Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế điển hình trên địa bàn xã, Chủ tịch HPN xã Yên Hưng, chị Trần Thị Xuyên thông tin: Để giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, các cấp HPN xã đã duy trì việc đứng ra ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho gần 140 hội viên vay vốn với tổng dư nợ 3,6 tỷ đồng; tuyên truyền vận động hội viên thành lập các tổ tiết kiệm và góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế.
Đồng thời, vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để hội viên áp dụng vào sản xuất. Từ đó, nhiều hội viên được tiếp cận với kiến thức cũng như nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và vươn lên khá, giàu.
Mô hình chúng tôi dừng chân đầu tiên là mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình chị Phạm Thị Vân, thôn Trung Tâm.
Nhận thấy nuôi ong cho hiệu quả kinh tế lại chịu ít rủi ro, không đòi hỏi nhiều nhân lực, đầu tư không cao mà cho nguồn thu nhập khá nên gia đình chị Vân đã tận dụng lợi thế đất đồi rừng hơn 1ha sau nhà để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay, sau 5 năm gắn bó với nghề, gia đình chị đã mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn lên 150 tổ.
Chị Vân chia sẻ: "Trước kia, gia đình tôi chủ yếu làm nương, trồng rừng, song năm 2014, được tham gia lớp học nghề nuôi ong trong 3 tháng do Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức, thấy nuôi ong không khó, chỉ cần người nuôi khéo léo, tỉ mỉ sẽ cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình đã kết hợp trồng keo và nuôi ong. Đến nay thì nghề nuôi ong mật đã trở thành nghề chính của gia đình tôi".
"Tính riêng trong năm 2018, gia đình tôi thu được 500 lít mật ong với giá bán bình quân 180.000 đồng/lít, thu nhập đem lại trên 70 triệu đồng/năm” - chị Vân nói.
Chia tay gia đình chị Vân, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi đà điểu của chị Phạm Kim Tho - một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ chi hội thôn Khe Bốn.
Là người đầu tiên thực hiện mô hình này tại xã Yên Hưng, gia đình chị đã tìm hiểu qua mạng Internet, qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan một số mô hình đã nuôi đà điểu thành công, thấy đặc tính của loài vật này là sống khỏe, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, thức ăn dễ kiếm, tháng 9/2018 chị Tho đã quyết tâm đầu tư chuồng trại, sân bãi và về Trại giống đà điểu Ba Vì mua 20 con nuôi thử nghiệm. Đến nay, những chú đà điểu của gia đình chị đang phát triển tốt.
Chị Tho cho biết, đà điểu là giống chim hoang dã, có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh, có thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, trong khi thức ăn của chúng rất dễ, chủ yếu là rau cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… Đàn đà điểu này khi tôi mua về nặng khoảng 15kg với giá 2,5 triệu đồng/con. Dự kiến khoảng 12 tháng, khi đà điểu đạt trọng lượng 80 - 90 kg, tôi sẽ xuất bán, hiện giá trung bình là 110.000 đồng/kg hơi.
"Đầu ra thì yên tâm bởi thịt đà điểu mềm, có vị thơm ngon hơn thịt bò, được coi là loại thịt sạch vì không sử dụng các loại thuốc tăng trọng nên khi đạt đủ trọng lượng tôi sẽ bán lại cho Trại giống đà điểu Ba Vì. Thời gian tới, tôi dự định mở rộng mô hình nuôi đà điểu lên 50 con” - chị Tho tâm sự.
Có thể thấy, từ sự hỗ trợ tạo điều kiện về vốn, về kiến thức của HPN các cấp đã tạo động lực để hội viên phụ nữ xã Yên Hưng thay đổi cách nghĩ, cách làm và phát huy khả năng sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững các tiêu chí nông thôn mới của địa phương.
Thanh Chi