Năm 2000, nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã lựa chọn thông điệp "Máu an toàn bắt đầu từ tôi" nhằm nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của mỗi người đối với an toàn truyền máu. Vì vậy, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện từng khẳng định: "Một điểm rất đặc biệt ở nước ta đó là Ngày Sức khỏe Thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện để tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tích cực tham gia hiến máu cứu người.
Từ đó đến nay, ngày 7/4 đã trở thành một ngày được các cấp, các ngành và đông đảo người dân Việt Nam hưởng ứng bằng hành động thiết thực. Đó là hiến máu và vận động nhiều người khác cùng hiến máu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng an toàn truyền máu, chất lượng của công tác cấp cứu và điều trị người bệnh".
Sau 25 năm phát động, phong trào hiến máu tình nguyện cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Số đơn vị máu thu được tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.336.842 đơn vị máu, trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người HMTN, tương đương 1,68% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%.
Nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn, tạo dấu ấn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước đã được nhiều địa phương hưởng ứng và tổ chức vào các thời điểm khan hiếm máu như: chiến dịch Vận động hiến máu dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng, chiến dịch "Những giọt máu hồng hè” và Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6…
Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với một quốc gia, mỗi năm cần tối thiểu khoảng 2% dân số tham gia hiến máu. Đối chiếu với tỷ lệ trên 1,6% dân số hiến máu ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy máu cho điều trị vẫn còn thiếu, thiếu ở nhiều địa phương trên toàn quốc và thiếu ở nhiều thời điểm trong năm, nhất là dịp hè và dịp Tết.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhấn mạnh - "Máu là một loại thuốc đặc biệt mà không có chế phẩm thay thế được, máu chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả cho điều trị hằng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa, vv… máu cũng rất cần để sẵn sàng dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng".
Hy vọng trong thời gian tới, phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục lan tỏa và nhận được sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, góp phần cứu chữa và hồi sinh cho nhiều người bệnh đang cần truyền máu.
(Theo VTV)