BLGĐ không chỉ gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe của những đứa trẻ phải chứng kiến BLGĐ. Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình.
Từ thực trạng này, có thể xác định tình trạng BLGĐ tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, đối tượng bị bạo lực phần lớn là phụ nữ. Người gây ra bạo lực chủ yếu là nam giới mà nguyên nhân chủ yếu là cờ bạc, rượu chè, tệ nạn xã hội, bất bình đẳng giới, kết hôn sớm, ngoại tình, thiếu hiểu biết về Luật Phòng chống BLGĐ, thiếu các kỹ năng ứng xử, cách giải quyết không phù hợp khi trong gia đình có sự mâu thuẫn, xung đột.
Cộng đồng còn thờ ơ với hành vi BLGĐ, tuyên truyền, giáo dục chưa hiệu quả, chính quyền xử lý BLGĐ chưa triệt để, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền còn hạn chế. Trong số 617 vụ BLGĐ, hầu hết nạn nhân đều giấu diếm vì lo giữ thể diện cho người thân, chỉ đến khi hậu quả quá nghiêm trọng mới được phát hiện thì đã quá muộn.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ, giảm thiểu các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Yên Bái đã triển khai, tổ chức phổ biến, quán triệt Luật, các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình, công tác phòng, chống BLGĐ tới ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đưa nội dung tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống BLGĐ vào kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của đơn vị.
Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều đợt quán triệt, tuyên truyền thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong 10 năm qua, ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng in và phát hành trên 36.000 cuốn tài liệu gồm: "Văn bản quản lý Nhà nước về công tác gia đình”, "Sổ tay công tác gia đình”, "Văn bản quản lý Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa và gia đình” và trên 30.000 tờ rơi "Kiến thức gia đình”, "Thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ”, "Tuyên truyền phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
Bên cạnh công tác truyền thông về gia đình và phòng, chống BLGĐ, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp với ngành tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ với hình thức sân khấu hóa, hàng năm, nhân Ngày gia đình Việt Nam (28/6) tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao gia đình, tổ chức biểu dương gặp mặt gia đình tiêu biểu xuất sắc... Các hoạt động này đã thu hút đông đảo các gia đình tham gia.
Tuy vậy, công tác gia đình là lĩnh vực mới, cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở còn kiêm nhiệm nhiều việc, chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về văn hóa gia đình, chưa nắm rõ các quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ; việc xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ chưa kịp thời; công tác tư vấn, giải quyết mâu thuẫn trong gia đình theo pháp luật còn yếu.
Do vậy, thời gian tới, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực gia đình, các kiến thức cơ bản về gia đình, phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới.
Qua đó, nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt là nắm rõ được các hành vi vi phạm về BLGĐ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
Anh Dũng