Đoàn viên Nguyễn Hải Quân, sinh năm 1990 ở tổ 7, thị trấn Mậu A, được biết đến là một trong những điển hình tiêu biểu của tuổi trẻ Văn Yên năng động làm kinh tế giỏi. Năm 2013, Quân học xong Đại học Sư phạm Mỹ thuật Trung ương do chưa xin được việc làm nhưng niềm đam mê nghệ thuật và cũng phải xoay sở với cơm áo gạo tiền anh bắt tay vào làm quảng cáo.
Năm 2017, Quân nhận thấy trên địa bàn huyện có nguồn gỗ rừng trồng phong phú anh mạnh dạn vay 150 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy cắt CNC, máy khắc laser hiện đại để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ngay trên quê hương.
Những mặt hàng cơ sở của anh sản xuất chủ yếu đồ chơi trẻ em bằng gỗ cung cấp cho các trường mầm non trên địa bàn với giá chỉ 280 nghìn đồng/sản phẩm ngựa gỗ, trong khi trên thị trường bán 350.000 - 400.000 đồng.
Hiện nay, sản phẩm của Quân đã được giao bán trên mạng xã hội facebook, zalo, lazada, sendo... được nhiều người biết đến. Có những ngày cao điểm xưởng sản xuất từ 20-30 con ngựa gỗ cung cấp cho thị trường. Trung bình một tháng sau khi đã trừ chi phí xưởng thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân Quân còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 ĐVTN trên địa bàn với mức thu nhập ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Hải Quân cho biết: "Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng trên mọi miền đất nước, tạo thêm nhiều việc làm cho ĐVTN trên địa bàn".
Cũng với tinh thần khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã Q&C do đoàn viên Phạm Văn Cường, xã Đại Phác làm chủ, chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch trên diện tích 3ha và hệ thống nhà kính 8.500m2 với vốn đầu tư 1.6 tỷ đồng để lại nhiều ấn tượng, năm 2018, Hợp tác xã Q&C đã thu về gần 2 tỷ đồng.
Hay mô hình chiết xuất tinh dầu xả, tinh dầu bạch đàn của đoàn viên Vũ Đình Dũng xã Yên Hưng; mô hình chăn nuôi lợn rừng bán giống và lấy thịt của đoàn viên Lý Thị Kết xã Mậu Đông; mô hình nhân giống cây dược liệu của đoàn viên Hoàng Trọng Khương, Hoàng Trọng Khang xã Xuân Ái cho mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên...
Được biết, năm 2018, Huyện đoàn Văn Yên đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết những vấn đề về khởi nghiệp, lập nghiệp mà thanh niên quan tâm.
Huyện đoàn cũng phối hợp với các ngành tổ chức được 15 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 440 ĐVTN tham gia; phối hợp với trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 190 lượt ĐVTN tại các xã An Thịnh, Yên Hưng, Tân Hợp, Mậu Đông; tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho hơn 1.000 ĐVTN các trường THPT trên địa bàn huyện tham gia; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn ủy thác tại 16 xã với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay vốn học tập và thanh niên phát triển kinh tế.
Anh Đỗ Văn Thành - Bí thư Huyện đoàn Văn Yên cho biết: "Trong thời gian tới Huyện đoàn sẽ hỗ trợ để ĐVTN được vay vốn phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả cuộc vận động thanh niên giúp nhau làm kinh tế. Tiếp tục định hướng, giúp đỡ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong thanh niên để lập nghiệp tại địa phương; tăng cường tập huấn khoa học kỹ thuật cho ĐVTN. Chủ động phối hợp tổ chức hoặc khuyến khích ĐVTN tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, ngành nghề kinh doanh mới nhằm áp dụng vào sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế trong ĐVTN…".
Từ Phong trào "Thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương thanh niên sản xuất - kinh doanh giỏi, những chủ trang trại trẻ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Quyết Thắng