Gia đình anh Nguyễn Giang Bính, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ kinh doanh mặt hàng ăn uống đã 13 năm nay. Đây vừa là nguồn thu nhập của gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với anh Bính thì đảm bảo ATTP là tiêu chí đầu tiên mà gia đình đặt ra, coi công tác đảm bảo ATTP cho khách hàng là trách nhiệm của mình, vì sức khỏe gia đình, người thân và toàn xã hội.
Anh Bính chia sẻ: "Thực phẩm để chế biến các món ăn của gia đình tôi đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và là sản phẩm của người dân địa phương như: cá suối, lợn lửng, gà đồi và các loại rau rừng. Nhà hàng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định về ATTP trong sản xuất kinh doanh, cung cấp thực phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có trên 700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; 13 bếp ăn tập thể; gần 30 hộ gia đình làm homestay. Những năm qua, Ban Chỉ đạo ATTP của thị xã và các xã, phường đã tập trung làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tạo điều kiện cho công tác ATTP.
Đặc biệt, năm 2018 thị xã đã thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành và nhiều buổi truyền thông về công tác ATTP. Vì vậy những năm qua không có vụ ngộ độc thực phẩm đông người nào xảy ra trên địa bàn. Nhiều sự kiện lớn của tỉnh, khu vực đã được tổ chức an toàn, ẩm thực của Nghĩa Lộ - Mường Lò đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Những năm qua, công tác bảo đảm VSATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định: công tác thông tin, giáo dục truyền thông về VSATTP được đẩy mạnh, huy động được các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và cộng đồng tham gia, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Trong đó, năm qua trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 887 buổi nói chuyện cho hơn 23.000 người về ATTP; mở 100 lớp tập huấn với hơn 4.200 người tham gia; tổ chức 46 hội thảo, hội nghị thu hút hơn 2.600 người tham dự; phát 10.000 tờ rơi; treo 272 băng rôn, khẩu hiệu... tuyên truyền về công tác đảm bảo VSATTP.
Các cấp, các ngành đã tổ chức thanh kiểm tra 1.944 cơ sở, phát hiện còn tới 469 cơ sở vi phạm VSATTP về: sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, hàng kém chất lượng không bảo đảm an toàn… Năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 61 người mắc.
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, vừa qua, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã tổ chức "Lễ phát động Tháng hành động Vì ATTP” tại thị xã Nghĩa Lộ với nhiều hoạt động cụ thể thực hiện chủ đề năm 2019 "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Ông Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Thời gian tới Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức triển khai chiến dịch truyền thông đảm bảo VSATTP; tăng cường thanh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phấn đấu năm 2019 có 75% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng và chủ cơ sở được cập nhật kiến thức về ATTP, 75% cơ sở sản xuất được thanh kiểm tra đạt yêu cầu VSATTP, trên 45% cơ sở sản xuất thực phẩm tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định”.
Song để nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác đảm bảo VSATTP trong cộng đồng cần sự chung tay của các sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng để ATTP không còn là mối lo của toàn xã hội.
Minh Huyền