và thành phố Chevilly Larue thuộc tỉnh Val de Marne, Cộng hòa Pháp, hàng năm, 100% trẻ mầm non các trường thuộc các xã của thành phố Yên Bái đều được uống sữa tài trợ, trong đó có 2 bữa sữa bột và 3 bữa sữa đậu nành. 

Chị Hà Thị Yến - phụ huynh của cháu Đặng Tuấn Minh đang học lớp 3 tuổi, Trường Mầm non Hoa Ban (thành phố Yên Bái) bày tỏ: "Tôi rất vui vì Chương trình Sữa học đường đang ngày càng được triển khai sâu rộng. Trộm vía, từ khi đi học, bé nhà tôi tăng cân đều đặn và ít ốm vặt hẳn vì được uống sữa thường xuyên tại trường”. 

Chương trình Sữa học đường  nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định do nguồn sữa dành cho học sinh mẫu giáo, tiểu học chủ yếu là từ sự kêu gọi các nguồn hỗ trợ và tài trợ nên không được thường xuyên; nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của Chương trình Sữa học đường còn hạn chế; kinh tế của người dân, nhất là khu vực nông thôn còn thấp nên việc vận động phụ huynh học sinh cho con uống sữa tại trường hoặc tại nhà rất khó khăn, kể cả khi có trợ giá. 

Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân và phụ huynh học sinh về ý nghĩa của Chương trình Sữa học đường; kêu gọi các doanh nghiệp sữa cấp sữa miễn phí cho học sinh nghèo và bán sữa có trợ giá cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa phải rõ nguồn gốc, đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, phù hợp theo độ tuổi và được kiểm định về chất lượng, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Tại Việt Nam, khoảng 30% dân số biết và có thói quen tiêu dùng sữa, các sản phẩm từ sữa. Trong đó, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm xấp xỉ 30%. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu vẫn ở mức rất cao so với thế giới. Trong đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi lên tới 24,6%. 

Mục tiêu của Chương trình Sữa học đường là cải thiện về số lượng và chất lượng khẩu phần ăn thông qua hoạt động cho học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các trường, đặc biệt là tại các huyện nghèo; đáp ứng 90-95% nhu cầu năng lượng của trẻ vào năm 2020.

Hồng Oanh

Các tin khác
Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc cần triển khai kế hoạch dự trữ thuốc trong dịp Tết Nguyên đán

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị các sở y tế của các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em gồm 13 tiêu chí với tổng số điểm tối đa là 1.000 điểm.

Hình ảnh tại lễ trao giải.

189 sinh viên được trao tặng danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"; 137 sinh viên là cán bộ Hội Sinh viên, cán bộ Đoàn Thanh niên được trao tặng giải thưởng "Sao tháng Giêng".

Đoàn viên thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau bão lũ.

YBĐT - Năm 2018 đi qua, để lại nhiều dấu ấn với tuổi trẻ Yên Bái, đặc biệt là phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN). Trong đó, cụm công trình "Hỗ trợ nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả cơn bão số 3” đã vinh dự đứng đầu trong 10 công trình thanh niên tiêu biểu toàn quốc năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục